| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ cạn thuốc điều trị do trẻ mắc tay chân miệng tăng cao

Thứ Sáu 28/07/2023 , 09:07 (GMT+7)

TP.HCM Tại các bệnh viện Nhi trên địa bàn TP.HCM ghi nhận số trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng tăng cao, nhiều trẻ biến chứng nặng. Nguy cơ thiếu thuốc điều trị.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng đang được tích cực điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng đang được tích cực điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Số ca mắc tay chân miệng tăng tại tất cả các quận, huyện

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tuần thứ 29 (từ ngày 17-23/7), số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, với 2.356 ca, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước (1.455 ca).

Trong đó, các quận huyện có số ca mắc cao trên 100.000 dân bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú. 

Hiện 3 bệnh viện Nhi trên địa bàn TP.HCM gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố tăng cao, các bệnh viện phải huy động nhân lực và thuốc điều trị để đảm bảo điều trị tốt nhất cho các bệnh nhi trên địa bàn TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận chuyển đến.

Theo ghi nhận, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 khoảng một tháng nay, Khoa Nhiễm - Thần Kinh luôn tiếp nhận lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng cao hơn những tuần trước đây, với số bệnh nhi khoảng từ 130 - 150 ca/ngày. Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 138 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó 25% trẻ chuyển nặng cần phải theo dõi sát. 

BS.CKII Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dự báo trong những ngày tới số ca tiếp tục gia tăng. Do đó, Khoa đã tăng cường thêm giường điều trị, nâng tổng số giường điều trị có thể đáp ứng 300 giường; đồng thời các y bác sĩ cũng phải tăng ca liên tục để đảm bảo điều trị tốt nhất cho các bệnh nhi.

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 8 trẻ mắc tay chân miệng nặng, trong đó 7 ca thở máy và 1 ca phải lọc máu. 

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, số ca chuyển nặng từ độ 2 sang độ 3 trung bình khoảng 5 bệnh nhi/ngày. Mỗi ngày số ca nhập viện tăng lên sẽ khiến cho tình hình những ngày tới sẽ căng thẳng hơn, bởi hiện khoa chỉ có 20 giường hồi sức nhưng đã có tới 11 trẻ mắc tay chân miệng nặng, trong đó 5 trẻ phải thở máy. 

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng ghi nhận số trẻ nhập viện điều trị tay chân miệng tăng. Trong đó, có tới 80% số trẻ mắc tay chân miệng nặng được chuyển đến từ các tỉnh lân cận.

PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý bởi hiện nay bệnh tay chân miệng đã vào mùa và đang tăng cao, đặc biệt có sự xuất hiện của chủng EV71 là tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, bệnh nhi mắc tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời. 

Liên quan đến thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, thuốc Immunoglobulin (IVIG) điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng nặng hiện bệnh viện chỉ còn đáp ứng được khoảng 10 ngày. Ngoài ra, thuốc Phenobarbital dạng truyền tĩnh mạch đã hết, chỉ còn Phenobarbital dạng uống, có tác dụng an thần, giúp bệnh nhi mắc tay chân miệng nằm im, tránh kích thích, mau hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, lượng thuốc IVIG tại bệnh viện chỉ còn đáp ứng khoảng 1-2 tuần. Thời gian qua, các bác sĩ phải hội chẩn và cân nhắc kỹ, ưu tiên dùng thuốc cho những trường hợp nặng. 

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng từ các tỉnh lân cận đến khám và điều trị tại các bệnh viện Nhi trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: N.L.

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng từ các tỉnh lân cận đến khám và điều trị tại các bệnh viện Nhi trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: N.L.

Kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng cho các tỉnh phía Nam

Theo nhận định của các chuyên gia, với sự xuất hiện của biến chủng EV71 và tình hình hạn chế các thuốc thiết yếu trong điều trị bệnh tay chân miệng như IVIG, Phenobarbital truyền tĩnh mạch... tại các tỉnh phía Nam. Đây là nguyên nhân TP.HCM phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh/thành khác chuyển đến, trong đó có những ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch.

Tuy TP.HCM đã có chuẩn bị, nhưng cơ số thuốc dự trữ của Thành phố dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và thành phố luôn phải tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến như hiện nay.

Cụ thể, số lượng thuốc IVIG sử dụng mỗi ngày tăng từ 80 – 150 lọ (từ ngày 7-13/7) tăng lên đến xấp xỉ 200 lọ thuốc (từ 13/7 trở đi) và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi lượng tồn IVIG tại các bệnh viện hiện khoảng 2.400 lọ, và dự kiến đến cuối tháng 8/2023 mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo.

Trước tình hình trên, chắc chắn ngành y tế Thành phố có nguy cơ thiếu IVIG trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7/2023 trở đi hoặc có thể hết sớm hơn nếu tinh hình tiếp tục gia tăng nhanh.

Theo các chuyên gia, thuốc IVIG được chỉ định liều 1 đối với nhóm bệnh nhân tay chân miệng độ 2b nhóm 2, độ 3 hoặc độ 4; và liều 2 được chỉ định khi người bệnh chuyển độ nặng hơn hoặc triệu chứng của độ 3 chưa cải thiện.

Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện tuyến cuối của một số tỉnh/thành phố có năng lực trong công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng như Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai,... tiếp nhận điều trị người bệnh của các tỉnh lân cận nhằm đảm bảo các ca bệnh nặng được điều trị sớm và công tác chuyển bệnh được an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế sớm phê duyệt các đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG 15.000 lọ thuốc của một công ty với Bệnh viện Nhi đồng 1 để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm có chỉ đạo và giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng cho các tỉnh phía Nam.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, phụ huynh cần quan sát các dấu hiệu để phát hiện con em mình mắc tay chân miệng gồm: sốt (nhẹ đến cao), loét miệng, nổi hồng ban mụn nước, các vị trí thường gặp ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.