| Hotline: 0983.970.780

Ngày đầu con đi học

Chủ Nhật 29/12/2019 , 08:25 (GMT+7)

Một tay giơ cao vẫy cháu đích tôn theo chân con dâu đi vào lớp, một tay ôm miệng như để kìm tiếng nấc, bà Yến không thể ngờ ngày cháu đi học lại tới nhanh đến vậy.

Hình mang tính minh họa.

Từ đời cụ, gia đình chồng bà Yến luôn chỉ có một con trai nối dõi. Đến khi về làm dâu, bà cũng không bước ngoài quy luật đó. Vừa giữ chân mậu dịch thời bao cấp, vừa nuôi lợn tăng gia và buôn bán ngoài, những mong có đông con để đỡ cảnh côi cút, bà cũng chỉ hạ sinh một trai và hai gái.

Tới khi Thành, con trai bà, đến tuổi lập gia đình, bà từng dặn dò kỹ phải đưa bạn gái về ra mắt sớm để bà xem có vừa mắt không. Theo bà Yến, con dâu phải “mông cong, ngực nở”, mới dễ sinh con trai. Qua vài lượt bạn gái, cuối cùng bà mới chấm Thủy về làm dâu.

Sinh ra trong gia đình công chức, Thủy có mọi “thông số” mà bà Yến cần, ngoại trừ chuyện con cái. Cô muốn con cái sớm tự lập, tự chăm sóc được bản thân, và có ý muốn gửi bé Hoàng đi nhà trẻ sớm. Còn bà Yến ngược lại. Bà chăm Hoàng không khác gì “nâng trứng, hứng hoa”. Hễ cháu định mó tay vào việc gì là bà lại xắn tay vào làm, chỉ sợ cháu còn bé.

Cu Hoàng hơn 2 tuổi thì Thủy có bầu bé thứ hai. Nhưng trái với mong muốn của bà Yến, bé thứ hai là gái. Từ ngày siêu âm biết giới tính cháu thứ hai, bà càng cưng nựng Hoàng hơn. Lấy lý do mẹ bầu, cần thời gian nghỉ ngơi, bà đón cháu sang ngủ cùng.

Dù Thủy không đồng tình vì muốn con gần mẹ, nhưng vì chiều mẹ chồng và nghĩ tới hòa khí trong nhà, cô tặc lưỡi cho qua. Chỉ riêng chuyện Hoàng hơn 2 tuổi nhưng không đi mẫu giáo là cô kiên quyết. Nhiều lần, cô bàn với chồng cho con đi nhà trẻ, nhưng vì sợ bà buồn ở nhà một mình do ông mất sớm, Thành ậm ừ cho qua.

Hoàng 3 tuổi, mẹ sinh em bé và về nhà ông bà ngoại. Một mình bà Yến xoay sở cơm nước cho con và cháu trai. Xung đột lúc này mới nảy sinh. Biết được bà chiều, Hoàng thường nghịch ngợm, không chịu ăn cơm và ngủ đúng giờ. Hôm nào Hoàng cũng đòi bà cho đi chơi tối muộn mới về. Nhiều hôm, Thành về trước. Nhà cửa như một bãi chiến trường. Cơm nước chưa nấu. Nhìn mẹ đuôi mắt mẹ ngày càng nhiều nếp nhăn và hay than đau lưng, anh lại nghĩ: “Hay là cho cu Hoàng đi học”.

Hết thời gian ở cữ, Thủy lên Hà Nội nhưng cô thấy giữa mình và con trai như cả một trời xa cách. Ngoài những lúc chơi đùa vui vẻ ra, hễ Thủy định khuyên bảo con điều gì là Hoàng lại vùng vằng: “Con không chơi với mẹ nữa đâu. Con sang bà đây”.

Mệt mỏi vì chăm em bé, Thủy chẳng có sức nói lại. Những hình phạt cô thường dọa khi xưa như nhốt nhà tắm hay không nói chuyện với con không ăn thua. Lặng nhìn dáng đi ngúng nguẩy của con ra tìm bà, cô như chấp nhận buông xuôi.

Tất cả chỉ thay đổi khi bà Yến phải vào viện vì sỏi thận.

Hơn hai tuần mổ nội soi và bình phục, hôm nào bà cũng thấy con dâu trong cảnh đầu bù tóc rối, một tay cầm cặp lồng cháo, một tay dắt cu Hoàng. Nghe con dâu kể, Hoàng lên công ty mẹ phải ngồi thu lu một góc do không có bạn chơi cùng, nước mắt bà cứ lã chã rơi.

Nhìn sang giường bên cạnh, một bệnh nhân cũng trạc tuổi bà, có cháu đến thăm ríu rít kể chuyện trường lớp mà bà Yến càng chạnh lòng. “Hay là mình đã sai?”, bà tự hỏi.

Gần 4 tuổi nhưng Hoàng vẫn chưa biết tự xúc cơm, đi ngủ đêm vẫn đòi uống sữa, thậm chí có hôm còn đái dầm cả ra người, phải thay quần áo. Bà Yến từ viện về, Hoàng nhất định đòi ngủ với bà, mặc bố mẹ dọa nạt. Chiều cháu, bà gắng gượng nhưng càng ngày càng thấy không ổn. Thằng cháu bé bỏng, hay nói hay cười khi xưa của bà giờ đâu rồi. Trước mắt bà bây giờ là một thằng nhóc dễ phụng phịu, thường vô cớ nổi nóng.

Thỉnh thoảng nghe cháu nói với con dâu: “Con mách bà đây”, bà Yến lại nhớ đến con trai ngày xưa. Khi ấy, điều kiện khó khăn nhưng chẳng mấy khi Thành dám cãi bà. Một phần vì các cụ ở quê, và một phần vì Thành chỉ gần bà vào buổi tối, sau khi… từ nhà trẻ về.

Bà Yến bỗng thấy mình giống những bà mẹ chồng ngày xưa, lấy ý kiến cá nhân áp đặt cho con dâu. Thủy không cãi nửa lời, dù có lần cô nói với bà: “Trẻ con thương phải cho roi vọt mẹ ạ”.

Một ngày chủ nhật cuối tháng 8, bà Yến tự tay làm cơm. Trong bữa ăn bà bảo hai con: “Cu Hoàng lớn rồi. Các con xem cho cháu đi học, kẻo sắp tới năm học mới”. Thành nhìn Thủy, bất giác mỉm cười.

(Kiến thức gia đình số 52)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm