| Hotline: 0983.970.780

Nhiều địa phương 'khóa cứng' địa bàn vì sợ trách nhiệm

Thứ Ba 28/09/2021 , 08:51 (GMT+7)

'Nếu vẫn mỗi tỉnh chống dịch mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được?', TS Nguyễn Sỹ Dũng bày tỏ quan điểm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng. 

Bày tỏ quan điểm tại tọa đàm tham vấn kinh tế - xã hội cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì ngày 27/9, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng điều quan trọng nhất để phục hồi kinh tế là chuyển đổi mô hình chống dịch.

Ông cho rằng, mô hình chống dịch trong năm 2020 đúng đắn, nhưng đã kéo quá dài và gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội.

"Thủ tướng đề cập đến việc chuyển đổi mô hình chống dịch từ "Zero Covid" sang "sống chung với dịch". Chúng ta không thể phong tỏa cứng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trong thời gian dài như vừa qua được nữa", ông Dũng nêu quan điểm.

Một trong những rào cản để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, là quan điểm và hành động của các địa phương hiện đang rất khác nhau. Nguyên nhân sâu xa nằm ở người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch. Hệ quả, là chỉ cần có vài ca nhiễm trên địa bàn, đa số các địa phương sẽ phản ứng bằng cách “khóa cứng” địa bàn, gây đứt gãy các hoạt động kinh tế, xã hội.

Một trong những ví dụ của việc "khóa cứng", đó là không cho chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối hoạt động, mà chỉ cho siêu thị hoạt động. TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhận xét, biện pháp này gây ảnh hưởng lớn tới người nghèo, những người có thu nhập thấp trong xã hội.

Thống kê cho thấy, khoảng 29,3 triệu người không có việc làm, thu nhập không có hoặc giảm sâu trong thời gian dịch bệnh. Dù vậy, họ lại không tiếp cận được với những mặt hàng giá rẻ tại chợ, mà phải mua qua siêu thị với chi phí cao hơn. Ngoài ra, việc chợ truyền thống đóng cửa thì những người sản xuất nhỏ, lẻ xung quanh các đô thị lớn cũng không thể tiếp cận siêu thị được.

"Nếu chuyển đổi mô hình chống dịch, cần mở cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối trước vì hàng triệu người phụ thuộc vào hoạt động của các chợ này", ông Dũng phân tích.

Khi chuyển đổi mô hình chống dịch trong thực tế, ông Dũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương phải mạch lạc trong chính sách.

Nhiều hoạt động sản xuất đứt gãy khi việc phòng chống dịch bệnh cứng nhắc ở một số địa phương.

Nhiều hoạt động sản xuất đứt gãy khi việc phòng chống dịch bệnh cứng nhắc ở một số địa phương.

"Nếu vẫn mỗi tỉnh một kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được? Chúng ta phải rất nghiêm túc xem lại với cách thức như hiện nay thì các nhà đầu tư đang muốn chuyển đổi các chuỗi cung ứng có muốn tìm đến chúng ta hay không", ông nói.

Một chuyện quan trọng khác được ông Nguyễn Sỹ Dũng chỉ ra là lao động. Nghịch lý lao động tại Việt Nam là không lưu thông dòng chảy của nguồn lực này. Các khu công nghiệp ở TP. HCM, Bình Dương đang thiếu trầm trọng lao động, nhất là sau đợt bùng phát thứ tư khiến hàng triệu người trở về quê. Đây là vấn đề mang tính chiến lược, bởi các chuỗi cung ứng toàn cầu không đứt gãy được. Nếu không có biện pháp kéo người lao động trở lại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nền kinh tế có thể bị thiệt hại kẹp.

Trên cơ sở mong muốn Quốc hội tham gia tích cực hơn nữa vào quản trị quốc gia, TS. Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị các Ủy ban của Quốc hội phải tích cực tổ chức các phiên giải trình. Một số nội dung, ông Dũng kêu gọi tập trung trong thời gian tới, như: chuyển đổi mô hình chống dịch, tiêm vacxin, tái tổ chức sản xuất sau giãn cách...

"Các Ủy ban của Quốc hội cần làm việc với các cơ quan chuyên môn, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải giải trình mạch lạc để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, minh bạch của chính sách. Đây là vấn đề rất quan trọng để chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay", ông Dũng khẳng định.

    Tags:
Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện cụ Bầm tháo dỡ bàn thờ tổ tiên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

'Mình hết lòng vì Tổ quốc thì tổ tiên sẽ ủng hộ, phù hộ chứ các cụ có làm gì ảnh hưởng đến con cháu đâu mà sợ', chị Nhàn thuật lại lời kể.