| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi vào Hà Nội rất cao

Thứ Sáu 05/10/2018 , 13:31 (GMT+7)

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, do tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố, nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào nên công tác quản lý dịch bệnh ở Thủ đô gặp nhiều khó khăn. 

Tại Hà Nội, có tới 988 cơ sở giết mổ với khoảng 4.000 con lợn mỗi ngày. Riêng cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc, mỗi ngày giết mổ từ 1.700 - 2.000 con, trong đó 70% nhập từ các địa phương khác.

16-06-35_1
Đoàn công tác kiểm tra tại trang trại lợn quy mô 300 - 400 con tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội)

Tiếp nối chuyến thị sát công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại các tỉnh biên giới, ngày 4/10, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, tổng đàn lợn của Hà Nội hiện nay khoảng 1,6 triệu con. Trong đó, có 283 Cty, xí nghiệp, HTX… chăn nuôi với khoảng 450 nghìn đầu lợn, chiếm 22% tổng đàn. Còn lại vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ tại các vùng ngoại thành.

Mỗi ngày, 988 cơ sở điểm giết mổ kiểm soát khoảng 4.000 con lợn, 200 con trâu, bò, 28.000 con gia cầm. Điển hình như cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), hàng ngày giết mổ khoảng 1.700 - 2.000 con lợn. Điều đặc biệt, 70% trong số đó lại được nhập về từ nhiều tỉnh bạn. Ông Sơn khẳng định, Hà Nội đang có nguy cơ nhiễm dịch tả lợn Châu Phi là rất cao.

Ông Chu Phú Mỹ, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội đồng ý với nhận định trên. Theo ông Mỹ, ngay sau khi nhận được công văn khẩn đối phó dịch tả lợn của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, Sở đã đôn đốc các quận, huyện nâng cao tinh thần phòng chống dịch. Đồng thời ra quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch, thời gian từ 1/10 - 30/12 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng phối hợp với các ngành Công thương, Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, Sở TT-TT… chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn vào địa bàn Thủ đô. 4 chốt kiểm dịch đầu mối giao thông kiểm soát vận chuyển lợn ra vào thành phố; 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú ý… cũng được tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

16-06-35_3
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị các địa phương không lơ là, phòng chống dịch kiểu phong trào

Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ, những ngày qua, qua kiểm tra, thị sát tình hình… nhìn chung công tác triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh của các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội là rất tích cực. Phía nước bạn Trung Quốc cũng áp dụng nhiều biện pháp dập dịch, kiểm soát biên giới chặt chẽ. Cho tới nay, dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhập vào Việt Nam nhưng nếu có sẽ rất nguy hại, gây ra hệ lụy khó lường cho ngành chăn nuôi, từ đó ảnh hưởng chung tới thương mại nông sản, hàng hóa.

Với địa bàn Hà Nội, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, dứt khoát phải rà soát lại việc tiêm phòng dịch bệnh, tuyên truyền cho người dân thường xuyên tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Tương tự là tại các trang trại, đặc biệt phải ký cam kết đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thứ trưởng nhấn mạnh, những việc này tuyệt đối không được làm kiểu phong trào mà phải thường xuyên, liên tục, đặc biệt là khi nguy cơ dịch bệnh khó lường như hiện nay.

Riêng với Cục Thú y, Thứ trưởng Tuấn đề nghị đơn vị này tham mưu để Bộ sớm ban hành bộ kỹ thuật, biện pháp lấy mẫu bệnh dịch. Khi phát hiện dấu hiệu dương tính với bệnh dịch, Cục phải báo cáo lên lãnh đạo Bộ bất kể giờ giấc. Cục Thú y cũng phải có trách nhiệm theo dõi sát sao thông tin từ các tổ chức thú y thế giới, lập lại đường dây nóng, chuẩn bị kế hoạch diễn tập tình huống khi dịch bệnh xảy ra.

Xét nghiệm bổ sung tất cả các mẫu bệnh phẩm

16-42-27_hinh1

Từ giữa tháng 8 đến nay, Cục Thú y đã thành lập 18 đoàn công tác đến các địa bàn trọng điểm về chăn nuôi, giáp biên giới và có nguy cơ về dịch bệnh của 54 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch...

Chủ động triển khai giám sát để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi, Cục Thú y đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống xét nghiệm bổ sung để xác định xem có virus dịch tả lợn Châu Phi hay không ở tất cả các mẫu bệnh phẩm của lợn được các tổ chức, cá nhân gửi đến các phòng thí nghiệm thuộc Cục từ đầu năm 2018 đến nay; lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam và các loại lợn nội địa phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển. Đến nay, tất cả 8 phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã thực hiện tốt việc xét nghiệm bệnh dịch tả lợn Châu Phi bằng kỹ thuật sinh học phân tử.

Cục cũng đề nghị các doanh nghiệp lớn chung tay triển khai các hoạt động phòng chống như đề nghị Cty CP Việt Nam hỗ trợ các nguyên vật liệu chẩn đoán, xét nghiệm.

Từ giữa tháng 8 đến nay, Cục Thú y đã thành lập 18 đoàn công tác đến các địa bàn trọng điểm về chăn nuôi, giáp biên giới và có nguy cơ về dịch bệnh của 54 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời, Cục Thú y thành lập 8 Đội ứng phó nhanh để xử lý, ngăn chặn kịp thời nếu phát hiện bệnh có virus dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. 

Theo đại diện Cục Thú y, được sự phối hợp của Cty CP Việt Nam, Cty CEVA Việt Nam, Cục đã mời chuyên gia quốc tế về bệnh dịch tả lợn Châu Phi tập huấn cho trên 100 cán bộ kỹ thuật chủ chốt của các đơn vị trực thuộc và doanh nghiệp chủ lực về chăn nuôi lợn. Đến nay, cả nước chưa phát hiện có virus bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

 

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.