| Hotline: 0983.970.780

Nam Định: Dự án cấp đè dự án, 'quýt' làm… ai chịu?

Thứ Năm 28/04/2022 , 08:27 (GMT+7)

Dự án nước sạch được tỉnh Nam Định cấp phép đè lên dự án của Bộ GTVT. Nếu không có cách giải quyết hợp tình, hợp lý thì hậu quả khôn lường.

Nhiều năm qua, việc hoàn trả tuyến ống nước sạch Phú Mỹ Tân qua khu vực Kênh nối Đáy - Ninh Cơ vẫn chưa được thống nhất. Ảnh: Quang Dũng.

Nhiều năm qua, việc hoàn trả tuyến ống nước sạch Phú Mỹ Tân qua khu vực Kênh nối Đáy - Ninh Cơ vẫn chưa được thống nhất. Ảnh: Quang Dũng.

Bộ GTVT đã nói gì về hoàn trả dự án nước sạch?

Như thông tin Báo NNVN đã đưa về Công trình cấp nước sạch cho 27.000 hộ dân kêu cứu . Ngày 7/4/2022, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, Bộ GTVT đã làm việc với Công ty Mai Thanh về việc hoàn trả hệ thống đường ống dẫn nước sạch, thuộc tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) Kênh nối Đáy- Ninh Cơ.

Tại cuộc họp này, đối với vấn đề thẩm quyền, Bộ GTVT cho biết, Dự án WB6 triển khai từ năm 2008 đến nay “chưa một giây dừng lại”, còn Dự án nước sạch của Công ty Mai Thanh do tỉnh Nam Định ra các quyết định triển khai từ năm 2015 nhưng Bộ GTVT không được biết. Do vậy, thẩm quyền thực hiện công trình hoàn trả tuyến ống nước sạch thuộc phần giải phóng mặt bằng (GPMB) do tỉnh Nam Định đảm nhiệm.

Trước đó, ngày 30/9/2020, UBND huyện Nghĩa Hưng có Công văn số 587 gửi Bộ GTVT đề nghị phía Dự án WB6 làm Chủ đầu tư công trình hoàn trả tuyến ống nước sạch vì công trình này có “nhiều yếu tố kỹ thuật nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Nghĩa Hưng”.

Phía Bộ GTVT cho biết, đây là “công văn vượt cấp” nên đã chuyển trả UBND tỉnh Nam Định giải quyết. Sau đó, UBND tỉnh Nam Định đã có công văn nhận trách nhiệm làm công trình này và giao huyện Nghĩa Hưng thực hiện là thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Về thiết kế kinh tế - kỹ thuật Kênh nối Đáy – Ninh Cơ, Bộ GTVT cho biết, công trình này triển khai từ năm 2015 và không xét đến tuyến ống hoàn trả Dự án nước sạch bởi “không biết đến sự xuất hiện của Dự án đã được tỉnh Nam Định cấp phép”.

Với vai trò và tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai một dự án mang tầm cỡ quốc gia, Bộ GTVT cũng đã thuê một đơn vị tư vấn xem xét hoàn trả dự án nước sạch của Công ty Mai Thanh bằng phương án đi nổi qua cầu. Tư vấn đã đưa ra 3 phương án đi nổi: trên mặt cầu, cạnh thân cầu và treo dưới gầm cầu. Tuy nhiên, cả 3 đều không thể chấp nhận vì sẽ làm thay đổi kết cấu cầu.

Cụ thể, nếu đi nổi trên cầu thì sẽ phải mở rộng mặt cầu thêm 1,2m. Đi bên thân cầu, tuyến ống sẽ làm lệch trọng tâm cầu. Còn nếu treo dưới gầm cầu, để bảo đảm độ cao tĩnh không tính từ mặt nước, cầu phải thêm cao độ và phải kéo dài cầu.

Sau buổi làm việc, Công ty Mai Thanh đã tiếp tục đề xuất “đi nổi cạnh thân cầu nhưng chia nhỏ thành nhiều tuyến ống 2 bên thân cầu. Theo ý kiến chuyên gia, cách làm này sẽ khắc phục được vấn đề lệch trọng tâm cầu”.

Ngày 8/4/2022, Bộ GTVT đã có Thông báo số 3490 về việc giải quyết đơn thư của Công ty TNHH Mai Thanh - Nam Định. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị: UBND tỉnh Nam Định xem xét và giải quyết các vấn đề liên quan đến: thiết kế tuyến ống nước hoàn trả về đường kính, vật liệu, khoảng cách, phương án khắc phục sự cố/sửa chữa và bồi thường thiệt hại cho Công ty Mai Thanh.”

 Nếu không có giải pháp đúng đắn ngay từ bây giờ thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt là sức khỏe của hơn 27.000 hộ dân đang thụ hưởng nước sạch từ dự án? Video: Quang Dũng.

“Dự án cấp đè dự án” - Ai gánh chịu hậu quả?

Trong quá trình triển khai dự án WB6, Bộ GTVT đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả đối với các công trình như: Bến phà Mười, hệ thống kênh mương thủy lợi, tuyến đường điện 35 KV. Tuy nhiên, Dự án nước sạch của Công ty Mai Thanh được tỉnh Nam Định cấp phép là có sau Dự án WB6, đồng thời tỉnh này lại không thông báo cho Chủ đầu tư dự án. Do đó, tỉnh Nam Định phải có trách nhiệm đối với công trình nước sạch này.

Trong khi đó, theo qui định tại Điều 12 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thì đường ống cấp nước được xác định là một trong các “công trình thiết yếu có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông”.

Vấn đề quan trọng nữa là việc lập Báo cáo ĐTM để đánh giá tác động ảnh hưởng của Kênh nối Đáy – Ninh Cơ đối với Dự án nước sạch. Nhưng, vì Dự án nước sạch cấp sau và đè lên Dự án WB6 nên không thuộc trường hợp chủ đầu tư dự án phải làm việc này.

Trên thực tế, nếu Kênh nối đi vào hoạt động thì vùng xâm nhập mặn sẽ tiến sát Nhà máy và hồ chứa nước của Dự án nước sạch, từ khoảng cách 40km còn 7km. Có thể thấy đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hoạt động của dự án nước sạch trong suốt 48 năm còn lại.

Nếu không có giải pháp đúng đắn ngay từ bây giờ thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt là sức khỏe của hơn 27.000 hộ dân đang thụ hưởng nước sạch từ dự án?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.