| Hotline: 0983.970.780

Ngành cao su phát triển bền vững

Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chứng nhận doanh nghiệp bền vững

Thứ Năm 25/05/2023 , 06:00 (GMT+7)

Trong những năm qua, VRG luôn có nhiều thành viên đạt chứng nhận doanh nghiệp bền vững. Qua đó, giúp các công ty nâng cao uy tín, thương hiệu và năng lực cạnh tranh.

Công nhân nhập mủ cao su ở Nông trường Quản Lợi, Công ty Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Công nhân nhập mủ cao su ở Nông trường Quản Lợi, Công ty Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Chuyện của Cao su Bình Long

Kể từ khi bắt đầu tham gia đăng ký tham gia Chứng nhận doanh nghiệp bền vững vào năm 2019, 4 năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long liên tục thăng tiến trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Phạm Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Bình Long, cho biết, năm 2019, ngay ở lần đầu tiên tham gia đánh giá doanh nghiệp bền vững, công ty được xếp thứ 27 trong 100 doanh nghiệp bền vững. Tới năm 2020, công ty “nhảy” 14 bậc vươn lên hạng 13. Năm 2021 công ty xếp hạng thứ 12. Đến năm 2022, công ty lần đầu tiên vào Top 10 doanh nghiệp bền vững và đứng ở vị trí thứ 5.

Ngoài những nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ, nhân viên, công nhân Công ty Cao su Bình Long, việc liên tục được chứng nhận doanh nghiệp bền vững và liên tục tăng thứ hạng trong 4 năm qua còn là kết quả từ những chương trình phát triển bền vững mà công ty đã bền bỉ thực hiện trong nhiều năm.

Chẳng hạn, về các chỉ số lao động xã hội, công ty luôn thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động, an sinh xã hội (thu nhập, điều kiện lao động, bảo đảm an toàn lao động, khám sức khỏe cho người lao động, không cưỡng bức lao động…). Những chỉ số này ở công ty không chỉ dừng ở mức tuân thủ quy định pháp luật mà còn đảm bảo các lợi ích lâu dài, bền vững cho người lao động.

Hay như trong Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) 2022, các chỉ số môi trường được cập nhật theo định hướng các quy định của luật cũng như cam kết thực hiện các hành động chung trên toàn thế giới để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên.

Với những chỉ số môi trường được cập nhập như trên, ngoài những điểm cộng cho công tác bảo vệ môi trường được triển khai quyết liệt, hiệu quả ở các cấp, đã tái sử dụng nước thải đạt gần 100%, sử dụng bùn vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học thay thế phân vô cơ…, Công ty Cao su Bình Long còn có một điểm cộng quan trọng là đang tích cực thực hiện công tác bảo tồn gần 25ha rừng tự nhiên.

Khu rừng tự nhiên đang được Công ty Cao su Bình Long tích cực bảo tồn. Ảnh: Thanh Sơn.

Khu rừng tự nhiên đang được Công ty Cao su Bình Long tích cực bảo tồn. Ảnh: Thanh Sơn.

Cụ thể, công ty hiện đang quản lý một khu rừng tự nhiên với diện tích 24,8ha tại thác số 4. Khu rừng này được đánh giá là có giá trị bảo tồn cao với 188 loài thực vật, trong đó có 7 loài thực vật quý, hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Sách Đỏ Thế giới (IUCN Redlist). Bên cạnh đó, khu rừng có 100 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 18 loài thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm.

Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học, trong những năm qua, công ty đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Lâm sinh, đánh giá thực trạng, đưa ra các giải pháp về mặt kỹ thuật để vừa bảo tồn những hệ động thực vật hiện có, vừa tích cực triển khai các hoạt động làm giàu rừng, tăng tính đa dạng động thực vật rừng. Đồng thời, công ty cũng thực hiện tham vấn cộng đồng, chính quyền các cấp tổ chức công tác tuyên truyền về việc phối hợp trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của rừng tự nhiên.

Ông Phạm Ánh nhận định, quá trình phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã ghi nhận hình ảnh công ty là doanh nghiệp phát triển gắn với trách nhiệm xã hội và ngày càng được nhiều đối tác, các bên liên quan biết tới. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng thương hiệu của công ty.

Trong năm 2023 và những năm tới, Cao su Bình Long sẽ tiếp tục thực hiện chính sách phát triển bền vững là “Chất lượng - Thương hiệu - Thân thiện môi trường - Nâng cao trách nhiệm xã hội”.

Nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh

Theo ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), từ năm 2019, Tập đoàn triển khai thực hiện Chứng nhận doanh nghiệp bền vững (do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam, trực thuộc VCCI, tổ chức đánh giá và công bố hàng năm) cho các công ty thành viên thuộc các nhóm ngành cao su, chế biến gỗ, công nghiệp cao su và khu công nghiệp.

Ngay trong năm đầu tiên tham gia, VRG có 10 thành viên đạt Top 100 và 3 thành viên đạt chuẩn doanh nghiệp bền vững. Năm 2020, VRG có 2 thành viên suất sắc đạt Top 10 (Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cổ phần Cao su Bến Thành) và 12 thành viên khác lọt vào Top 100 doanh nghiệp bền vững. Bên cạnh đó là 5 thành viên đạt chuẩn doanh nghiệp bền vững.

Trẻ em tại khu nhà ở cho công nhân người dân tộc thiểu số của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai - đơn vị đạt giải thưởng 'Doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em' năm 2022. Ảnh: Thanh Sơn.

Trẻ em tại khu nhà ở cho công nhân người dân tộc thiểu số của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai - đơn vị đạt giải thưởng “Doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em” năm 2022. Ảnh: Thanh Sơn.

Năm 2021, có 20 công ty thành viên của VRG trong Top 100 doanh nghiệp bền vững. Trong đó, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai lọt vào Top 10, đồng thời được vinh danh xuất sắc tôn trọng và thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh. Công ty Cổ phần Cao su Bến Thành được vinh danh xuất sắc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Trong năm 2022, Tập đoàn có 18 công ty thành viên đạt Top 100, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long đạt Top 10 Doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực sản xuất và Tổng Công ty Cao su Đồng Nai còn đạt thêm giải thưởng phụ là “Doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em”.

Như vậy, trong những năm qua, VRG luôn có công ty thành viên nằm trong Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, bên cạnh những thương hiệu lớn như Unilever Việt Nam, Vinamilk, Heneken, PNJ, Nestle Việt Nam... Ngoài ra, hàng năm, các công ty của Tập đoàn cũng đạt thêm các giải thưởng phụ về tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em, bình đẳng giới trong doanh nghiệp...

Ông Trương Minh Trung cho rằng, chứng nhận doanh nghiệp bền vững sẽ giúp các công ty thành viên của VRG đánh giá và cải tiến hệ thống quản lý theo bộ chỉ số bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu và năng lực cạnh tranh.

Chương trình Doanh nghiệp bền vững được VCCI tổ chức hàng năm từ năm 2016, với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Mục tiêu của Chương trình là nhằm vinh danh và khen thưởng các doanh nghiệp đáp ứng được Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) về kết quả kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm về môi trường và lao động, xã hội.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.