Joey DeGrandis. Ảnh: Time. |
“Ai đó đề cập đến một sự kiện xảy ra từ nhiều năm trước trong gia đình và thông thường tôi sẽ nói ‘Ồ, đó là vào hôm thứ hai’, hay ‘vào ngày 20/6’”, DeGrandis, 35 tuổi, kể. “Mẹ tôi sẽ kiểm tra lại ngày tháng trên cuốn lịch cũ mà bà vẫn giữ và họ sẽ sững sờ trước trí nhớ của tôi”.
DeGrandis phô diễn khả năng ghi nhớ siêu phàm bằng một màn ảo thuật tại trường cùng năm ấy, khiến khán giá choáng ngợp khi xác định chính xác thứ trong tuần của một ngày bất kỳ.
15 năm tiếp theo, DeGrandis không mảy may thắc mắc về năng lực của mình. Anh nghĩ đó là việc không phải ai cũng làm được nhưng chẳng có gì to tát. Sau này, DeGrandis nhận ra những điều tuyệt vời và kể cả sự khổ sở khi có một trí nhớ gần như hoàn hảo, theo Time.
Năm 2010, khi DeGrandis 26 tuổi, anh xem một chương trình tivi giới thiệu về những người có khả năng tương tự mình: Một trạng thái mà người ta gọi là Hội chứng Trí nhớ Siêu phàm (HSAM).
“Tôi đang trên đường tới California với một người bạn và tôi quyết định tới gặp vị bác sĩ nghiên cứu về những người dường như rất giống tôi”, anh nhớ lại.
Bác sĩ đó là James McGaugh, giáo sư nghiên cứu về thần kinh và hành vi tại Đại học California ở Irvine. McGaugh bắt đầu nghiên cứu về HSAM từ năm 2000 sau khi một phụ nữ trẻ tên Jill Price liên lạc với ông trình bày về “vấn đề” của mình.
Price, người đầu tiên được xác định mang HSAM, phàn nàn rằng trí nhớ siêu phàm của mình là một gánh nặng.
“Bất kể khi nào tôi nhìn thấy một ngày vụt qua trên màn hình tivi hay ở bất cứ đâu, tôi tự động quay ngược thời gian nhớ lại mình đã ở nơi nào, đang làm gì, mọi chuyện cứ thế lặp đi lặp lại”, cô viết trong bức thư gửi giáo sư McGaugh. “Nó diễn ra không ngừng nghỉ, không thể kiểm soát và khiến tôi kiệt sức”.
Năm 2010, sau khi chương trình về những người có trí nhớ siêu phàm được phát sóng, McGaugh nhận được hàng trăm email từ nhiều người khác nói họ cũng gặp tình trạng tương tự.
Tuy nhiên, chỉ 60 ngươi trong số này mắc HSAM. Những năm tiếp theo, họ chỉ phát hiện thêm 100 người nữa có các đặc điểm của hội chứng trí nhớ siêu phàm. “Điều đó cho thấy nó hiếm tới mức nào”, McGaugh nói.
“Hàng triệu người biết đến HSAM nhưng chúng tôi chỉ tìm thấy một số lượng người rất nhỏ có nó”.
Degrandis đang tham gia các nghiên cứu do McGaugh hợp tác thực hiện cùng những chuyên gia về trí nhớ khác. Anh thích gặp những người mang HSAM khác và bất ngờ trước những điểm chung giữa họ.
DeGrandis cho hay anh đã phải vật lộn với chứng trầm cảm và khủng hoảng lo âu, có lẽ bắt nguồn từ việc anh không thể quên hay bỏ qua bất cứ chuyện gì trong cuộc đời mình. Khi làm quen với những người tham gia nghiên cứu HSAM, DeGrandis biết đây là điều khá phổ biến.
“Tôi tự thấy mình may mắn vì bản thân có một cuộc sống khá tốt đẹp. Tôi có rất nhiều ký ức hạnh phúc, ấm áp để nhớ về”, anh chia sẻ. “Nhưng tôi thường có xu hướng sống với một chuyện gì đó lâu hơn người bình thường và khi chuyện đau đớn xảy ra, chẳng hạn như một cuộc chia tay hay mất người thân, tôi không thể quên cảm giác đau khổ ấy”.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người mang HSAM có xu hướng bị ám ảnh. “Một số người, như Price, ám ảnh bởi sự ngăn nắp”, McGaugh viết trong một cuốn sách. “Một số người sợ vi trùng, số khác có sở thích cần đến sự tập trung cao độ và lâu dài”. Chưa rõ những ám ảnh kể trên là do trí nhớ siêu phàm của họ anh do một yếu tố nào khác.
Jill Price. Ảnh: Guardian. |
Dù những người sở hữu trí nhớ siêu phàm có tài năng vượt trội trong việc liên kết ngày tháng và sự kiện, đôi khi họ vẫn mắc sai lầm.
“Trí nhớ của họ chi tiết hơn nhiều so với chúng ta và tồn tại trong một khoảng thời gian dài, nhưng họ không phải một chiếc máy quay phim”, McGaugh cho biết. “Những gì chúng ta rút ra khỏi bộ nhớ của mình không phải luôn luôn chính xác”.
Người có HSAM không khá hơn người bình thường trong việc ghi nhớ những thứ như gương mặt hay số điện thoại. Khả năng này không giống như cái gọi là “trí nhớ máy ảnh”, cho phép người ta nhớ lại một cách sống động các chi tiết từ một cảnh tượng mà họ chỉ quan sát trong thời gian ngắn. Nó cũng không giống với năng lực của các “vận động viên ghi nhớ”, những người sử dụng các thủ thuật đặc biệt để nhớ các chuỗi dữ liệu dài.
“Tôi không nhớ tốt tên ngươi hay những chuyện bình thường như hôm nay mình đã đánh răng chưa hay mình để chìa khóa ở đâu”, DeGrandis cho hay. “Tâm trí tôi luôn chuyển động và được lấp đầy bởi nhiều thứ khác. Trớ trêu thay, điều đó có lẽ góp phần khiến tôi có một trí nhớ ngắn hạn tồi tệ”.