Theo đó, mục tiêu của bản thỏa thuận Mỹ- Đài là nhằm cắt bớt các thủ tục rườm rà và hài hòa hóa các tiêu chuẩn lao động và chống lại các hành vi phi thị trường. Mục tiêu là góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương bao gồm thủ tục thông quan, thương mại không giấy tờ, khai báo dữ liệu điện tử và hợp tác hải quan.
Phó đại diện Thương mại Mỹ Sarah Bianchi cho biết, vòng đàm phán đầu tiên sẽ chính thức khởi động vào đầu mùa thu để “phát triển một lộ trình đầy tham vọng cho các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Sáng kiến Mỹ- Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21”.
Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ diễn ra dưới sự bảo trợ của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), cơ quan được ví như đại sứ quán trên thực tế của Washington tại eo biển Đài Loan, và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thủ đô Washington (Tecro).
Theo các nguồn tin, các nhà đàm phán Mỹ và Đài Loan cũng sẽ đề cập đến các lĩnh vực hợp tác thương mại, thực hành nông nghiệp, chống tham nhũng và tạo thuận lợi thương mại kỹ thuật số cũng như các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Nội dung thông báo của Washington sử dụng những ngôn từ có vẻ hướng thẳng vào Bắc Kinh, khi cho biết thỏa thuận sẽ giải quyết "những méo mó đáng kể" do các doanh nghiệp nhà nước gây ra và tác hại do các chính sách và thực tiễn phi thị trường gây ra.
“Mỹ và Đài Loan là các nền kinh tế theo định hướng thị trường và hiểu rõ tác hại có thể gây ra bởi các đối tác thương mại triển khai những chính sách và thực tiễn phi thị trường, đe dọa sinh kế và có thể gây phương hại cho người lao động và các doanh nghiệp. “Hai bên sẽ tìm kiếm phương cách thông qua các điều khoản thúc đẩy sự hợp tác về cách giải quyết các chính sách và thực tiễn phi thị trường có hại này”, thông báo có đoạn.
Tuyên bố của Mỹ được loan đi sau một trong những giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, bắt đầu từ chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc hồi đầu tháng này. Ngay sau đó Bắc Kinh đã phản ứng bằng một động thái kích hoạt một vòng diễn tập quân sự bắn đạn thật của quân đội nước này gần như bao vây hòn đảo.
Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ đang chờ được thống nhất và hầu hết các nước, kể cả Mỹ, không công nhận hòn đảo tự trị này là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Washington một mặt vẫn cam kết tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại, đồng thời phản đối mọi nỗ lực lấy lại hòn đảo bằng vũ lực. Trong khi đó giới phân tích cho rằng, chính sách "giữ nguyên hiện trạng" của chính quyền bà Thái Anh Văn hiện nay luôn đi ngược với mục tiêu của Bắc Kinh, trong đó coi việc thu hồi hòn đảo dù bằng biện pháp hòa bình hay vũ lực, chỉ là vấn đề thời gian.
Trong một diễn biến liên quan, lực lượng phòng vệ Đài Loan tối qua (17/8) đã tổ chức diễn tập sẵn sàng chiến đấu với nội dung phòng thủ, chống đổ bộ tại căn cứ ở huyện Hoa Liên, phía đông eo biển Đài Loan bằng việc phô diễn nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại, bao gồm tên lửa đất đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, AIM-9 Siderwinder và máy bay tiêm kích F-16V...