| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu chiết xuất tinh chất sen để sản xuất hóa mỹ phẩm

Thứ Năm 31/08/2023 , 07:25 (GMT+7)

Đồng Tháp sẽ triển khai các đề tài nghiên cứu chiết xuất các hợp chất thiên nhiên và tinh dầu từ cây sen để phục vụ sản xuất hóa mỹ phẩm.

Nông dân trồng sen cho lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân trồng sen cho lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phục hồi diện tích sen

Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, Đồng Tháp còn khéo léo gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP.

Sen là một trong 5 ngành hàng nằm trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp (lúa, cá tra, hoa kiểng và sen) và đang được phát triển theo hướng giảm chi phí, tăng sản phẩm chế biến theo hướng chất lượng, an toàn và bền vững.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, cây sen gắn liền với vùng đất Đồng Tháp từ xa xưa nên được gọi là vùng Đất Sen hồng. Năm 2015, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh là 1.265ha, chiếm 3,5% diện tích hoa màu toàn tỉnh, sản lượng đạt 984 tấn.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016 - 2019, diện tích sen giảm khá mạnh do sâu bệnh và thiếu liên kết sản xuất, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên chỉ còn từ 800 - 880ha, sản lượng dao động từ 600 - 720 tấn/năm. Từ năm 2021 đến nay, diện tích sen đã được phục hồi trở lại, đạt 1.300ha, sản lượng trên 1.000 tấn, được trồng tập trung tại các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng và Lấp Vò.

Sen là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sen là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Huỳnh Văn Dũng, thành viên Tổ hợp tác sen Hưng Thạnh ở huyện Tháp Mười phấn khởi cho biết, trước đây người dân trồng lúa giá cả bấp bênh. Với sự quyết tâm thay đổi cây trồng và sự vận động từ chính quyền địa phương, bản thân ông Dũng và nhiều hộ dân trong tổ hợp tác đã chọn cây sen thay thế cho cây lúa.

Thông qua tìm tòi học hỏi và được ngành chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nên ngay những vụ đầu, 2ha sen của gia đình ông Dũng đã cho kết quả khả quan, năng suất sen tăng cao. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn kết nối với doanh nghiệp giúp các hộ dân trong tổ hợp tác an tâm về đầu ra, tập trung sản xuất theo quy trình kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, cây sen Đồng Tháp không chỉ được trồng để lấy gương, ngó, giờ đây sen còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen, đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao. Hiện nay, cây sen đã được UBND tỉnh Đồng Tháp lựa chọn là nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu.

“Tỉnh Đồng Tháp mong tất cả nông dân trồng sen, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại địa phương hãy cùng chung tay thực hiện các giải pháp để nâng tầm cây sen, không chỉ tạo dựng thương hiệu địa phương mà còn phát huy giá trị chuỗi ngành hàng sen của tỉnh”, ông Nghĩa đề nghị.

Đồng Tháp - thuần khiết như hồn sen

Ngoài trồng sen để bán gương, lấy ngó, lá…, sen ở Đồng Tháp còn được chế biến thành nhiều món ăn ưa thích, mang lại hiệu quả trong kinh doanh ẩm thực. Những món ăn ngon ở Đồng Tháp được chế biến từ sen phải kể tới như cơm hạt sen, gỏi ngó sen, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, gà hầm sen, trà lá sen, trà tim sen, hạt sen sấy, rượu sen, chè sen, sen luộc, sen rang, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen… Mới đây, việc xác lập kỷ lục 200 món ăn từ sen cũng là dịp để tôn vinh văn hóa ẩm thực đặc trưng của Đồng Tháp.

Rất nhiều mặt hàng có giá trị cao đã được nghiên cứu, triển khai sản xuất, chế biến từ cây sen Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Rất nhiều mặt hàng có giá trị cao đã được nghiên cứu, triển khai sản xuất, chế biến từ cây sen Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp hiện có hơn 20 sản phẩm OCOP từ sen đạt 3 - 4 sao, nhiều sản phẩm chất lượng cao, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế hứa hẹn trở thành những mặt hàng phát triển mạnh như thư pháp lá sen, tranh lá sen, hoa sen ướp tươi, lụa tơ sen, sữa sen, hạt sen sấy, trà sen thượng hạng...

Tỉnh cũng đang triển khai các hoạt động phát triển ngành hàng sen, quan tâm đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen, nhất là các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp từ sen nhằm đưa các mặt hàng từ sen Đồng Tháp phát triển bền vững. Một số dự án khởi nghiệp từ sen đã thành công như Ecolotus của Khởi Minh Thành Công, tinh dầu Hương Đồng Tháp, nhang sen Liên Tâm, sữa hạt sen Ba Tre...

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế với các sản phẩm chế biến từ sen, cây sen còn trở thành biểu tượng của ngành du lịch của Đồng Tháp. Các hoạt động dịch vụ du lịch ngắm cảnh đồng sen, ẩm thực từ sen mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười” ra mắt đã thu hút được sự chú ý và tạo được sự bất ngờ, độc đáo đối với khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.

Mới đây, việc xác lập kỷ lục 200 món ăn từ sen là dịp để tôn vinh văn hoá ẩm thực đặc trưng của Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mới đây, việc xác lập kỷ lục 200 món ăn từ sen là dịp để tôn vinh văn hoá ẩm thực đặc trưng của Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại huyện Tháp Mười, các hộ dân đã khai thác loại hình du lịch trải nghiệm gắn với cây sen như chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê... Sự xuất hiện của mô hình này đã tạo điểm sáng cho ngành du lịch ở Đồng Tháp.

Năm 2017, Đồng Tháp triển khai thực hiện đề án tạo dựng hình ảnh địa phương và chọn khẩu hiệu “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen”, thiết lập bộ nhận diện của địa phương và thương hiệu “Đất Sen Hồng” qua hình ảnh “Bé Sen”, đăng ký chứng nhận nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”... Từ những chính sách này, hình ảnh của Đồng Tháp ngày càng được du khách biết đến và yêu mến. Hình ảnh cây sen ngày càng được khẳng định và trở thành biểu tượng của tỉnh.

Phê duyệt 2 đề tài khoa học, công nghệ về sen

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt 2 đề tài khoa học công nghệ về sen. Đó là đề tài xây dựng quy trình công nghệ chiết xuất hợp chất thiên nhiên từ sen và ứng dụng để sản xuất bộ mỹ phẩm từ sen tại tỉnh Đồng Tháp

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế với các sản phẩm chế biến từ sen, sen còn trở thành biểu tượng của ngành du lịch Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế với các sản phẩm chế biến từ sen, sen còn trở thành biểu tượng của ngành du lịch Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với đề tài chiết xuất hợp chất thiên nhiên từ sen và ứng dụng để sản xuất bộ mỹ phẩm từ sen, dự kiến sản phẩm bao gồm: Quy trình chiết xuất các hợp chất thiên nhiên giàu alkaloid và polyphenol từ lá sen được lên men; quy trình công nghệ sản xuất bộ mỹ phẩm như mặt nạ, serum, kem dưỡng và toner (nước cân bằng da)… Đơn vị chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu này là Công ty TNHH Ecolotus Việt Nam do Thạc sĩ Ngô Chí Công, Giám đốc công ty thực hiện.

Đối với đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất tinh dầu và các sản phẩm giá trị gia tăng từ hoa sen, đơn vị chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ là Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất tinh dầu Hương Đồng Tháp.

Sản phẩm dự kiến của đề tài nghiên cứu này là báo cáo phân tích, đánh giá thành phần tinh dầu hoa sen Đồng Tháp, quy trình chiết xuất tinh dầu hoa sen bằng phương pháp tẩm trích có sử dụng nhiệt và xử lý nguyên liệu bằng sóng siêu âm. Quy trình chiết xuất tinh dầu hoa sen bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước có xử lý nguyên liệu bằng sóng siêu âm và tinh dầu hoa sen (tinh dầu tuyệt đối và tinh dầu). Các sản phẩm giá trị gia tăng tận dụng từ quy trình chiết xuất bao gồm tinh dầu xịt nội thất hoa sen, nến thơm hoa sen, nước chưng cất tinh dầu hoa sen.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt 2 đề khoa học công nghệ để chế biến sâu, nâng cao hơn nữa giá trị cây sen. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt 2 đề khoa học công nghệ để chế biến sâu, nâng cao hơn nữa giá trị cây sen. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sen là một trong những cây trồng chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, vì vậy UBND tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Hội Ngành hàng sen Đồng Tháp nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, chế biến, kết nối thị trường, nâng cao kỹ năng bán hàng, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại. Đồng thời xây dựng mô hình thí điểm các chuỗi liên kết nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước để tạo lập và phát triển thị trường trong nước bền vững, hướng đến xuất khẩu.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Bình luận mới nhất