Cụ thể từ ngày 14/6/2021 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trâu, bò không phát sinh trên gia súc. Hiện tất cả các ổ dịch VDNC trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được UBND các huyện công bố hết dịch.
Trước đó, tỉnh Nam Định ghi nhận địa phương xuất hiện dịch bệnh VDNC đầu tiên là xã Hồng Quang (huyện Nam Trực) vào ngày 7/1/2021. Khi dịch bệnh xảy ra, ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định đã hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, diệt vật chủ trung gian truyền bệnh để chủ động phòng, chống dịch.
Tổ chức thực hiện đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn tỉnh từ ngày 5 - 20/4/2021 để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Phân bổ 15.000 lít hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương.
Ngoài ra, UBND các xã, hộ chăn nuôi chủ động mua 2.250 lít thuốc sát trùng và 72 tấn vôi bột để triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, khu vực công cộng như chợ, bãi rác, bãi chăn thả.
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã tiêm vắc xin VDNC được 21.464/26.738 con trâu, bò (đạt 80,3% tổng đàn). Các địa phương tiếp tục tổ chức tiêm bổ sung cho trâu, bò mới phát sinh, chưa được tiêm phòng để chủ động phòng, chống dịch.
Từ khi phát sinh, dịch bệnh VDNC xẩy ra tại 192 hộ chăn nuôi ở 62 xã, thị trấn của 9/9 huyện với tổng số bò mắc bệnh là 302 con, tiêu hủy 19 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là gần 2 tấn.
Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định thông tin: Bệnh VDNC chủ yếu xuất hiện ở bò, chưa phát hiện ở trâu và các loài khác. Bệnh lây lan chủ yếu do môi giới trung gian truyền bệnh như ve, mòng, ruồi, muỗi… với tỉ lệ mắc bệnh là 35,2% (302/857 con tổng đàn của hộ có dịch); tỉ lệ chết 6,3% (19/302 con), chủ yếu là bê non.
“Bệnh phát sinh mạnh trong khoảng thời gian từ ngày 25/3 – 16/4, vì đây là thời điểm mùa mưa, độ ẩm không khí cao, thuận lợi cho môi giới trung gian truyền bệnh phát triển mạnh...”, ông Hiểu nói.
Ông Hiểu thông tin thêm: Ngành chăn nuôi Nam Định đã thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC; tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.
Trường hợp phát hiện gia súc mắc bệnh VDNC, cơ quan chuyên môn tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp khoanh vùng xử lí dịch bệnh; tiêu hủy những bò ốm nặng, chết theo đúng quy trình kỹ thuật; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch; diệt ruồi, muỗi, ve, mòng để hạn chế lây lan dịch…