| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo bị kiện

Thứ Tư 21/06/2023 , 14:18 (GMT+7)

Cuộc đời nhà báo thì cũng đôi lần bị kiện tụng nếu đã dấn thân. Tuy rằng, nhà báo không sai, nhưng đơn thư vẫn gửi đến…

Khi mới bước chân vào nghề, tôi có mời anh bạn là một nhà báo có tiếng lúc đó để đãi đằng một bữa và xin anh cho “tầm sư, học đạo”. Khi đã hết hai thùng bia, thì anh nhìn tôi đăm đăm rồi phán: “He he, nhìn bản mặt chú mày mà dấn thân vô cái nghề này thì cũng phải đôi ba lần bị kiện đó nha”. Tôi hoảng hồn. Quái lạ, đã làm nhà báo sao còn… bị kiện.

Quả không sai, tôi đã 3 lần bị kiện, bên kiện có đóng dấu đỏ hẳn hoi chứ không phải nặc danh…

Có “quý nhân phù trợ”…

Ấy là một ngày hè nắng đổ lửa, tôi nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của một bà mẹ. Bà không nói rõ sự tình mà khẩn khoản “mời” tôi về nhà để nói rõ thiệt hơn. Hôm sau, tôi kéo thêm một đồng nghiệp trẻ đi cùng tìm đến nhà bà cụ. Bà cụ dẫn chúng tôi ra con đường đi vào nhà đã bị rào chắn bằng dây kẽm gai. Trên con đường đã bị xe ủi san phẳng màu đất còn mới, bà cụ bảo, đây là con đường đi vào nhà tôi có gần hai chục năm nay. Hai bên đường có trồng hai dãy cây phi lao đã lớn lắm. Tháng trước, tôi đi Hải Phòng thăm con. Khi về thì đường đã bị người ta phá, lại còn rào chắn nên phải đi vòng sang vườn nhà hàng xóm kế bên.

Hỏi thêm mới biết, người “chỉ đạo” phá đường, dựng hàng rào, lấn đất đang là đương nhiệm cán bộ lớn của huyện. Không lẽ, giữa “mùa hè lại có tuyết rơi”. Tôi hừng hực máu nóng quyết bảo vệ cho bà cụ lấy lại công bằng.

Tôi chỉn chu làm bài viết lên tiếng về vụ việc này. Hơn một tháng sau, cơ quan báo nhận được công văn của HĐND huyện với 3 trang đánh máy nêu bật là phóng viên đã xuyên tạc sự thật, nói xấu cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện. Kèm theo đó là đơn của ông Phan Văn P. (cán bộ lãnh đạo huyện), tố cáo nhà báo dựng chuyện ông lấn chiếm đường đi và yêu cầu cung cấp chứng cứ việc này.

Cái gay cấn là nhà ông P. ở mặt tiền, nhà bà cụ ở đằng sau. Cả hai nhà đều nằm ở bìa khu dân cư, tiếp giáp với một cơ sở máy nông nghiệp bỏ hoang nên việc tìm chứng cứ cũng nan giải. Những người hàng xóm ở xa khi hỏi thì đều cho rằng không biết vụ việc hoặc sợ uy của ông P. mà không dám nói sự thật.

Đang lo lắng tìm chứng cứ thì tình cờ tôi gặp một anh thợ ảnh. Qua câu chuyện, anh thợ ảnh này mới hẹn tôi hôm sau gặp lại. Hôm sau, anh bảo, bữa ấy, em đi chụp ảnh dạo, tình cờ qua đó, thấy người ta cắt cây và xe ủi đường. Cảnh lao động cũng đẹp nên đứng lại chụp mấy tấm ảnh để gửi đăng báo. Lại tình cờ đọc bài báo của anh mới biết việc này. Em đổi cho anh cuộn phim này lấy cuộn phim mới thôi nha.

Tôi tặng luôn cho anh bạn thợ ảnh hai cuộn phim Konica mới mua ở tiệm về. Ảnh được in ra rõ nét, đúng nội dung và những hình ảnh nhà cửa hai bên không thể phản bác được.

