| Hotline: 0983.970.780

Người hướng nội có sức mạnh tiềm ẩn như thế nào?

Thứ Bảy 06/08/2022 , 18:32 (GMT+7)

Người hướng nội có lúc làm theo cách của người hướng ngoại để tác động đến đối tượng khác, nhưng họ lại có giá trị riêng nếu biết phát huy sức mạnh tiềm ẩn.

Tiến sĩ Jennifer Kahnweiler khẳng định người hướng nội có ưu điểm riêng biệt.

Tiến sĩ Jennifer Kahnweiler khẳng định người hướng nội có ưu điểm riêng biệt.

Người hướng nội thích ở một mình. Người hướng nội ít nói và không giỏi quảng giao. Sẽ chẳng hề hấn gì đối với những phẩm chất đó nơi người hướng nội, nếu họ không sinh ra trong một thời đại đề cao những phẩm chất ngược lại như thời nay. 

Nếu biết khai thác những thế mạnh tự nhiên, người hướng nội có thể trở thành người có tầm ảnh hưởng dựa trên ưu điểm trầm tĩnh của mình.

Suốt nhiều thập niên qua, các tổ chức vẫn ủng hộ việc quảng bá bản thân, hoạt náo và thu hút sự chú ý, điều này đồng nghĩa rằng người hướng nội có ít cơ hội thăng tiến hơn so với những người hướng ngoại. Văn hoá làm việc nhóm và giao tiếp nhanh chóng là những áp lực khác với người hướng nộ, bởi họ phải cố gắng liên tục giao tiếp và hoà nhập nếu không muốn bị xem là “chậm trễ”, “xa lánh”, “không hoà đồng”. 

“Làm thế nào để người hướng nội có thể làm nên điều khác biệt mà vẫn là chính mình?”, nỗi tò mò này đã thúc đẩy tiến sĩ Jennifer Kahnweiler bắt đầu thực hiện cuốn sách “Sức mạnh của sự trầm lắng” (tựa gốc: “Quiet Influence”). Sự thật khá bất ngờ, nhiều người hướng nội thành đạt nhờ công thức “chẳng gây ồn ào mà vẫn tạo ra những tác động mạnh mẽ”. 

Tác giả cuốn sách “Sức mạnh của sự trầm lắng” khẳng định: “Bạn sẽ trở thành một người có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khi bạn ngừng bắt chước người hướng ngoại và thay vào đó, bạn biết tận dụng tối đa những ưu thế hướng nội bẩm sinh của mình”.

Jennifer Kahnweiler cho rằng người hướng nội không thể sống và làm việc như người hướng ngoại, và chắc chắn không thể thành công theo cách đó. Thay vào đó, một lối đi xác đáng hơn là nhận biết, chấp nhận và nuôi dưỡng 6 thế mạnh hướng nội đặc trưng - điều mà những người hướng nội thành công đã học được bằng chính trải nghiệm của mình. 

Trước tiên, dành thời gian để tĩnh lắng là thế mạnh nền tảng, cốt lõi nhất của người hướng nội. Bởi đơn giản, đây là cách “sạc pin”, “nạp năng lượng” hữu hiệu nhất của họ. Người hướng nội thường xuyên quay trở về trạng thái tĩnh lắng để tái tạo năng lượng và suy tư. Sự tĩnh lắng cung cấp năng lượng, giúp tăng khả năng tự nhận thức và khơi nguồn sáng tạo.         

Thế mạnh tiếp theo là sự chuẩn bị. Không giỏi ứng biến như người hướng ngoại, nhưng những người hướng nội thành đạt lại thu lợi từ thói quen chuẩn bị chu đáo. Như trước một buổi thuyết trình, người hướng nội sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin, vạch ra các câu hỏi có thể nhận được cùng chiến lược ứng phó, nghĩ sẵn các kịch bản thay thế, thậm chí là tập dượt trước các câu trả lời. 

Lắng nghe thấu đáo và thiện chí trao đổi có trọng tâm là hai thế mạnh tiếp theo, liên quan đến giao tiếp. Người hướng nội có thể không giỏi ăn to nói lớn, nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không có khả năng chia sẻ ý tưởng hay tạo nên những kết nối có ý nghĩa. Ngược lại, họ hoàn toàn có thể tác động mạnh mẽ đến người khác chỉ bằng khả năng lắng nghe và trò chuyện sâu sắc bẩm sinh của mình. 

Cuối cùng, hai thế mạnh còn lại là viết lách và sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng. Nếu phát huy tốt hai năng lực này, người hướng nội có thể tạo nên ảnh hưởng đối với số đông, thậm chí tạo nên những “cuộc cách mạng” trong cộng đồng của mình. 

Cuốn sách 'Sức mạnh của sự trầm lắng' vừa được xuất bản tại Việt Nam.

Cuốn sách "Sức mạnh của sự trầm lắng" vừa được xuất bản tại Việt Nam.

“Sức mạnh của sự trầm lắng” dễ làm người ta liên tưởng người hướng nội với những nhân vật chính trong các bộ phim siêu anh hùng. Họ sinh ra với những phẩm chất trông “kỳ quái” đôi chút, không được số đông ưa chuộng. Thế nhưng, nếu nhân vật chính không chối bỏ, không xấu hổ, mà biết chấp nhận và tin tưởng vào cá tính của mình, thì những tính cách đó sẽ biến thành nguồn sức mạnh vô hạn của họ. 

Tiến sĩ Jennifer Kahnweiler khích lệ: “Những người hướng nội khác đã làm được điều này: họ bước ra thế giới, trình bày những giải pháp tương lai cho căn bệnh ung thư, đưa ra câu trả lời cho vấn đề nóng lên toàn cầu hay các biện pháp chấn chỉnh nền giáo dục…. Bạn hoàn toàn có thể làm được những điều tương tự”,

Bên cạnh đó, với mỗi thế mạnh, tác giả “Sức mạnh của sự trầm lắng” cũng cẩn trọng khuyến cáo đừng nên lạm dụng sự hướng nội. Chẳng hạn, với thế mạnh biết dành thời gian để tĩnh lắng, phải chú ý: “Sạc pin sau khi pin đã đầy là việc làm vô ích và không đem lại hiệu quả tích cực nào”. Tương tự, quá lệ thuộc vào quá trình chuẩn bị sẽ làm tê liệt khả năng ứng biến; hoặc nếu chỉ chăm chăm lắng nghe mà không bày tỏ ý kiến hay phản biện, người hướng nội dễ trở thành kẻ không có chính kiến trong mắt người khác.  

Dù chúng ta là ai, hướng nội hay hướng ngoại, thuộc nhóm thế mạnh hay thế yếu, hãy luôn biết trân trọng cá tính của chính mình và của người khác. Đồng thời, những nhà lãnh đạo đang nắm trong tay khả năng thay đổi văn hoá công sở, cũng nên thiết kế một môi trường làm việc để cả người hướng nội và hướng ngoại đều cảm thấy thoải mái… Những khuôn mẫu và văn hoá của từng cộng đồng và cả xã hội vẫn luôn luôn cần dịch chuyển theo hướng nhân văn hơn.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?