| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm mai vàng Bình Định

Thứ Ba 22/02/2022 , 15:00 (GMT+7)

Để nâng tầm cho mai vàng Bình Định, tỉnh này đang khởi động việc đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho cây mai ở đây.

Tại Thị xã An Nhơn (Bình Định), Sở KH-CN Bình Định vừa tổ chức hội thảo khoa học chỉ dẫn địa lý mai vàng Bình Định. Hội thảo là sự kiện đánh dấu sự khởi động của dự án “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định”.

Mai vàng Bình Định được tạo dáng có điểm chung nhất là bộ đế (phần gốc rễ) phải to, vững chãi. Ảnh: V.Đ.T.

Mai vàng Bình Định được tạo dáng có điểm chung nhất là bộ đế (phần gốc rễ) phải to, vững chãi. Ảnh: V.Đ.T.

Đây là dự án nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đã được Bộ KH-CN phê duyệt. Hội thảo có sự tham gia của các bên liên quan và đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố, hội đoàn thể, các nhà vườn trên địa bàn Bình Định.

Các đại biểu, nhà khoa học, nghệ nhân trồng mai cảnh ở Bình Định đã đánh giá, phân tích những nét đặc trưng, so sánh nét khác biệt của mai vàng Bình Định với mai vàng trồng ở các tỉnh khác. Theo đó, mai vàng Bình Định đã cho thấy tính chất rất riêng, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của địa phương. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mai vàng của Bình Định.

Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND Thị xã An Nhơn, nơi được mệnh danh là “vựa mai cảnh” lớn nhất miền Trung”. Mai cảnh trồng ở các làng mai tại Thị xã An Nhơn nói riêng và ở Bình Định nói chung có đặc điểm khác với mai trồng ở các tỉnh khác về dáng thế. Nếu mai trồng ở nơi khác là mai lùm, phát triển tự nhiên thì mai trồng ở Bình Định được các nhà vườn tạo dáng rất độc đáo.

Mai vàng phải có chi đều mới có thể tạo dáng. Ảnh: V.Đ.T.

Mai vàng phải có chi đều mới có thể tạo dáng. Ảnh: V.Đ.T.

“Mai trồng ở đây được ươm từ hạt rồi nuôi lớn lên. Từ khi ươm cây giống cho đến khi chủ nhà vườn tạo dáng cho cây mai mất khoảng 1 năm rưỡi. Không phải cây mai nào cũng có thể tạo dáng được, mà phải chọn cây mai có chi, và khoảng cách của từng chi phải đều mới có thể tạo dáng được”, ông Cư chia sẻ.

Theo các nghệ nhân, đặc trưng nổi bật của mai vàng An Nhơn nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung là “đơn cành, thưa tán, gốc bồ, ngọn chỉ”, hoa nhiều cánh, sắc hoa tươi thắm. Mai được tạo dáng từ cây con, trồng bằng đất phù sa, được trồng lâu năm trong chậu kiểng và được thay đất định kỳ khoảng 2 năm/lần.

Mai vàng Bình Định được tạo dáng có điểm chung nhất là bộ đế (phần gốc rễ) phải to, vững chãi. Mai vàng Bình Định thể hiện được tính chất riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của địa phương. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mai vàng của Bình Định.

Theo nhận định của nhiều người chơi mai vàng ở các địa phương khác, mai vàng Bình Định rất khó sống ở các vùng đất khác. Khi cây được 1 năm tuổi sẽ được bứng cho vào chậu để chăm sóc, tạo dáng, 4 năm sau cây mai mới có thể xuất ra thị trường.

Mai vàng Bình Định có nhiều dáng thế rất độc đáo. Ảnh: V.Đ.T.

Mai vàng Bình Định có nhiều dáng thế rất độc đáo. Ảnh: V.Đ.T.

Cây mai Bình Định được chăm sóc rất kỳ công, tốn nhiều công sức để mới có thể thuần hóa ở địa phương khác. Nguyên nhân được cho là do cây mai Bình Định đã quen với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Ngoài ra, các yếu tố như chăm sóc, cắt tỉa, canh hoa ra đúng Tết cũng là khác biệt so với mai trồng tại các địa phương khác. Chính sự khác biệt này đã tạo nên giá trị của mai vàng Bình Định.

Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND Thị xã An Nhơn, để giúp người sản xuất, kinh doanh mai vàng ở An Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng khả năng nhận biết bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm, việc tiến hành “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định” là cần thiết và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Cũng theo ông Cư, sau khi mai vàng của Bình Định đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý thành công, sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định sẽ phát huy giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý. Đồng thời góp phần bảo tồn, duy trì và phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất mai vàng của tỉnh Bình Định phát triển bền vững.

Nghề trồng mai cảnh ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) đã làm giàu cho rất nhiều hộ nông dân. Ảnh: V.Đ.T.

Nghề trồng mai cảnh ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) đã làm giàu cho rất nhiều hộ nông dân. Ảnh: V.Đ.T.

“Về hiệu quả kinh tế, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Bình Định sẽ góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mai vàng không chỉ ở Bình Định mà còn của các cơ sở kinh doanh mai vàng có nguồn gốc từ Bình Định ở các địa phương khác.

Sản phẩm mai vàng Bình Định sau khi được bảo hộ, người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết và lựa chọn sản phẩm; góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh so với cây mai của nhiều địa phương khác. Qua đó, thúc đẩy sản phẩm tham gia tốt hơn vào thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, sẽ tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, nhất là đối với lao động nữ và lao động trên 45 tuổi tại các làng mai”, ông Bùi Văn Cư chia sẻ.

Xem thêm
Mô hình nuôi vịt siêu trứng của nông dân 8x tại An Giang

Từ một trang trại nhỏ ứng dụng thành công mô hình nuôi vịt siêu trứng, anh Võ Hữu Tín đã mở rộng thành 7 trang trại quy mô lớn với tổng đàn hơn 70.000 con.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.