Nghề báo và nhà báo phải dấn thân và đủ bản lĩnh trên con đường tìm đến sự thật. Ảnh: Quang Bình

Nghề báo và nhà báo phải dấn thân và đủ bản lĩnh trên con đường tìm đến sự thật. Ảnh: Quang Bình

Để có thêm chứng cứ, tôi tìm đến đơn vị thuế của huyện, tìm hiểu xem những năm gần đây gia đình ông P. đã nộp thuế đất với diện tích bao nhiêu. Hồ sơ lưu trữ cho thấy tiền nộp thuế ít hơn nhiều so với diện tích đất vườn mà ông P. đã viết trong đơn tố cáo.

Vậy là chắc ăn. Tôi viết thêm bài hồi âm nói rõ những vấn đề mà bài báo lần trước chưa đề cập đến. Sau bài hồi âm, không thấy phía huyện và ông P. có thêm ý kiến gì. Mấy tháng sau nữa, hay tin ông P. đã bị kỷ luật do những sai phạm mà báo chí nêu. Tôi cũng không vui gì mà thấy chạnh lòng buồn. Giá như ông P. nhận thấy sai và sửa…

Khi đồng nghiệp “kê đòn”…

Những năm ấy, rừng ở huyện miền núi T.H còn nhiều gỗ quý lắm và lâm tặc như làm chủ trong rừng…

Tôi có chuyến ngược rừng, băng qua con suối sâu và rộng bằng thuyền để vào bản C. Tìm hiểu chuyện lâm tặc phá rừng ở đây. Làm quen với ông C.D, một người đàn ông trung niên ở bản để nhờ dẫn đường lên rừng thẳm. Tôi đưa ra giá tiền công cho chuyến đi khá cao nên ông C.D nhận lời đưa đường.

Cung đường toàn đi ngược dốc. Có những dốc như dựng đứng, trơn tuột làm cho chuyến đi thật nhọc nhằn. Lên một con dốc cao, thấy mấy cây gỗ lớn bị chặt hạ nằm vắt qua đường. Ông C.D bảo: “Đây là mấy cây gỗ táu bà con chặt để làm nhà”. Thêm ba con dốc nữa mới đến địa điểm lâm tặc phá rừng.

Hàng chục cây gỗ lớn đã bị cắt hạ bằng cưa máy. Cây gỗ lớn được cưa thành từng đoạn dài 3 mét và bị xẻ thành gỗ tấm. Gỗ tấm đã bị lấy đi hết, chỉ còn lại phần bìa còn tươi rói. Lâm tặc còn mở con đường rộng chạy chéo về suối để kéo gỗ xuống. Quanh khu vực này, có mấy cái lán mà lâm tặc dựng lên để ở trong thời gian vào rừng khai thác gỗ.

Lúc đó, lâm tặc sử dụng cưa máy loại động cơ 2 thì nên đổ xăng phải có pha dầu nhớt theo tỷ lệ. Xăng thì đựng trong can 20 lít, khi hết xăng thì mang can về dùng cho chuyến sau. Nhưng dầu nhớt thì được mua từng can nhỏ (loại 1,2 lít) đóng trong hộp nhựa màu xanh, vàng rất đẹp. Thấy trước lán lâm tặc còn vứt lại mất cái vỏ can dầu nhớt, ông C.D cầm hai cái nói mang về nhà để đựng dự trữ dầu thắp sáng. Khi ông C.D hai tay cầm hai vỏ nhựa đi qua một gốc cây lớn mà lâm tặc đã cưa hạ, đúng lúc tôi đưa máy ảnh chụp gốc cây và thu gọn hình ảnh ông đi qua…

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng trong chuyến xuyên rừng vào điểm khai thác trái phép tại rừng huyện T.H. Ảnh: Quang Bình

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng trong chuyến xuyên rừng vào điểm khai thác trái phép tại rừng huyện T.H. Ảnh: Quang Bình

Hai kỳ báo về thực trạng phá rừng đang diễn ra ở huyện T.H có sức hút với độc giả. Cầm tờ báo mới in thơm mùi mực, tôi an tâm quay ra theo học lớp báo chí. Chưa đầy tháng sau, tôi nhận được điện thoại về cơ quan để giải trình hai bài báo phá rừng vì có đơn khiếu nại.

