| Hotline: 0983.970.780

Người phụ nữ nghèo nuôi ba con tâm thần

Thứ Bảy 06/01/2018 , 07:30 (GMT+7)

Mong muốn có được một gia đình đầm ấm, hạnh phúc nhưng điều đó quá xa vời với bà Phạm Thị Côi (SN 1965, xóm 10, tổ 15 phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Chồng mất sớm, để lại cho bà 3 đứa con tâm thần, dù cả ba đã ở tuổi trưởng thành thế nhưng họ cứ như những đứa trẻ ngây ngô có lớn mà không có khôn.
 

Ba đứa con tâm thần

Vừa bước vào tới cổng nhà, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là chàng trai ngơ ngác, tay cầm cái que đang múa máy ở sân. Thấy khách lạ, bà Côi lau vội cái ghế ở sân mời tôi ngồi rồi chỉ tay về đứa con trai và nói: “Nó là con út trong gia đình, mặc dù đã ngoài 20 tuổi nhưng chẳng biết làm gì, cứ đờ đẫn như người mất hồn”.

11-09-32_nh_1
Bà Côi bên người con gái và con trai út, cùng cháu nội

Bà Côi kể, bà sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ lam lũ quanh năm, gia đình khó khăn. Năm 20 tuổi, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1963). Tưởng chừng con gái đầu lòng ra đời sẽ đem lại niềm vui cho hai bên gia đình nội, ngoại. Nhưng niềm vui ấy bỗng biến mất trong nỗi đau vô hạn khi người con gái ấy là chị Nguyễn Thị Thảo (SN 1988) sinh ra đã không được như người bình thường, bị bệnh não nặng, nhận thức kém, ốm đau triền miên.

Thương con, không chịu nỗi đau này, ông bà đành bán thóc, bán những vật dụng quý giá nhất trong nhà, vay tiền bố mẹ, người thân để đưa con gái lên bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh chữa bệnh nhưng vẫn không có một chút hi vọng.

Năm sau, bà Côi biết mình có tin vui nên gia đình rất mừng. Nhưng rồi, niềm vui ngắn chẳng tày ngang, anh Nguyễn Văn Hiếu (SN 1989) ra đời cũng không được khôn như bao đứa trẻ cùng trang lứa.

Hiếu sinh ra đã bị tàn tật bẩm sinh, não kém phát triển, nhận thức kém, thường xuyên ốm đau, khóc quấy, cơ thể còi cọc. Gia đình bà Côi cũng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tật của Hiếu chẳng giảm là bao.

Mong muốn có được đứa con lành lặn cho vui cửa, vui nhà, tám năm sau ông bà quyết định sinh thêm đứa con nữa nhưng người con thứ ba của gia đình là Nguyễn Văn Tuấn (SN 1996) ra đời cũng khỏe mạnh và kháu khỉnh. Nhưng ai ngờ đâu, càng lớn lên, Tuấn càng bộc lộ biểu hiện như người chị gái và anh trai.

“Ba đứa con của tôi sinh ra đều không được may mắn, chúng nhận thức kém, người cứ đờ đẫn như mất hồn, chẳng làm được việc gì. Hôm nào tâm lý ổn định thì không sao, chứ nhiều hôm chúng nó động kinh vớ được thứ gì là ném thứ đó. Nhiều lúc tôi còn bị thằng út cầm dao đuổi quanh nhà. Khổ lắm chú ạ”, bà Côi nói trong nước mắt.

Kể đến đây, bà Côi lau vội những giọt nước mắt, rồi than thở, chồng bà bị bệnh ung thư phổi nhiều năm liền, năm 2013 ông “về với tổ tiên”, để lại 3 đứa con ngây dại cho một mình bà chăm sóc và trông coi.

Người đàn ông trụ cột của gia đình ra đi mãi mãi, một mình bà bươm trải mọi thứ nghề để kiếm tiền nuôi con. Nhà có nuôi con lợn, con gà, bà Côi cũng phải đi xin lại cơm thừa ở các xóm trọ để về cho chúng ăn. Bởi, giá cám thì đắt, tiền lại không có nên lợn, gà nhà bà có gì ăn nấy, bữa đói bữa no.

