Con số trên được giới chức Mỹ ước tính dựa trên các đánh giá tình báo mới nhất, tuy nhiên nguồn tin cũng như cơ sở phân tích các đánh giá không được công khai chi tiết vì tính nhạy cảm của thông tin.
Theo đó, báo cáo mới nhất cho thấy, lực lượng quân đội Nga vẫn đang tiếp tục tăng cường ở biên giới Ukraine, nhưng không rõ liệu khi nào ông Putin sẽ có quyết định xa hơn, hay liệu nhà lãnh đạo Nga có cần đầy đủ năng lực để động binh hay không.
Nếu điều tồi tệ xảy ra, cái giá phải trả có thể sẽ rất khủng khiếp như một số đánh giá về con số thương vong dân sự ở Ukraine có thể lên tới hàng chục nghìn người, cùng với khoảng 5 triệu người tị nạn.
Mặc dù hiện giới chức Mỹ vẫn không biết liệu Tổng thống Nga Vladirmir Putin có đưa ra quyết định cuối cùng về bất kỳ loại hành động quân sự nào hay không, nhưng ở phía sau hậu trường, các lực lượng an ninh quốc gia và tình báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang tính toán các kịch bản khác nhau và hệ quả có thể xảy ra.
Trong các cuộc họp kín, bí mật trước Quốc hội cũng như trong các cuộc họp báo công khai, các quan chức Mỹ vẫn đang cố gắng phác thảo một bức tranh tổng thể về những hậu quả và rủi ro có thể xảy ra, một khi ông Putin ra quyết định. Theo đó, Washington luôn mong muốn giải thích cho công chúng hiểu lý do tại sao số phận của Ukraine lại có thể mở ra một kỷ nguyên bất ổn về an ninh và kinh tế trên quy mô toàn cầu.
Theo tính toán của Mỹ, Nga vẫn đang tiếp tục bổ sung lực lượng tới khu vực chiến sự gần như hàng ngày và có thể sớm hội tụ đủ năng lực quân sự để bắt đầu một chiến dịch. Với tất cả những gì ông Putin đã làm, cộng với những phát ngôn công khai của nhà lãnh đạo Nga về Ukraine và NATO, Mỹ tin rằng ông Putin sẽ có thể sớm đưa ra quyết định.
Một giả thuyết được đặt ra là một khi ông Putin tung toàn bộ sức mạnh quân sự trên bộ và trên không, nhắm vào thủ đô Kyiv của Ukraine, thành phố này sẽ có thể thất thủ trong vòng 48 giờ. Giới chức Mỹ cũng tính toán rằng, ông Putin có thể quyết định cho một chiến dịch đa mục tiêu, tức là điều động lực lượng từ nhiều hướng để nhanh chóng phá vỡ khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine - vốn là một chiến lược quân sự cổ điển của Nga.
Lầu Năm Góc đã công khai ám chỉ về tình trạng của các lực lượng tiềm tàng của Nga. "Putin tiếp tục bổ sung lực lượng, vũ khí tổng hợp và khả năng tấn công. Ông ấy không hề có dấu hiệu nào tỏ ra quan tâm hoặc sẵn sàng giảm bớt căng thẳng. Putin không chỉ có lực lượng bộ binh và tên lửa, mà còn có hàng trăm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom cũng như trực thăng tấn công theo phong cách của Nga”, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết hồi đầu tuần.
“Với loại hình lực lượng và thế trận của Nga, nếu họ động binh vào Ukraine, nó sẽ sẽ gây ra con số thương vong đáng kể. Bạn có thể hình dung ra sao ở các khu đô thị dày đặc, dọc theo các con đường... Điều đó sẽ thật khủng khiếp", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley cảnh báo.
Dựa trên các tính toán về cả chuẩn bị lực lượng lẫn thời tiết, thời gian tối ưu cho một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ là khi mặt đất đóng băng cứng, do đó các thiết bị hạng nặng có thể dễ dàng di chuyển. Giới chức Mỹ cho biết, ông Putin thừa hiểu rằng sẽ cần phải hành động trước cuối tháng Ba.
Trong một diễn biến liên quan, hôm nay hãng tin Bloomberg đã công bố một dòng tít cho biết, Nga đã tiến hành một cuộc xâm lược Ukraine và ngay sau đó ít phút đã xóa bỏ và thừa nhận sai lầm, đồng thời nói rằng các tình huống của vụ việc đang được điều tra.
Ngay lập tức, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, tin tức gây hiểu lầm của Bloomberg cho thấy bầu không khí căng thẳng đang gia tăng, và nó được thúc đẩy bởi “lập trường hung hăng của phương Tây” đối với Nga, đồng thời cho rằng những tin tức khiêu khích như vậy có thể dẫn đến "hậu quả không thể khắc phục" bởi "bất kỳ tia lửa nào cũng có thể dẫn đến đám cháy lớn”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó đã lưu ý rằng, vụ việc của Bloomberg tiết lộ một chiến dịch toàn cầu đang được mở ra để chống lại Nga thông qua áp lực chính trị và thông tin sai lệch.
Trong khi đó, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tình hình xung quanh Ukraine nên kiềm chế bởi các hành động và lời lẽ có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng hiện tại.
Tình hình bấp bênh xung quanh Ukraine đã trở nên tồi tệ trong những tuần gần đây khi Mỹ và Liên minh châu Âu bày tỏ lo ngại về việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine, và NATO kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev. Cho đến nay, Mỹ, Anh, Canada, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã cung cấp một số lô vũ khí cho Ukraine, trong đó Washington điều động thêm lực lượng tới các nước láng giềng Ba Lan và Romania. Về phần mình, Moscow nhiều lần phủ nhận có ý định xâm lược bất kỳ quốc gia nào, đồng thời chỉ ra các hoạt động quân sự của NATO ở gần biên giới Nga là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.