Vào cơ quan, mấy đồng nghiệp trẻ nói nhỏ, hai bài báo phá rừng ở T.H của anh bị kiện đấy. Đơn gửi cho cả Tỉnh ủy nữa và bên Kiểm tra Tỉnh ủy sang để làm việc đó.

Công văn của huyện T.H đóng dấu đỏ chót do Chủ tịch UBND huyện ký cho rằng bài báo viết sai sự thật. Vụ phá rừng do tác giả dựng lên chỉ là việc bà con đồng bào dân tộc ở bản C khai thác gỗ làm nhà theo dự án nhà ở cho đồng bào dân tộc mà Chính phủ đề ra.

Kèm theo công văn là bản phôtô bài báo kín trang của báo T. với nội dung phản ánh nhà báo của báo T. tham gia cùng đoàn công tác do huyện T.H lập để đi kiểm tra sự việc mà tôi đã phản ánh trước đó. Trong bài báo của báo T. nhận định là tôi phiến diện, không tìm hiểu kỹ vấn đề mà dựng chuyện phá rừng trên cơ sở cây gỗ đồng bào khai thác theo dự án. Bài báo cũng dẫn lời ông C.D là không dẫn đường cho phóng viên báo chí nào vào rừng cả…

Công văn huyện T.H cũng đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ, cơ quan báo có hình thức buộc thôi việc với tác giả đã viết sai sự thật. Nghĩa là nếu tôi sai chắc chắn bị buộc thôi việc và còn bị ra tòa như chơi.

Hôm sau, trước khi đoàn công tác của Tỉnh ủy đến làm việc với Ban biên tập, tôi in thêm khoảng chục tấm ảnh hiện trường. Tấm ảnh có ông C.D đi qua gốc cây, trước lán lâm tặc trên tay cầm 2 vỏ nhựa màu xanh được tôi xếp lên hàng đầu để Ban biên tập chứng minh về sự thật của hai bài báo. Vì lúc đó, bên Tỉnh ủy chỉ làm việc với lãnh đạo cơ quan báo. Trong trường hợp là bài báo sai thì mới “triệu tập” tác giả làm việc tiếp theo. Tôi cũng đề nghị tỉnh thành lập đoàn kiểm tra vụ việc tại khu vực rừng bị phá và có tôi tham gia đoàn.

Tôi nhận được chỉ đạo phải ở cơ quan cho đến khi kết thúc buổi làm việc. Có nghĩa là phần việc tiếp theo là tôi chứ không còn cơ quan nữa. Quá trưa, buổi làm việc vẫn chưa kết thúc, mấy anh em phóng viên cũng căng thẳng chờ đợi. Duy chỉ có tôi là biết mình không thể sai dù chi tiết nhỏ nhất.

Phóng viên Báo NNVN tại điểm rừng vùng giáp ranh biên giới Việt - Lào bị khai thác trái phép. Ảnh: Quang Bình

Phóng viên Báo NNVN tại điểm rừng vùng giáp ranh biên giới Việt - Lào bị khai thác trái phép. Ảnh: Quang Bình

Khi đoàn công tác bước xuống cầu thang thì anh em mới thở phào. Tôi không bị gọi lên phòng họp có nghĩa là không sai. Ngay sau đó, tôi được gọi lên phòng lãnh đạo. Nội dung mà tôi nhận chỉ thị là: báo viết không sai. Tuy nhiên, vụ việc không được xới lên nữa, cũng không có đoàn kiểm tra tại hiện trường, báo cũng không đưa thêm thông tin về vụ việc.

"Ngày mai, cậu ứng tiền công tác phí và quay ra trường để học. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng gọi điện cho tôi lưu ý với cậu là không viết vụ phá rừng này cho những báo khác đấy”, lãnh đạo vỗ vai tôi nói nhẹ.

Dọa đánh và đơn tố cáo

Thời gian này, tôi làm thường trú Báo Nông nghiệp Việt Nam tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Đầu năm 2008, một nhóm 4 nông dân là các anh Ngô Minh Phiện, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Thuận Thưởng, Lê Văn Lương (ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã dũng cảm làm đơn tố cáo cán bộ xã hành vi tiêu cực của một số cán bộ xã trong việc đền bù giải phóng mặt bằng đường 70.

Sau khi tố cáo, những nông dân này đã bị đe doạ, hành hung liên tục. Có người bị đánh phải nhập viện, có người bị chèn ép buộc người thân phải rời khỏi cán bộ địa phương hay con cái bị ngăn cản, gây khó khăn khi làm thủ tục đi học. Thậm chí, những ngày Tết, những gia đình này đã bị xã cắt điện sinh hoạt và kéo dài cả tháng trời…

Sau khi tìm hiểu vụ việc, thu thập chứng cứ, gặp gỡ các nhân chứng và lãnh đạo huyện, tôi viết và đăng loạt bài “Quảng Trị: Những người tố cáo tiêu cực liên tục bị đe doạ” trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Loạt bài như “điểm tựa” cho những nông dân trong thời gian tiếp tục đi đến sự thật.

Có những lần, khi nhóm phóng viên chúng tôi về hỗ trợ các nông dân tố cáo tiêu cực đối chất với lãnh đạo xã do huyện tổ chức đã bị nhóm đối tượng bị xúi giục quá khích có lời lẽ mạt sát, phá rối và dọa sẽ chặn đường đánh khi chúng tôi quay về. Buổi đối chất cứ kéo dài dây dưa đến lúc trời tối mới kết thúc. Những nông dân này lại dũng cảm đi sát cạnh chúng tôi như để bảo vệ và sẵn sàng phản kháng nếu các đối tượng quá khích làm liều.

Sau đó, Ban Biên tập cũng đã nhận được đơn tố cáo của chính quyền địa phương với nội dung phóng viên viết sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín tổ chức Đảng, chính quyền địa phương.

Phóng viên Nguyễn Tâm Phùng gặp gỡ, trao đổi với 4 nông dân chống tiêu cực tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quang Bình

Phóng viên Nguyễn Tâm Phùng gặp gỡ, trao đổi với 4 nông dân chống tiêu cực tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quang Bình

Vụ việc sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập tổ công tác kiểm tra làm rõ. Căn cứ kết luận kiểm tra, Huyện uỷ, UBND huyện Vĩnh Linh đã ra các quyết định kỷ luật đối với tập thể, cá nhân là lãnh đạo chủ chốt của xã Vĩnh Thành như Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ có liên quan vì những hành vi vi phạm như đơn tố giác của các nông dân. Cả 3 nông dân đã được cấp có thẩm quyền tặng Giấy khen vì thành tích chống tiêu cực.

Sau này, tôi còn nhiều lần gặp lại anh Ngô Minh Phiện, lần nào anh cũng ôm lấy tôi xúc động: “Lúc đó, chúng tôi như đã đến đường cùng rồi và nghĩ là chỉ có thiệt thân mà thôi. May mà có các anh em phóng viên đồng hành trong thời gian khó khăn đó. Các anh như đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để tiếp tục đương đầu. Một số cán bộ xã liên quan đã ra tòa nhận án. Giá mà họ đừng cố chấp, biết sai và sửa sai thì bà con cũng sẽ rộng lượng thôi mà”.

Xem thêm
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại Thái Bình

Chiều 6/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái và cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy, Thái Bình).

Thái Nguyên hoàn thiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 54,9% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Thái Nguyên. Do đó, rất cần chính sách đất đai tạo điều kiện phát triển dân tộc thiểu số.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Người nuôi dưỡng những ước mơ giữa đại ngàn:[Bài 2] Trọn niềm tin vào giới trẻ

Quảng Bình Chỉ còn mấy năm nữa là nghỉ hưu nhưng thầy Sáu vẫn không muốn rời bản để thấy được các em như những cánh chim bay đi rồi quay trở về xây dựng bản làng…