Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và ca khúc “Cao su Việt Nam”. |
“Cao su Việt Nam” do nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác, là tác phẩm xuất sắc nhất trong cuộc vận động sáng tác ca khúc về người công nhân và truyền thống ngành cao su Việt Nam”, nhân dịp kỷ niệm 90 truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 - 28/10/2019).
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tâm sự: “Ngoài bằng khen và tiền thưởng 50 triệu đồng, điều làm tôi vui sướng nhất là ca khúc của tôi từ nay được đồng hành ngành cao su nước nhà trên chặng đường tương lai. Với một người viết ca khúc, thì không có gì hạnh phúc hơn khi những giai điệu và lời ca của mình được những người thợ cạo mủ hát lên lúc tan ca giữa bạt ngàn cánh rừng cao su!”.
Âm thanh tự hào và giục giã “Lớp lớp công nhân đắp xây truyền thống, từng giọt nhựa trắng tô thắm cờ hồng. Cao su vươn xa nắng xanh ngày mới. Mùa đông lá rụng, mùa xuân xanh mầm…” được ra đời vào ngày 10/7/2013, khi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có dịp đi thực tế các nông trường cao su ở miền Đông Nam bộ.
Năm nay 77 tuổi, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn từng đảm nhận cương vị Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bắt đầu viết nhạc từ năm 19 tuổi, đến nay nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã có hàng trăm ca khúc, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như “Qua sông”, “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn”, “Đất nước”, “Bài ca không quên”, “Sao biển”, “Dấu chân phía trước”, “Khát vọng”…
Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Hiện nay, ông nghỉ hưu tại quận Thủ Đức (TP.HCM) và vẫn miệt mài sáng tác.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ: “Với tôi, dân ca là nền tàng cơ bản để từ đó mình khám phá, mình tiếp tục sáng tạo trở thành những tác phẩm của mình. Cuộc sống chiến đấu cũng như cuộc sống xây dựng hòa bình ngày hôm nay; cùng với nền tảng nghệ thuật Việt Nam, đó là vốn dân cổ truyền đã tạo, đã hun đúc cho tôi tạo ra nhũng tác phẩm đến hôm nay được công chúng yêu thích. Tôi cảm ơn nền dân ca của dân tộc rất phong phú, cảm ơn cuộc sống này".
Tuy nhiên, ông cũng có không ít trăn trở về thực trạng đời sống văn hóa hôm nay: “Nhà nước đang thả nổi nền văn hóa nghệ thuật cho đồng tiền. Ở lãnh vực nào cũng vậy, chỗ nào cũng xã hội hóa, miễn có tiền là xong hết. Nên dù hiện nay tôi cũng sáng tác đều, nhưng biết đưa ở đâu? Tôi chỉ biết giới thiệu nó qua YouTube thôi… Và cũng an ủi là cũng có nhiều bạn trẻ vào nghe và bình luận tốt… Vậy cũng vui rồi!”.