Đưa miếng gỏi cá kiến vàng cuốn lá sung vào miệng, từ từ nhai… vị chua chua, chan chát, ngòn ngọt, beo béo, thơm nồng… cùng hòa quyện trên đầu lưỡi.
Mới nhìn đã nổi da gà
Trong chuyến đi dài về làng Le của đồng bào Rơ Măm ở xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ngoài những câu chuyện kỳ bí, tôi còn có cơ hội thưởng thức món “độc” có từ hàng trăm năm trước của dân tộc ít người nhất Việt Nam này. Đó là món gỏi cá sống trộn kiến vàng.
Già làng làng Le, ông A Blong kể, người Rơ Măm vốn sống hòa mình với núi rừng, săn bắt, hái lượm bằng những công cụ thô sơ, nên tất cả những món ăn hàng ngày của đồng bào cũng đậm chất dân dã, sơ sài.
Món gỏi cá trộn kiến vàng xuất phát từ câu chuyện một nhóm người đi rừng, lạc mãi trong rừng sâu, họ đi mãi mà không săn được con thú nào, mưa tầm tã nên họ không thể đốt lửa. Đến bờ suối, họ dừng nghỉ chân, vừa đói vừa mệt, thấy mấy con cá nhỏ bắt được lúc đi treo toòng teng trên cây đã bị đàn kiến vàng bu kín. Một người đói quá nên lấy một con cá đưa lên miệng cắn, nhai luôn cả những con kiến bu bên ngoài, với tay vặt vội nắm lá rừng bên cạnh ăn chung cho bớt tanh. Thật lạ, càng nhai càng thấy ngọt, bùi, béo, mà không thấy mùi tanh của cá.
Vậy là cả nhóm người ào xuống suối, bắt cá lên, tổ kiến vàng ngay trên cây, họ rũ xuống tay, ăn chung với cá và lá rừng. Ai nấy đều cảm thấy rất ngon miệng. Món ăn này sau đó được dân làng truyền tai nhau đến ngày nay. Không những thế, gỏi cá kiến vàng còn trở thành món ăn truyền thống, không thể thiếu trong các lễ hội lớn, và dùng để đãi khách quý.
“Không biết lời giải thích này có đúng không. Chỉ biết nó là món ăn đặc trưng để người Rơ Măm luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn”, ông A Blong nói.
Ông A Blong cho biết, món ăn này mặc dù đơn giản, nguyên liệu chỉ cần ra suối, ra rừng một lát về là có, nhưng là món ăn đặc trưng của đồng bào. Kiến vàng và trứng là món ăn hàng ngày, có thể nấu canh, trộn gỏi, xào với rau, thịt thú rừng. Món ăn không chỉ ngon mà còn có công dụng mát gan, tiêu độc. Riêng trứng kiến vàng là món ăn bổ dưỡng. Giải thích một hồi, cuối cùng ông chốt bằng câu: “Để tôi bảo thằng A Khải ra suối bắt mấy con cá về làm đãi anh. Nhanh thôi”.
Khi mặt trời gần lên đỉnh núi thì A Khải về, trên tay xách một xâu cá mới bắt ngoài suối, con nào còn nấy còn giãy đành đạch. A Khải vào bếp, chọn ra vài con to cỡ 3 - 4 ngón tay, làm sạch ruột, dùng muối chà sát trong bụng cá, bên ngoài, xong rửa lại. Khi những con cá ráo nước, anh bắt đầu lọc xương, thái lát mỏng. Bàn tay thuần thục của anh cho thấy, có lẽ anh đã làm món này từ bao năm nay.
“Tôi nhìn cha tôi làm món này từ bé, nên lớn lên chẳng cần ai dạy cũng biết làm. Làm món này qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ, muốn gỏi cá kiến vàng ngon, phải chọn đúng loại cá, nêm nếm gia vị đúng liều. Lọc cá cũng phải biết cách, nếu không sẽ không lọc hết xương, ăn không ngon”, A Khải nói.
Sau khi những con cá được thái xong, A Khải bắt đầu công đoạn thứ 2 là băm nhuyễn cá, tiếng dao nhịp nhàng trên thớt gỗ làm xao động cả một góc làng Le. Món cá sau khi băm nhuyễn được trộn chung nhiều loại rau thơm, tiêu, ớt xanh, muối. Rồi A Khải dùng đôi bàn tay rắn chắc nắm cá trên tay vắt kiệt nước. “Giờ vào rừng lấy kiến và lá rừng trộn nữa là xong”, A Khải nói rồi bưng thau cá vừa băm nhuyễn, xăm xăm đi vào rừng. Chúng tôi bước theo.
