| Hotline: 0983.970.780

Người giữ hồn quê Cầu Ngói

Thứ Hai 07/06/2010 , 13:54 (GMT+7)

Về với "Chợ quê ngày hội" tại Cầu Ngói Thanh Toàn (xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên- Huế) du khách sẽ thấy thú vị khi được gặp hai vợ chồng ông Phạm Văn Bút, bà Lê Thị Ngảnh...

Mệ Ngảnh bên những nông cụ
Về với "Chợ quê ngày hội" tại Cầu Ngói Thanh Toàn (xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên- Huế) du khách sẽ thấy thú vị khi được hai vợ chồng ông Phạm Văn Bút, bà Lê Thị Ngảnh vừa làm hướng dẫn viên du lịch, vừa thuyết trình về bảo tàng nông, ngư cụ của mình.

Hướng dẫn viên tuổi 78

Dù đã bước sang tuổi 78 song mệ Lê Thị Ngảnh còn khá minh mẫn. Có lẽ những câu hò giã gạo, âm hưởng dân ca nơi quê hương Cầu Ngói đã làm cho tâm hồn mệ trẻ mãi với thời gian.

Sinh ra ở làng Thanh Thuỷ Chánh, mệ Ngảnh lớn lên như bao lớp trai gái của làng đều thấm đượm những câu hò, câu dân ca một thời se duyên nên tình yêu lứa đôi. Tiếp chúng tôi trong nhà trưng bày nông cụ của xã, mệ kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên dẫn mệ đến làm một “hướng dẫn viên du lịch tuổi 78”: "Năm 2006, nhà trưng bày các nông, ngư cụ được đầu tư nằm cạnh Cầu Ngói Thanh Toàn, sau mùa Festival, mấy cán bộ xã buổi sáng ra mở cửa, trưa lại đóng vì chẳng có mấy khách tham quan. Tội cho mấy ông bà Tây đến đây vô Cầu Ngói chơi rồi trở ra xe về chứ chẳng có gì thêm để tham quan. Sau một thời gian nhìn thấy hàng chục nông, ngư cụ bụi bám đầy, sắp mối mọt, tui xin mấy vị cán bộ xã cho ra ở đây quét dọn, giữ đồ và đặt một chiếc tủ nhỏ để bán đồ lưu niệm, mô hình nông, ngư cụ. Thế là từ đó tui làm mãi cho đến bây giờ luôn”.

Vốn sinh ra và lớn lên gắn với ruộng đồng, mỗi khi có du khách đến, mệ Ngảnh đã nhiệt tình giải thích từng công dụng, đặc điểm của các mô hình trưng bày. Với ngôn ngữ dân quê, gần gũi, dễ hiểu, dần dần mệ đã chiếm được tình cảm của nhiều du khách. Đặc biệt là khách nước ngoài, mỗi khi ngôn ngữ không giúp mệ chuyền tải được thì mệ dùng… tay.

Mệ tâm sự: “Mấy ông bà Tây có biết cái cối xay lúa, cái máy đạp nước là chi mô. Muốn họ hiểu miềng phải giải thích từng cái một. Ví dụ như cái cối xay lúa, miềng phải làm động tác cắt lúa ngoài đồng, mang lúa bỏ vô cối xay đều, xay xong lấy gạo ra, bắc lên nồi nấu ăn họ mới biết được. Hay cái đạp nước, mình phải ngồi lên làm động tác đạp cho nó xoay, chốc chốc lại chỉnh máng như đang cho nước chảy vào ruộng thế là mấy ông Tây hiểu. Khi nào họ hiểu, họ thấy vui là vỗ tay rào rào luôn”.

Không chỉ làm hướng dẫn du lịch bằng… tay, nhiều du khách đến đây còn được mệ Ngảnh “chiêu đãi” bằng những điệu hò nơi quê hương Cầu Ngói do mệ tự sáng tác. Đặt chiếc nhủi (dụng cụ bắt cá) xuống nền nhà, mệ cất giọng: “Cầu Ngói Thanh Toàn là di tích lịch sử/Thường ngày các anh chị nam nữ các nước đến chơi/Gặp cơn gió mát vô nằm nghỉ ngơi…ơ hò…”.

