| Hotline: 0983.970.780

Nhiều đối tượng được thụ hưởng kết quả dự án quản lý sâu keo mùa thu

Thứ Năm 21/12/2023 , 07:18 (GMT+7)

Đối tượng thụ hưởng trực tiếp Dự án 'Mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam' là Cục BVTV và Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam” (triển khai năm 2023) với sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã góp phần nâng cao nhận thức của của nông dân, cán bộ bảo vệ thực vật (BVTV) và cơ quan quản lý nhà nước về quản lý sâu keo mùa thu bền vững thông qua đào tạo TOT, FFS, hội thảo và chiến dịch truyền thông đại chúng.

Lớp đào tạo giảng viên TOT nguồn về quản lý sâu keo mùa thu bền vững. Ảnh: TL.

Lớp đào tạo giảng viên TOT nguồn về quản lý sâu keo mùa thu bền vững. Ảnh: TL.

Các tiến bộ kỹ thuật được thử nghiệm và cung cấp sẵn cho nông dân sản xuất nhỏ để có thể quản lý sâu keo mùa thu hại ngô thông qua quy trình phòng chống tổng hợp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý dịch hại xuyên biên giới.

Cục BVTV, chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh được thụ hưởng trực tiếp từ việc cử cán bộ tham gia huấn luyện thành giảng viên TOT nguồn thông qua các lớp TOT (30 học viên/lớp) trong thời gian tập trung 5 ngày/lớp. Sau thời gian trên, lực lượng giảng viên nguồn này sẽ về địa phương tiếp tục huấn luyện giảng viên cấp tỉnh hoặc tập huấn cho nông dân ở địa phương về quản lý sâu keo mùa thu bền vững trên cây ngô.

Bên cạnh đó, nông dân hiểu được cách thức quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ngô thông qua việc học tập lý thuyết và thực hành ngay trên đồng ruộng. Từ đó, nhận định và lựa chọn biện pháp chăm sóc, xử lý sinh vật gây hại phù hợp với thực tế sản xuất. Đồng thời hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Đối tượng thụ hưởng gián tiếp của dự án là cán bộ ngành BVTV, các địa phương, nông dân Việt Nam, người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Từ các cơ chế chính sách, có thể áp dụng để mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững. Nội dung và khung chương trình huấn luyện TOT, FFS, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ngô nói chung, sâu keo mùa thu nói riêng đã giúp cán bộ ngành BVTV, các địa phương xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển đồng bộ các mô hình quản lý sâu keo mùa thu bền vững trên toàn quốc. Từ đó, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng IPM/IPHM để sản xuất đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững; người tiêu dùng trong nước và quốc tế được hưởng lợi từ sản phẩm trồng trọt áp dụng IPM/IPHM.

Dự án 'Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam' đã góp phần phòng chống hiệu quả sâu keo mùa thu hại ngô ở nước ta. Ảnh: Trung Quân.

Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam" đã góp phần phòng chống hiệu quả sâu keo mùa thu hại ngô ở nước ta. Ảnh: Trung Quân.

Các giảng viên nguồn được huấn luyện trong dự án khi trở về địa phương sẽ huấn luyện cho cán bộ BVTV khác và nông dân trong tỉnh về quản lý sâu keo mùa thu bền vững trên cây ngô bằng biện pháp tổng hợp, thân thiện với môi trường thông qua các chương trình, dự án, kế hoạch của địa phương.

Bên cạnh đó, 11 tỉnh sẽ được lựa chọn triển khai mô hình phòng chống sâu keo mùa thu với các lớp học hiện trường kèm theo (đây là các tỉnh có nhiều diện tích trồng ngô, bị sâu keo mùa thu gây hại nặng). Các mô hình và lớp học hiện trường về phòng chống sâu keo mùa thu này sẽ là hạt nhân giúp truyền thông, lan tỏa cho nông dân ở các địa phương.

Thông qua tăng cường năng lực, thể chế của hệ thống BVTV quản lý tổng hợp dịch hại theo phương pháp tiếp cận quản lý sâu keo mùa thu bền vững, sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học độc hại. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn, cải thiện sinh kế của nông dân sản xuất nhỏ và bền vững với môi trường.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.