A Khải cho biết, kiến vàng trong rừng rất nhiều, trong vườn nhà cũng có. Kiến vàng là một trong những loài côn trùng có ích đối với cây trồng, chúng ăn các loại sâu, côn trùng gây hại khác. Đặc biệt, trứng kiến vàng to như hạt gạo, thơm, béo, ăn rất ngon. “Vì thế, khi lấy kiến mình phải thật nhẹ nhàng, không lấy hết trứng, không làm xáo trộn cây cối khu vực kiến làm tổ. Nếu không chúng sẽ tan đàn, những con kiến sẽ lang thang như người không có nhà”, A Khải nói.
Thực sự là rất ngon!
Khi thấy tổ kiến, A Khải một tay hứng thau cá phía dưới, tay còn lại anh dùng sống dao gõ nhẹ vào tổ kiến, sau đó rung nhẹ cành cây. Những con kiến vàng rơi lả tả xuống thau cá phía dưới, bò quềnh quàng.
Sau khi thau cá đã lúc nhúc đàn kiến vàng, A Khải tách tổ kiến, gõ nhẹ, những hạt trứng kiến to cỡ hạt gạo, màu trắng đục, rơi lả tả xuống thau cá. Anh buông tổ kiến, ngồi bệt xuống lớp lá rừng khô, tiếp tục nhào, trộn món gỏi cá, kiến. “Xong rồi, để một lát cho kiến thấm vào cá nữa là ăn thôi”, A Khải nói.
“Riêng trứng kiến, có 2 cách trộn, đó là trộn chung ngay từ đầu, bóp nhuyễn cùng kiến, cá. Cách này khiến trứng nát, tan với cá, kiến, khi ăn cảm nhận được ngay vị béo của trứng. Còn cách thứ 2 là trứng để riêng, sau khi bóp nhuyễn cá và kiến xong mới cho trứng kiến vào trộn nhẹ. Trứng không nát, khi ăn có cái thú vị là cảm nhận từ từ những hạt trứng kiến vỡ trong miệng”, A Khải nói.
Trở lại nhà A Khải, đã có sẵn một rổ lá sung, lá lộc vừng để sẵn. Già làng A Blong khoan khoái ngồi xuống nền nhà, bốc một miếng gỏi cá, đặt lên lá sung, cuốn và đưa lên miệng, vùa nhai chầm chậm vừa xuýt xoa. Sau đó ông làm một cuốn tương tự, dúi vào tay tôi.
Cầm miếng gỏi cá trong tay, tôi chầm chậm đưa lên mũi…, không thấy mùi tanh của cá sống, chỉ thấy mùi chua chua, thơm nồng của tiêu, ớt, mùi ngai ngái lá sung, tôi nhắm mắt đưa vào miệng, từ từ…nhai. Cảm giác ớn ớn ban đầu dần mất đi. Thay vào đó là cảm nhận vị chua, chát, bùi, béo, ngọt trên đầu lưỡi. Có lẽ, cảm giác ghê chỉ là do thị giác, khi nhìn thấy cá sống, những con kiến bò lổm ngổm, và những động tác nhào nặn… bằng tay không.
Buổi tối, chúng tôi tìm đến nhà già A Ren, một trong những bô lão có uy tín, được lòng người dân nhất ở làng Le. Ông không chỉ được dân làng tin tưởng chọn là người tắm máu cho thần Yang Plut, mà còn là một trong những cây đại thụ về văn hóa truyền thống Rơ Măm. Khi chúng tôi đến, tình cờ thấy ông cũng đang làm món gỏi cá kiến vàng, mặc dù trời đã sập tối.
“Bắt kiến vàng dễ lắm, không cần vào rừng đâu, chỉ cần mắc ít cá hay thịt sống lên cành cây, một lát kiến vàng kéo đến đủ làm món gỏi cá rồi. nhưng không có trứng. Kiến vàng làm nhiều món lắm, nấu canh, xào thịt, ăn sống với rau, nhưng ngon nhất là làm gỏi cá. Kiến vàng có vị chua, trộn với cá sống, để một lúc là cá hết mùi tanh, cá cũng chín luôn. Vì kiến vàng có chất axit mà. Gỏi cá của người Rơ Măm chúng tôi từng đoạt giải ở cái hội thi nấu ăn của tỉnh rồi đấy”, già A Ren tự hào.
Đa số mỗi tộc người thiểu số ở Tây Nguyên đều sở hữu một hay nhiều món ăn truyền thống, thể hiện nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình. Đồng bào Rơ Măm có món gỏi cá kiến vàng, đồng bào Ê đê có món măng nướng xào “vêch” bò (lòng bò được làm rất kì công để loại bỏ mùi hôi, đem xào với măng đã nướng chín). Đồng bào Cơ Tu có món “Ra rá” (các món thịt rừng hay ếch, chim, cá trộn với măng, các loại gia vị, cho vào ống lồ ô nướng lên), đồng bào Cor có món ong vò vẽ trộn măng…, đều là những nét văn hóa ẩm thực riêng vô cùng đặc sắc”.
Bà Đậu Ngọc Hoài Thu, Phó trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VH-TT&DL Kon Tum