Đến với "Chợ quê ngày hội" tại Cầu Ngói Thanh Toàn, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn dân dã, những trò chơi dân gian, thưởng ngoạn những cảnh sắc đồng quê mà còn được đắm chìm trong những câu hò, dân ca và những “màn” hướng dẫn du lịch dí dỏm, sáng tạo của mệ Ngảnh.

''Thuyết trình'' về nông- ngư cụ cho du khách

Duyên phận với nông cụ

Sinh ra ở vùng đất Thanh Thuỷ Chánh, quanh năm quanh quẩn với ruộng vườn. Ký ức về ruộng đồng luôn trở về mạnh mẽ trong lão nông Phạm Văn Bút. Dù đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” song ông vẫn giữ một lòng đam mê với nghề chế tác nông cụ. Nằm khuất lấp bên phiên "Chợ quê ngày hội" là gian hàng nông - ngư cụ của ông Bút. Trước đây, ông vốn làm nghề đan lát nuôi trong nhà 7 miệng ăn. Vì kế mưu sinh, ông quay trở về với mấy sào ruộng, con cá con tôm trên đồng.

Nằm trong chương trình của Festival Huế 2010 (diễn ra từ ngày 5 - 13/6) , "Chợ quê ngày hội" sẽ đưa du khách đến với vùng ven thành phố Huế cảnh sắc hữu tình, tái hiện các hoạt động mua bán của vùng nông thôn xưa. Không chỉ thu hẹp dưới chân Cầu Ngói Thanh Toàn, không gian chợ quê còn được nối dài từ đầu làng đến cuối làng - nơi có cả hệ thống nhà thờ họ tộc, phủ đệ, đình làng.

Năm 2002, "Chợ quê ngày hội" được tổ chức tại Cầu Ngói, biết ông có chút nghề đan lát trong tay, cán bộ xã về tận nhà bảo ông đan lát nông - ngư cụ, làm mô hình cầu ngói mang lên nhà trưng bày để bán phục vụ du khách. Cán bộ xã hứa nếu bán không được, xã sẽ trích ngân sách mua lại cho ông. Vốn yêu nghề nông, nay tuổi đời mình không cho phép mình lam lũ cùng con trâu cái cày, ông đồng ý và bắt tay vào làm ngay. Bỏ ra cả tháng trời ngồi vót tre nứa, bào gỗ, những mô hình sản phẩm đầu tay như: Cối xay lúa, máy đạp lúa, con trâu, cái cày, Cầu Ngói Thanh Toàn… ra đời trong sự hồi hộp, chờ đợi của chủ nhân.

Festival Huế 2002, "Chợ quê ngày hội" được tổ chức bên Cầu Ngói Thanh Toàn, sản phẩm mô hình nông - ngư cụ của nghệ nhân Bút đã bán hết trong ngày đầu tiên. Những sản phẩm, mô hình của nghệ nhân Bút đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

“Sau ngày đầu tiên "cháy” hàng, nhiều du khách còn hỏi thêm để mua, tui chỉ biết nói với họ là… hẹn kỳ Festival năm sau”, ông Bút nhớ lại. Thế là những lần Festival sau đó, "Chợ quê ngày hội" không thể thiếu gian hàng nông - ngư cụ của ông Bút. 

Ông Bút tâm niệm: “Những sản phẩm tui làm ra đều ít nhiều gửi chút nỗi niềm trong đó. Thời xưa, cũng cái nơm, cái chẹp trên đồng ruộng cha mẹ đã một nắng hai sương nuôi mình khôn lớn. Tui muốn các con tui nhìn vô đó mà nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Từ đó cũng biết quý hạt gạo, củ khoai mà người nông dân làm ra”.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.