“Mong muốn có được một gia đình đầm ấm, hạnh phúc nhưng điều đó quá xa vời với tôi. Nhiều đêm nằm giường mà cứ nghĩ ngợi, thấy mình tủi thân vô cùng, rồi lại nằm khóc một mình. Khoản nợ từ khi ông ý mất vẫn chưa trả được”, bà Côi buồn bã.

Bà Nguyễn Thị Thực, hàng xóm với bà Côi, cho hay, gia đình chị Côi cực kỳ hoàn cảnh, chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi ba đứa con ngớ ngẩn với 1 đứa cháu nội, mấy mẹ con có gì ăn nấy. Hàng xóm với nhau, tôi cũng chẳng giúp được gì nhiều, thi thoảng có món gì ngon thì cầm sang cho chị với các cháu ăn.
 

Cố gắng sống để nuôi các con

Có sức khỏe tốt hơn so với chị gái và em trai nên thi thoảng anh Hiếu vẫn được người hàng xóm thuê bốc gạch, đấy là những lúc tỉnh táo. Còn những hôm thần kinh không ổn định, anh cứ lang thang đi khắp nơi, đi chơi không biết đường về, bà Côi đành phải chạy đi tìm. Hôm tôi đến, anh vừa mới đi ra khỏi nhà được nửa tiếng.

Không được tỉnh táo như người khác nhưng rồi anh Hiếu cũng may mắn có một người phụ nữ tật nguyền ở xã bên bằng lòng cưới anh làm chồng. Có lẽ, đó cũng là niềm động viên lớn để bà Côi cố gắng vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống.

11-09-32_nh_2
Sổ lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng của 4 mẹ con bà Côi

Thế rồi, niềm vui được nhân đôi khi chị Trịnh Thị Hương, vợ anh Hiếu sinh hạ được cậu con trai kháu khỉnh, đến nay đã gần 2 tuổi. “May mắn, chúng nó đến với nhau rồi cũng sinh hạ được cháu trai kháu khỉnh. Nhìn đứa cháu nội mà tôi vui đến ngỡ khóc mấy đêm liền. Dù có bệnh tật, ốm đau đến mấy tôi cũng cố gắng chịu đựng để nuôi các con và cháu”.

Hàng tháng, mọi chi tiêu của cả 5 mẹ con và đứa cháu nội chỉ trông chờ vào số tiền Nhà nước trợ cấp hơn 1,5 triệu đồng và gần 2 triệu tiền lương của vợ chồng anh Hiếu đi làm thuê. Số tiền quá ít ỏi đối với gia đình bà Côi khi 4 đứa con thường xuyên ốm đau. Chưa kể, thời gian gần đây căn bệnh tim của bà nặng thêm nên sức khỏe bà Côi yếu đi nhiều.

Nhìn các con lớn dần, nhưng vẫn chỉ như một đứa trẻ ngây thơ, đến ngay cả việc sinh hoạt hàng ngày bà Côi cũng phải phụ giúp. “Tôi sẽ cố gắng sống để nuôi các con, chỉ mong ông trời thương tình cho tôi sức khỏe để tôi có sức làm lụng kiếm sống”, bà Côi mong muốn.

Những vất vả mà bà Côi đã trải qua không làm bà chùn bước. Thế nhưng nhìn đứa con ngây dại khiến bà Côi vừa tủi vừa đau đớn, bà lo khi không còn sống trên cõi đời này nữa thì ai sẽ chăm sóc những đứa con tội nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Hiền, Tổ trưởng dân phố tổ 15, phường Lê Hồng Phong xác nhận, gia đình chị Côi là một trong những hộ nghèo của xóm. Chồng mất sớm nên cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn.

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc xin gửi về bà Phạm Thị Côi (xóm 10, tổ 15 phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam); hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

(Kiến thức gia đình số 1)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm