Theo Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã thu trên 135,4 tỷ đồng, đạt 99,5% kế hoạch. Tổng tiền chi từ dịch vụ môi trường rừng năm 2024 (kế hoạch năm 2023) là hơn 116,8 tỷ đồng. Tổng số diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng là hơn 456.845ha, chiếm 97,7 % diện tích rừng toàn tỉnh.
Bà Đinh Thị Hà, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Giang cho biết, trong số hơn 456.845ha được chi trả dịch vụ môi trường rừng có hàng vạn chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, nguồn tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp người dân có thêm nguồn lực quan trọng cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, yên tâm gắn bó với rừng.
Biết được vai trò và ý nghĩa của nguồn tiền nên hằng năm đơn vị nỗ lực phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tổ chức chi trả sớm cho người dân, để khuyến khích chủ rừng, người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.
Đảm bảo nguồn tiền được chi trả kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng Ban điều hành Quỹ đã phối hợp với thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Ban kiểm tra, giám sát cấp huyện tiến hành kiểm tra, giám sát việc giải ngân, quản lý, sử dụng tiền gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở theo kế hoạch đã được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt.
Huyện Mèo Vạc hiện có hơn 23.000ha diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng là các thủy điện như thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Chiêm Hóa, thủy điện Nho Quế 1, 2, 3, Bảo Lâm 1, 3, 3A, Mông Ân, Bắc Mê, Sông Nhiệm 4 và Trung tâm Dịch vụ công cộng Môi trường và Cấp thoát nước Mèo Vạc.
Số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Mèo Vạc là hơn 11,4 tỷ đồng. Nguồn tiền này được chi trả kịp thời cho các hộ dân, đã tiếp thêm nguồn lực để họ cải thiện cuộc sống, yên tâm gắn bó giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng.
Trung bình mỗi năm, thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc nhận khoảng 100 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Anh Thò Mí Xá, Trưởng thôn Cán Chu Phìn cho biết, nhiều năm nay, thôn luôn đảm bảo nguồn kinh phí được chi trả công khai, minh bạch, đúng đối tượng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, một phần của nguồn tiền này còn được thôn họp bàn, thống nhất xây dựng tuyến đường bê tông vào các xóm nhỏ hoặc hồ treo, giúp người dân đi lại thuận lợi, được đồng thuận, nhất trí cao.
Bên cạnh những thuận lợi thì công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Hà Giang cũng còn những khó khăn, vướng mắc nhất định như: Diện tích rừng chi trả rộng khắp 11 huyện thành phố, địa hình phức tạp, hiểm trở; một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân chưa đầy đủ thông tin dẫn đến việc rà soát diện tích chi trả còn khó khăn…
Những khó khăn này đang được ngành NN-PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Giang và chính quyền địa phương bàn, cùng tìm giải pháp tháo gỡ trong năm 2025 và những năm tiếp theo để phát huy tối đa hiệu quả từ nguồn vốn của dịch vụ môi trường rừng mang lại, vừa góp phần bảo vệ rừng bền vững, vừa nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân.