Hoàn cảnh ra đời của quy định dán nhãn trên thực phẩm biến đổi gen thế nào thưa ông?
Luật An toàn Thực phẩm số 55 năm 2010 định nghĩa “Thực phẩm biến đổi gen là thực phẩm có một hoặc nhiều thành phần nguyên liệu có gen bị biến đổi bằng công nghệ gen” và quy định “Đối với một số thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ “thực phẩm biến đổi gen”. Nghị định số 38 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm yêu cầu “Tổ chức, cá nhân lưu thông thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa còn phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa” và giao “Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết việc ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen”.
Triển khai thực hiện nghị định ấy có Thông tư liên tịch số 45 năm 2015 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ để hướng dẫn. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) được giao chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, kiểm tra việc thực hiện trong phạm vi toàn quốc đối với sản phẩm được phân công quản lý.
Mục tiêu của thông tư đó là gì thưa ông?
Theo hướng dẫn tại thông tư, thực phẩm biến đổi gen phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, trong đó ghi bằng tiếng Việt cụm từ “biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm. Đối với những sản phẩm có diện tích để ghi nhãn nhỏ hơn 10cm2 thì trên nhãn bắt buộc phải có tên hàng hóa và cụm từ “biến đổi gen”; những nội dung bắt buộc còn lại không thể hiện trên nhãn thì phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa.
Thông tư liên tịch không áp dụng đối với: Thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn có thành phần nguyên liệu biến đổi gen nhưng không phát hiện được gen hoặc sản phẩm của gen bị biến đổi trong thực phẩm; Thực phẩm biến đổi gen tươi sống, thực phẩm biến đổi gen chế biến không bao gói, trực tiếp bán cho người tiêu dùng và thực phẩm biến đổi gen sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh.
Như vậy đậu phụ sản xuất từ đậu tương biến đổi gen bao gói sẵn thuộc đối tượng phải ghi nhãn biến đổi gen, nếu đậu tương sử dụng để sản xuất đậu phụ có tỷ lệ biến đổi gen >5%. Đậu phụ sản xuất từ đậu tương biến đổi gen nhưng không bao gói và trực tiếp bán cho người tiêu dùng sẽ không thuộc đối tượng phải ghi nhãn theo hướng dẫn tại thông tư.
Mục đích của việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen là cung cấp thông tin thực hiện quyền lựa chọn của người tiêu dùng theo quy định của Luật An toàn Thực phẩm. Thực phẩm biến đổi gen theo Luật An toàn Thực phẩm phải tuân thủ các điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm quy định tại điều 10 của luật, đồng thời phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường theo quy định của Chính phủ.
Cụ thể là đảm bảo các quy định về điều kiện cấp giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm theo trình tự, thủ tục cấp. Đến tháng 6/2021 Việt Nam đã cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi đối với 52 sự kiện biến đổi gen. Các sự kiện biến đổi gen được cấp giấy xác nhận là đủ điều kiện làm thực phẩm đảm bảo an toàn đối với sức khỏe con người.
Ta mới có một số phương pháp phân tích để phát hiện sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen được nghiên cứu, xây dựng và ban hành dưới dạng tiêu chuẩn Việt Nam. Mới có rất ít phòng thí nghiệm được công nhận hoặc chỉ định kiểm tra, phát hiện sinh vật và sản phẩm biến đổi gen nên công tác kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen hầu như chưa thực hiện được.
Có tính chất bắc cầu nào không giữa sản phẩm biến đổi gen cho phép làm thức ăn chăn nuôi và thực phẩm của con người thưa ông?
Các sự kiện biến đổi gen được cấp chứng nhận an toàn sinh học đối với môi trường và đa dạng sinh học là đảm bảo an toàn để phóng thích vào môi trường, nghĩa là được phép sử dụng để trồng trọt, chăn thả như cây trồng, vật nuôi truyền thống. Các sự kiện chuyển gen được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi là các sự kiện đảm bảo an toàn đối với sức khỏe người, vật nuôi có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên sự kiện biến đổi gen được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi không đồng nghĩa với việc sử dụng làm thực phẩm hoặc nguyên liệu chế biến thực phẩm. Còn sự kiện biến đổi gen được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vì vậy các giấy xác nhận đều ghi rõ đủ điều kiện làm thực phẩm hay chỉ đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi.
Ở Việt Nam theo ông đã xuất hiện thực phẩm biến đổi gen hay chưa vì tôi thấy ở trong các cửa hàng, siêu thị không hề có sản phẩm nào ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen?
Tại Việt Nam đến nay không có số liệu thống kê về thực phẩm biến đổi gen được công bố chính thức, nhưng đã có một số bài báo thông tin về việc phát hiện một số thực phẩm, nguyên liệu chế biến thực phẩm có chứa protein biến đổi gen. Việt Nam đang nhập một số lượng lớn ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương từ các nước châu Mỹ làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất dầu thực vật. Các quốc gia xuất khẩu ngô, đậu tương cho Việt Nam là các quốc gia hàng đầu thế giới về trồng ngô, đậu tương biến đổi gen, trong đó có quốc gia yêu cầu phải bắt buộc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen, nhưng quốc gia khác lại không yêu cầu ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen.
Việc nhập sản phẩm biến đổi gen về bảo làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại làm thực phẩm cho người có giống như giai đoạn trước chúng ta nhập bo bo về bảo làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại làm thực phẩm cho người hay không thưa ông?
Ngô, đậu tương không chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi mà còn được sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu chế biến thực phẩm. Vì vậy có thể doanh nghiệp nhập khẩu ngô, đậu tương cho mục đích sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng các doanh nghiệp, người sử dụng trung gian có thể sử dụng cho mục đích làm thực phẩm, chế biến thực phẩm. Vì vậy ngô, đậu tương biến đổi gen và các sản phẩm sản xuất từ ngô, đậu tương biến đổi gen nhập khẩu đều phải ghi nhãn biến đổi gen theo hướng dẫn tại thông tư này.
Những con vật ăn thức ăn biến đổi gen thì thịt, sữa, trứng của chúng có liên quan gì không thưa ông?
Không liên quan gì bởi chúng ta từ khi học phổ thông đều đã biết quá trình đồng hóa và dị hóa. Thức ăn đưa vào cơ thể thông qua quá trình trao đổi chất được chuyển hóa thành năng lượng phục vụ các hoạt động của cơ thể hoặc tái tạo thành các tế bào của cơ thể. Thịt, sữa, trứng từ vật nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi biến đổi gen không khác thịt, sữa, trứng từ vật nuôi sử dụng thức ăn truyền thống, vì vậy không gây ảnh hưởng khác bất lợi đối với sức khỏe người.
Trường hợp sử dụng vật nuôi biến đổi gen làm thực phẩm, nguyên liệu chế biến thực phẩm, cần phải tuân thủ các quy định về đánh giá rủi ro đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người và chỉ được phép sử dụng làm thực phẩm khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Công nghệ biến đổi gen tạo sinh vật biến đổi gen là thành tựu của cả nhân loại, biến những thứ chưa từng xảy ra trong tự nhiên thành hiện thực như cây có khả năng kháng sâu, khi sâu ăn vào là chết thay vì phải sử dụng thuốc hóa học. Giai đoạn đầu chúng ta chưa đủ cơ sở, chưa đủ phương tiện để đánh giá về sinh vật biến đổi gen. Nhưng trải qua thời gian dài học tập kinh nghiệm từ các nước có nền công nghệ sinh học phát triển và quá trình xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, Việt Nam gần như đã có khả năng quản lý, sử dụng và phát triển sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen phục vụ sản xuất và đời sống xã hội.