| Hotline: 0983.970.780

Người thành phố cũng sống khỏe bằng nghề nông

Thứ Ba 22/10/2024 , 08:00 (GMT+7)

Hà Nội Được công nhận là phố, thị trấn từ năm 2005 nhưng phần lớn người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề nông, sản xuất được hàng triệu cây giống ăn quả mỗi năm.

Ông Hoàng Văn Lâm ở tổ dân phố An Lạc (thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) chỉ có 3.600m2 đất canh tác vừa của nhà vừa thuê mượn thêm, mỗi năm vẫn chiết, ghép được 20.000 cây giống ăn quả các loại, thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm.

Vợ chồng ông Lâm thu hoạch cây giống bán cho thương lái. Ảnh: Hải Tiến.

Vợ chồng ông Lâm thu hoạch cây giống bán cho thương lái. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Lâm cho biết vào thời kỳ cao điểm (năm 1996 – 2005), ông phải sản xuất gần 7.000m2 giống cây ăn quả các loại mới đáp ứng đủ nhu cầu thương lái thu mua. Nhờ vậy, vợ chồng ông chẳng những đủ tiền nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn mà còn còn xây được nhà hiện đại, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Ông Lâm bén duyên với nghề nhân giống cây ăn quả là nhờ ảnh hưởng của Trường Đại học Nông nghiệp 1 trên địa bàn (nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam). Khởi đầu ông chỉ học lỏm nghề qua các buổi dọn vườn thí nghiệm thuê cho trường này. Tới khi nắm vững được mọi kỹ năng chiết, ghép cây ăn quả, cũng là lúc thị trường sản xuất, kinh dinh doanh giống cây ăn quả bung ra mạnh mẽ.

Không bỏ lỡ cơ hội, ông Lâm đánh liều chuyển đổi toàn bộ gần 3.000m2 đất lúa của nhà để ươm, ghép giống các cây ăn quả thịnh hành nhất lúc bấy giờ như táo và các cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi). Bất ngờ, ông Lâm thắng đậm ngay trong năm hành nghề đầu tiên, hiệu quả sản xuất cây giống tăng 10 lần so với thâm canh lúa chất lượng cao trên cùng diện tích.

Vườn cây ổi giống mới ghép. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn cây ổi giống mới ghép. Ảnh: Hải Tiến.

Phấn khởi trước thành công ban đầu, cùng với tay nghề chiết, ghép ngày càng nâng cao, ông Lâm tiếp tục thuê thêm 3.000m2 đất canh tác nữa để mở rộng sản xuất cây giống. Bên cạnh nhân các loại cây giống như táo, cam, quýt, bưởi, ông còn sản xuất các cây giống nhãn, vải, xoài và hướng dẫn cho vợ và các con cùng biết ươm, ghép cây giống ăn quả. Nhờ vậy đến nay, cả gia đình ông Lâm đều làm chủ kỹ thuật ghép giống trên các cây ăn quả như na, nhãn, vải, ổi, xoài, bơ, sầu riêng, hồng xiêm, hồng không hạt và các giống táo... Từ nhiều năm nay, giống cây ăn quả của ông Lâm đã có mặt trên thị trường toàn quốc.

Để nâng cao thu nhập, ông Lâm luôn đi tắt đón đầu, tìm tòi nhân giống những dòng cây ăn quả đặc sản, độc, lạ, năng suất chất lượng cao, mới nhập nội vào nước ta hoặc đang còn lưu giữ tại các địa phương trong nước nhằm tranh thủ lúc thị trường chưa phổ cập để dễ bán được cây giống với giá cao. Cùng với đó, ông còn chú trọng trồng vườn cây mẹ, cây đầu dòng để tự chủ nguồn giống cho sản xuất và khai thác kinh doanh các loại mắt cây giống.

Vườn cây đầu dòng táo Đại mật Đài Loan của ông Lâm. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn cây đầu dòng táo Đại mật Đài Loan của ông Lâm. Ảnh: Hải Tiến.

Cứ hễ nghe tin ở đâu có giống cây ăn quả mới là ông Lâm lại tìm đến tận nơi, dò hỏi mua bằng được cây giống hoặc mắt giống về ươm trong vườn nhà, sau sản xuất cây giống xuất bán ra thị trường. Đáng chú ý, năm 2023, ông Lâm đã lên tận Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang mua được giống táo Đại mật Đài Loan mới nhập vào nước ta.

Qua trồng thử năm đầu cho thấy, cây cho quả khá to, đạt trung bình 0,2kg/quả, chất lượng ăn giòn, ngọt, thơm vượt trội so với các giống táo đại đang trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Dù giá quả táo này bán được tới 60.000 đồng/kg, ông Lâm vẫn xác định chăm sóc cây cho lấy mắt sản xuất giống là chính.

Được hỏi về những khó khăn của người sản xuất giống cây ăn quả ở đây, ông Lâm nói thẳng, nhiều năm nay chính quyền Thị trấn không củng cố, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng khiến việc đi lại sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào nhừng ngày trời mưa, mặt khác cũng chưa quan tâm thúc đẩy hình thành các mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất.

Để khắc phục những bất cập này, các hộ sản xuất cây giống phải tự góp tiền và công sức để củng cố những đoạn đường thiết yếu, giúp đi lại làm việc đồng áng bớt khó khăn. Ngoài ra, thị trường giống cây ăn quả mấy năm nay khá trầm lắng, bán chậm nên không ít chủ vườn sản xuất cây giống phải tạm thời tìm việc khác, làm thêm để "chống móm". Ông Lâm cũng nhận làm bảo vệ cho một cơ quan trên địa bàn Hà Nội nhưng hết ca trực mỗi ngày, ông vẫn về nhà ghép nhân giống cây ăn quả cùng gia đình để chờ giá các loại cây giống tăng cao trở lại.

Với những cây ăn quả yêu cầu điều kiện sinh thái đặc thù, không thể trồng được ở đồng bằng Bắc bộ, ông Lâm phải đến tận nơi, lựa chọn và đặt hàng mua mắt giống từ các cơ sở sản xuất và kinh doanh có uy tín cao. Ví dụ để nhân giống hồng không hạt, ông Lâm phải lên Sơn La hoặc Lạng Sơn, Phú Thọ mua mắt giống, hay nhân giống bơ, sầu riêng phải vào Tây Nguyên hoặc một số tỉnh ở đồng băng sông Cửu Long...

Xem thêm
Trang trại lợn công nghệ cao lớn nhất Quảng Ninh sắp đi vào hoạt động

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Greentech tại huyện Hải Hà có tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, sẽ vận hành vào cuối tháng 10/2024.

Chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi

THÁI NGUYÊN Tại huyện Phú Bình, có đến 70% số trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, 10 cơ sở chăn nuôi được cấp Chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh...

Siết quản lý chất lượng giống để tái canh cây có múi

Cây giống sạch bệnh bước ra từ nhà lưới chỉ là khâu đầu tiên trong một chuỗi quy trình gồm nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả sản xuất cây có múi.

Bình luận mới nhất