Khi lũ về, người dân không còn lo sợ lũ nữa mà luôn chuẩn bị tâm thế “sống chung với lũ” suốt mấy tháng trời.
Ngư cụ đắt như tôm tươi
Khi con nước thượng nguồn ở Campuchia đổ về cũng là thời điểm các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất ngư cụ tất bật sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn, để kịp cung ứng ra thị trường, phục vụ trong mùa nước nổi. Cơ sở chuyên sản xuất dụng cụ đánh bắt thủy sản Khoa Nhỏ nằm cặp quốc lộ 80 (thuộc xã Long Hậu, huyện Lai Vùng, Đồng Tháp), thời điểm này, các công nhân đang khẩn trương sản xuất ra nhiều sản phẩm để kịp giao cho thương lái ở các tỉnh ĐBSCL. Các sản phẩm, như: lưới, dớn, lú, rộng cá,… được cơ sở đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tăng gấp đôi so với ngày thường nhưng không đủ giao cho khách hàng. “Mỗi ngư cụ sau khi thành phẩm, có giá từ 100.000 đến 350.000 đồng”, chủ cơ sở Khoa Nhỏ cho biết.
Công nhân tại cơ sở sản xuất ngư cụ Khoa Nhỏ ở xã Long Hậu, huyện Lai Vùng, Đồng Tháp đang tất bật làm ra nhiều sản phẩm |
Tôi đến thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh, dẫn đến làng nghề đan lọp cua đồng trứ danh của xã. Hiện, làng nghề đan lọp cua đồng của xã có khoảng 80 hộ tham gia sản xuất. Bà con ở đây, thuộc diện gia đình có hoàn cảnh tương đối khó khăn. Nghề đan lọp cua đồng phát triển, góp phần giúp các hộ giảm bớt phần nào khó khăn, giúp trang trải kinh tế trong mùa nước nổi.
“Chúng tôi đang kiến nghị với các ngành cấp trên hỗ trợ máy móc, thiết bị cho người dân sản xuất lọp cua đồng để giữ lửa làng nghề phụ vụ mùa nước nổi”, ông Nguyễn Phi Long cho hay.
Làng nghề đan lọp tép (xã Hòa Long, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đang hoạt động hết công suất để phục vụ cho nhu cầu đánh bắt tép của người dân trong mùa nước nổi. Năm 2003, nghề đan lọp tép được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận làng nghề truyền thống. Hàng chục năm qua, nghề đan lọp tép trở thành nghề sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây. Mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường khoảng 700.000 cái lọp tép.
Ngư dân đặt lọp cua đồng cho thu nhập khá |
Gia đình bà Trần Thị Mỹ (ngụ xã Hòa Long, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) có khoảng 18 năm theo nghề đan lọp tép. Theo bà Mỹ, nghề này, chủ yếu lấy công làm lời và tận dụng thời gian lúc nhàn rỗi. Mỗi tháng, gia đình chị làm ra gần 300 cái lọp tép, giá bán khoảng 14.000 đồng/cái. “Nước lũ năm nay cao, làng nghề lọp tép được các thương lái lớn từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đặt hàng nhiều hơn”, bà Mỹ phấn khởi cho biết.
Đánh bắt thủy sản
Những ngày giữa tháng 8, khi nước lũ tràn về khắp các cánh đồng ở ĐBSCL, tôi dạo quanh các xã vùng sâu, vùng xa bắt gặp cảnh người dân đang vào mùa đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản trong mùa nước nổi với không khí hối hả và nhộn nhịp hẳn lên. Mỗi ngư dân trang bị cho mình khoảng chục tay lưới, câu, lờ, lợp,… là có thể mưu sinh trong những tháng nước nổi. Gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản vùng “rốn lũ” đầu nguồn của biên giới Campuchia nên năm nào ngư dân Lê Văn Buốl (ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) luôn hy vọng lũ năm nay về đẹp. Cùng với vợ đang bơi xuồng ba lá bủa mấy tay lưới trên đồng nước lũ mênh mong, ông Buốl nói: “Mùa lũ về là thời điểm gia đình tôi bắt đầu hành nghề câu lưới để có thêm nguồn thu nhập, có tiền trang trải thêm cho cuộc sống và kiếm tiền chuẩn bị mua sách vở cho các con trong năm học mới”.
Mỗi ngày, với khoảng chục tay câu, lưới, ngư dân có thể kiếm 5 - 10 kg cá các loại. “Chiến lợi phẩm” thu được, ngư dân sẽ mang về bán cho các tiểu thương ở các chợ, kiếm vài trăm ngàn đồng để đổi lấy tiền mua gạo, tích cóp trang trải cuộc sống trong những tháng không có nước lũ.
Ngư dân thả lưới trong mùa nước nổi để kiếm thêm thu nhập |
Mới tờ mờ sáng, neo đậu chiếc xuồng câu vừa lênh đênh trên cánh đồng ngập lũ suốt thâu đêm, ông Nguyễn Văn Tỷ (ngụ xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), trên gương mặt của ông thể hiện tràn đầy niêm vui “bội thu” nhiều cá tôm khoan xuồng và chuẩn bị mang lên bờ bán cho tiểu thương ở chợ. “Tôi không có đất ruộng sản xuất chỉ sống vào nghề đánh bắt cá quanh năm. Năm nào nước lũ lớn thì thì đặt thêm dớn, giăng lưới, giăng câu, kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi hy vọng lũ lớn năm nay lớn sẽ mang về lượng cá tôm nhiều hơn so với những năm trước. Mấy bữa nay, nước lũ về sớm, ngày nào tôi cũng bắt cá bán được vài trăm ngàn đồng, sống khỏe”, ông Tỷ vui vẻ nói.
Bên cạnh những ngư dân theo giăng câu, lưới đánh bắt cá, thì một số người chọn nghề đặt lọp tôm, lọp cua để mưu sinh trong mùa nước nổi. Mặc dù, số lượng đánh bắt tôm, cua đồng ít hơn cá nhưng vẫn có người theo nghề, bởi bù lại giá bán được cao. Ngư dân Nguyễn Văn Đương (ngụ xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: “Sáng sớm, thức dậy tôi nấu cơm mang theo ăn để đi đặt lọp tôm, cua đồng đến khoảng 12 giờ trưa mới về nhà nghỉ ngơi. Tôm và cua đồng ngày một khan hiếm nên tôi hy vọng con nước năm nay lớn để kiếm sống qua ngày”.
Đủ kiểu mưu sinh
Vào mùa nước nổi, bên cạnh giăng câu, lưới, đặt lợp,… nhiều người dân vùng đầu nguồn giáp với nước bạn Campuchia có thêm nghề kéo trứng nước, để tăng thêm thu nhập. Khi các cánh đồng tràn ngập nước lũ cũng là lúc vào mùa kéo trứng nước của người dân vùng đầu nguồn. Mỗi ngày, hai người dùng lưới kéo được khoảng 100 kg trứng nước. Trứng nước thu được mang đi bán cho các cơ sở ươm nuôi cá giống với giá 10.000 đồng/kg, hai người có thu nhập khoảng 1.000.000 đồng. Ông Lê Văn Minh (ngụ thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Nghề kéo trứng nước không phải bỏ nhiều vốn đầu tư, chỉ cần một cái vợt kéo trứng nước may bằng vải mỏng, miệng vợt bề ngang khoảng 3m, túi vợt dài khoảng 10m là có thể hành nghề trong mùa nước nổi”.
Độc đáo hơn kiểu mưu sinh của dân miền Tây vào thời điểm khi mực nước sông, rạch vừa dâng cao, có người theo nghề câu ếch, cho thu nhập khá. Anh Nguyễn Nhân (ngụ thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) chuyên nghề câu ếch, tiết lộ: “Câu ếch rất đơn giản, chỉ cần một cần câu bằng trúc dài khoảng 25cm, một sợi dây câu có lưỡi, dây ngắn để khi dính, ếch không thể lôi kéo đi xa. Quan trọng là mồi, mồi càng ngon ếch càng tìm đến cắn câu”. Đang đứng nhấp nhấp dụ ếch lại cắn câu, anh Nhân nhẩm tính: “Hiện, giá ếch đồng bán tại các chợ khoảng 80.000 đồng/kg. Mỗi ngày, tôi đi câu được khoảng 5 kg ếch thì kiếm khoảng 400.000 đồng”.
Câu ếch đồng trong mùa nước nổi |
Khi vụ lúa hè thu kết thúc, nước lũ tràn đồng, ông Đoàn Văn Đông (xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) cùng nhiều hộ gia đình khác liền bắt tay chuẩn bị cho mùa bông súng đồng. Với 2.000m2 đất, chi phí đầu tư hơn 10 triệu đồng tiền cây giống, khoảng một tháng xuống giống, bông súng của ông đã cho thu hoạch. Mỗi ngày, ông thu nhập khoảng 400.000 đồng. “Đây là năm thứ ba liên tiếp tôi bắt tay vào trồng bông súng đồng. Năm nay, lũ về sớm nên bông súng phát triển tốt, kiếm thu nhập khoảng 70 triệu đồng trong mấy tháng nước nổi”, ông Đông khoe. Ông Đông còn phân tích: “Bông súng dễ chăm sóc, có nước là nó tự lớn, tôi chỉ cần cách một ngày là ra đồng thu hoạch về bán cho thương lái”.
Từ bao đời nay, mùa nước nổi đã gắn liền với đời sống cư dân miệt sông nước Cửu Long. Nước nổi ngoài mang phù sa về cho đất giúp cây trồng tốt tươi, còn mang theo những đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng lũ. Cho nên, người dân miền Tây có quyền hy vọng năm nay sẽ có một mùa lũ đẹp để họ có thể hòa mình “sống chung với lũ”!