Sớm giao mặt nước biển
Với bờ biển dài khoảng 189km, trên 21.000ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông..., tỉnh Phú Yên rất thuận lợi cho việc phát triển ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Đặc biệt, tỉnh này có hàng ngàn ha vùng biển mở gần bờ và xa bờ có tiềm năng lớn để phát triển nuôi biển công nghiệp. Tuy nhiên thực trạng nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay ở Phú Yên còn thiếu bền vững.
Ngư dân Phạm Văn Phải, một người nuôi trồng thủy sản lồng bè phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu) cho biết, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản rất báo động. Nguyên nhân là mật độ lồng bè nuôi quá dày, cộng với ý thức một số người nuôi chưa chấp hành bảo vệ môi trường vùng nuôi, không thu gom thức ăn vào bờ xử lý theo quy định.
Mặt khác, chính quyền địa phương cũng chưa giao mặt nước để người dân yên tâm đầu tư nuôi trồng thủy sản ổn định, lâu dài.
“Nếu được giao mặt nước, bà con sẽ ổn định trong việc nuôi trồng thủy sản, không sợ người dân ở các xã lân cận lấn chiếm khu vực nuôi của mình”, ông Phải bày tỏ.
Tương tự, ngư dân Huỳnh Trúc Nguyên ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) cho rằng, hiện nay lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn mật độ dày đặc, rất phức tạp. Nhiều người nuôi tự phát, không tuân thủ quy hoạch, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngư dân Nguyên cũng mong muốn chính quyền sớm giao mặt nước biển cho dân để nuôi trồng thủy sản hợp lệ, không còn lo lắng phải di dời hay giải tỏa lồng bè.
Về vấn đề này, theo Sở NN-PTNT Phú Yên, các địa phương căn cứ quy hoạch sử dụng đất, theo định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh để xây dựng phương án, đề án chi tiết nhằm sắp xếp lại nuôi trồng thủy sản. Đồng thời thực hiện giao khu vực biển, đất có mặt nước cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ổn định.
2 đợt thủy sản chết do môi trường
Theo Sở NN–PTNT Phú Yên, tính đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 186.000 lồng nuôi thủy sản, gấp 3,8 lần so với quy hoạch theo Nghị quyết số 99 ngày 08/12/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và tăng 87% so với năm 2019. Trong đó, thị xã Sông Cầu có 134.612 lồng, gấp 4,4 lần so với quy hoạch và tăng 66% so với năm 2019. Tiếp đến là thị xã Đông Hòa có 38.500 lồng, gấp 5,3 lần so với năm 2019. Huyện Tuy An có 12.924 lồng, dù không vượt quá quy hoạch song nhiều lồng bè nuôi ngoài vùng quy hoạch theo Nghị quyết số 99.
Điều đáng nói, từ đầu năm đến nay, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã xảy ra hai đợt tôm hùm, cá biển nuôi bị chết đột ngột do môi trường, thiệt hại 45,7 tỉ đồng.
Cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định, nguyên nhân thủy sản nuôi bị chết là do mật độ lồng nuôi quá dày, nhiều bè nuôi nhuyễn thể để làm thức ăn cho tôm hùm gây cản trở nước lưu thông. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian xảy ra hiện tượng tôm, cá chết, thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với mưa dông vào chiều tối gây hiện tượng phân tầng nhiệt, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan, phát sinh khí độc… khiến thủy sản nuôi chết.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, lộ trình cho các địa phương thực hiện sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, số lượng lồng, bè nuôi trồng thủy sản không giảm mà tiếp tục gia tăng. Do đó, thời gian tới, tỉnh Phú Yên giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương tổ chức quản lý chặt, không để phát sinh mới lồng bè nuôi trồng thủy sản so với kết quả kiểm đếm đến hết tháng 6/2024.
Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp, giải tỏa lồng bè với lộ trình cụ thể. Trong đó, đối với những lồng bè lấn chiếm mặt nước đã quy hoạch cho chức năng khác và những ngư cụ khai thác thủy sản bị cấm thì kiên quyết giải tỏa, xử lý theo quy định.