| Hotline: 0983.970.780

Nặng lòng thương má khi cháu phải rời quê lên thành phố

Thứ Sáu 13/09/2019 , 09:41 (GMT+7)

Chồng cháu phải nuôi con học đại học, đã đến lúc cháu phải lên với chồng con rồi cô, cháu phải rời má cô ơi. Má cháu năm nay 79 đó cô. Má ở một mình, hai anh trai của cháu đều ở xa.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là đứa con gái hẩm hiu, đứa con duy nhất của má mà luôn làm khổ má. Vì lấy chồng nghèo, nề nếp nhà chồng không được như người ta nên lục đục lận đận quá. Cũng nhờ má cháu giỏi, ruộng đất nhiều nên cầm cự được chớ má nghèo như nhà chồng cháu, chắc hai đứa con của cháu thất học hết.

Con gái đầu của cháu làm công nhân. Thì chồng nó cũng phải là công nhân chứ người có bằng cấp cao, sao mình gặp được? Năm năm trời cháu nuôi con của nó, cùng với trợ giúp của má cháu, bà cố của nó.

Cũng từng ấy năm chồng cháu lên thành phố làm chân bảo vệ, bắt đầu gởi tiền về nuôi vợ. Vợ chồng con gái cháu nuôi con nó, chồng của cháu nuôi vợ, cũng ổn định dần dần. Hết nợ ngân hàng, sổ đỏ chuộc ra, má cháu như hồi sinh vậy đó cô.

Bây giờ đứa con trai nhỏ của cháu đậu đại học ở thành phố. Cả nhà gặp nhau trên này rồi cô. Chồng cháu phải nuôi con học đại học, đã đến lúc cháu phải lên với chồng con rồi cô. Sẽ mướn nhà, gom lại một mối, chắc cũng qua ngày được. Nhà bây giờ có con gái con rể và chồng đi làm, ba người làm nuôi cháu, con trai đại học và cháu ngoại, cũng được đúng không cô? Nhưng vì là mướn nhà nên tiền đổ vô chỗ ở cũng nhiều.

Cháu tâm sự vậy để thấy là cháu phải rời má cô ơi. Năm mươi năm má con vui buồn với nhau, chắc cháu đi trong nước mắt mà không biết mình chịu nổi không nữa. Má cháu năm nay 79 đó cô. Má ở một mình, hai anh trai của cháu đều ở xa, ai cũng lo nuôi con nên chính thức góp tiền nuôi má thì chưa.

Ngoài chuyện thương má, cháu còn muốn lên tiếng cho các anh cùng cháu mỗi người góp 1 triệu đồng mỗi tháng cho má mà không biết có nên không? Là vì trước giờ má bù chì cho cháu, giờ cháu rủ góp sợ mấy chị dâu phản ứng. Làm sao đây cô? Má cháu có phụ cấp liệt sĩ và gia đình có công, khoảng gần 3 triệu đồng mỗi tháng, cũng tạm được. Nhưng ở quê đám tiệc giỗ chạp nhiều quá cô ơi.

Cháu sắp đi, lòng nặng trĩu đó cô.

----------------------

Cháu thân mến!

Vì sao con gái hay nặng lòng với mẹ và cũng hay cào cấu mẹ? Là vì mẹ thương con gái, chắc chắn thương nhiều hơn con dâu. Mười hai bến nước, con gái lấy chồng giàu, mẹ ruột mình còn được thơm lây, gặp chồng nghèo thì mẹ đau lòng lắm lắm. Nhà chồng xập xệ, như nhà không nóc nữa thì mưa gió bời bời, mẹ hay hốt cả cụm về để lo. Nhưng phàm đã quá lo thì hay cậy quyền, cáu gắt, hoặc coi khinh thằng rể, mẹ với con cứ xa xa gần gần, khổ cả một đời.

Rồi cũng yên yên như cháu viết, ai cũng bò lên thành phố kiếm sống hoặc học hành (rồi tiếp tục kiếm sống). Nhìn toàn cục tưởng xuôi bề nhưng đất chật người đông, cái gì cũng mua, lơ mơ lại hục hặc chồng con và lặp lại nỗi khổ của mẹ là chịu đựng con gái và con rể.

Rất cám cảnh những người như cháu nhưng đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh. Không có phương án khác, vì vợ phải theo chồng, cháu ngoại của cháu cũng sắp đi học rồi, phải được gần cha mẹ nó. Và mừng là con trai của cháu đã vào đại học, đó là điểm sáng cuối cùng của cháu dù học hành bây giờ rất tốn kém.

Vấn đề là má cháu khỏe mạnh hay đau yếu. Một người 79 chưa già hẳn nhưng sang 80 sẽ khác lắm đó. Phải có kế hoạch khi má sống một mình, ai bên cạnh, bán bà con xa mua láng giềng gần, ấy là nói về mặt thông tin, dòm ngó, liên lạc. Phải gửi ai được khi trái gió trở trời trước khi các con về được với má.

Việc nữa là lấy gì để má thong dong ngoài hai sổ phụ cấp cố định ấy. Nếu ngại các chị dâu thì các cháu và con cái cháu phải gánh vậy. Cũng có thể các chị dâu thấy mấy chục năm qua má đắm đuối cô út quá, không sai, nhưng cũng không vì cái cớ ấy mà các chị “treo” má. Làm cha làm mẹ ai cũng như ai, bao giờ cũng thương đứa con trầy trật nhất.

Dĩ nhiên cháu sẽ ra đi nặng trĩu. Vậy thì cứ giải pháp lên lên xuống xuống đi đã. Phải hết sức tiết kiệm và khôn khéo để có tiền đi lại với má và tiền phòng khi má có sự cố. Má đã hy sinh quá nhiều, phải ghi nhận điều thiêng liêng ấy. Cô thấy nhiều người lên thành phố thì học đòi ăn chơi xài phí cắn đắn nhau hà rầm, mình không yên, nói gì lo cho má, cuối cùng khổ cứ hoàn khổ, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm