Thuật ngữ “người chuyển giới” hiếm khi được sử dụng ở Thái Lan, bởi vì ở nước này, người ta có riêng một từ chỉ “giới tính thứ ba”: kathoey.
Cộng đồng người chuyển giới ở Bangkok ngày càng đông đảo (Ảnh: maytermthailand.org) |
Theo trang hướng dẫn du lịch Thái Lan maytermthailand.org, từ “kathoey” từng có thời được sử dụng để chỉ người ái nam ái nữ (lưỡng tính), sinh ra với hình vóc một giới nhưng mang bộ phận sinh dục ngoài của giới kia. Kathoey đã trở nên phổ biến trong xã hội Thái. Cũng như mọi người, họ đi siêu thị, gặp gỡ bạn bè, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, thăm viếng đền chùa…
Bốn kiểu giới tính
Cũng cần phải nói qua về đức tin của người Thái Lan, chủ yếu theo đạo Phật, cùng với mối liên quan về kathoey. Trong Phật giáo, có 4 giới tính, ngoài đàn ông và đàn bà, còn có bhatobyanjuanaka và pandaka.
Bhatobyanjuanaka lúc đầu được hiểu là dạng lưỡng tính, nhưng nay được hiểu là kathoey, tất nhiên vẫn chưa có từ ngữ hiện đại nào biểu đạt hoàn toàn khái niệm bhatobyanjuanaka. Nhiều tài liệu sau này cho rằng khái niệm bhatobyanjuanaka còn bao hàm cả những người tuy không lưỡng tính về mặt thể chất nhưng về tinh thần là người thuộc giới khác. Ví dụ một người với cơ thể phụ nữ nhưng có suy nghĩ, tinh thần và cảm xúc của đàn ông.
Pandaka còn phức tạp hơn, chỉ một người đàn ông đồng tính, ăn mặc như đàn bà. Tuy nhiên, cũng như khái niệm bhatobyanjuanaka, chưa có từ ngữ hiện đại nào diễn tả trọn vẹn khái niệm pankada.
Niềm tin về sự tồn tại của hơn hai loại giới tính và tư duy hiện đại về khái niệm bhatobyanjuanaka có thể được xem là một trong những lý do chính xã hội Thái Lan chấp nhận kathoey. Ở quốc gia này, những người theo Phật giáo tin vào sự tồn tại của linh hồn. Họ cũng tin có sự giao cảm giữa con người và linh hồn: phụ nữ có mối giao cảm với một linh hồn phụ nữ, đàn ông với linh hồn đàn ông. Nhưng kathoey giao cảm với cả hai loại linh hồn, nam và nữ, cùng lúc. Vì thế, họ nhận được sự tôn trọng của cộng đồng.
Theo các điều răn trong Phật pháp, những gì diễn ra trong cuộc sống của một người là hệ quả của những gì anh ta hoặc chị ta hành động trong kiếp trước.
Cũng tồn tại một quan niệm khác về kathoey trong xã hội Thái: đây là kết quả của karma (nghiệp chướng hay quả báo), đặc biệt khi một người sinh ra là kathoey, kết quả của những hành vi tà dâm trong kiếp trước, hay phạm tội gì đó liên quan đến sinh sản, ví dụ kiếp trước từng bỏ rơi một người con gái mà mình đã làm mang thai... Tuy nhiên, dù với lý do gì, các tín đồ Phật giáo được dạy rằng không có cách nào tránh hay thoát khỏi nghiệp chướng. Ai kiếp trước đã là kathoey thì vẫn có thể là kathoey trong các kiếp sau, cho dù người ta cũng cho rằng cần phải đối xử nhân từ với các kathoey.
Cộng đồng kathoey
Theo tạp chí Culturetrip, cộng đồng kathoey ở Thái Lan rất đông đảo. Theo một số tài liệu, người Thái bắt đầu nhận biết về những người chuyển giới từ đầu thế kỷ 14, nhưng ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây đã khiến tư tưởng phân biệt đối xử với cộng đồng kathoey ở Thái nảy nở trong thế kỷ 19. Chỉ đến sau Thế chiến 2, xã hội Thái Lan bắt đầu cởi mở trở lại đối với cộng đồng chuyển giới.
Xã hội Thái Lan bắt đầu cởi mở trở lại đối với cộng đồng chuyển giới. |
Thủ đô Bangkok chính là trung tâm của giới đồng tính và chuyển giới ở Thái Lan. Những người chuyển giới sống khá thoải mái, bình đẳng và ít bị phân biệt đối xử hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Tuy vậy, người chuyển giới vẫn chưa thực sự bình đẳng và họ chưa thể nhận đầy đủ những quyền con người cơ bản như những người khác.
Ví dụ, tình dục đồng giới chưa được hợp pháp hóa cho đến năm 1956 và luật chưa công nhận thiên hướng tính dục của những người được xác định mang giới tính này nhưng lại có hành vi tính dục của giới kia.
Vào năm 2007, lời kêu gọi kèm thêm điều khoản xác định giới tính thực vào bộ luật phòng chống tội phạm đã bị bác bỏ. Về mặt luật pháp, những người chuyển giới không thể thay đổi giới tính và cho dù đã phẫu thuật vẫn không thay đổi được các thông tin cá nhân trên các văn bản mang tính pháp lý. Và còn nhiều vấn đề khác nữa.
Vì sao Bangkok lại là nơi tập trung giới đồng tính và chuyển giới? Rất nhiều người trong số này đến thủ đô từ vùng nông thôn, nơi tư tưởng còn nặng nề. Ở Bangkok, thái độ của cộng đồng với giới kathoey và đồng tính thoáng hơn.
Tôn giáo đóng vai trò quan trọng, quyết định một cộng đồng chấp nhận hay không chấp nhận người chuyển giới. Ở Thái Lan, hơn 95% dân số theo Phật giáo Theravada. Chi phái này không bắt buộc tín đồ phải chào đón người chuyển giới. Nhiều tín đồ tin rằng người chuyển giới phải “trả giá cho những hành vi xấu trong kiếp trước của họ”.
Nhưng tại thủ đô Bangkok, người chuyển giới, đồng tính luyến ái sống khá thoải mái. Nhiều nơi tổ chức các show diễn do cộng động này thực hiện. Tuy nhiên, các hành vi âu yếm nhau của người chuyển giới tại nơi công cộng bị xem là điều cấm kỵ. Người đồng tính thì thoải mái hơn.