| Hotline: 0983.970.780

Nhiều khách hàng bị lừa ở dự án dân cư số 1 Tây Nam thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ Năm 20/12/2018 , 10:32 (GMT+7)

Sau khi không còn khả năng trả nợ ngân hàng, thay vì gặp người dân đã mua đất dự án để bàn cách tháo gỡ, ông Hoàng Huy Hiển, Tổng giám đốc Cty Ô Cấp, lại “bắt tay” với một số doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ “thừa nước đục thả câu”, thâu tóm dự án, bán nhiều nền đất đã có chủ..

17-16-14_nh_2
Một góc dự án Khu dân cư Số 1 tây Nam

Dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam nằm ở xã An Ngãi và thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do Cty CP Phát triển nhà Ô Cấp là chủ đầu tư. Sau khi nhận tiền mua đất nền dự án dưới hình thức góp vốn và làm xong GCN QSDĐ (sổ đỏ), thay vì giao cho người mua, chủ đầu tư lại mang số sổ này đi thế chấp ngân hàng để vay tiền.

Nợ xấu lên đến 130 tỷ đồng, ngân hàng buộc phải phát mãi số sổ thế chấp. Một số doanh nghiệp sau khi hợp tác mua lại số sổ này, đã thao túng dự án, rao bán tràn lan. Điều đáng nói, dự án sai ngay từ khi bắt đầu triển khai.

17-16-14_nh_1
Phần lớn diện tích dự án Khu dân cư Số 1 tây Nam vẫn là đất trống, bãi chăn thả bò và những ngôi nhà xây dở dang

Sau khi không còn khả năng trả nợ ngân hàng, thay vì gặp người dân đã mua đất dự án để bàn cách tháo gỡ, ông Hoàng Huy Hiển, Tổng giám đốc Cty Ô Cấp, lại “bắt tay” với một số doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ “thừa nước đục thả câu”, thâu tóm dự án, bán nhiều nền đất đã có chủ. Nhiều vụ xung đột xảy ra giữa các “chủ mới” của dự án với người dân, giữa 2 người dân cùng “đồng sở hữu” 1 nền đất.

Bà Nguyễn Kim Yến, 60 tuổi, ở Q.7, TP.HCM cho biết, năm 2007, bà ký hợp đồng với ông Hoàng Huy Hiển, Tổng giám đốc Cty Ô Cấp, mua 2 nền đất dự án khu dân cư Số 1 Tây Nam bằng hình thức góp vốn, mỗi nền 90m2 với giá 176, 4 triệu đồng/nền. Bà đã thanh toán các đợt theo hợp đồng được 95% tổng số tiền cả 2 nền.

“Theo hợp đồng, không quá 18 tháng, phía Cty Ô Cấp sẽ giao sổ đỏ, vậy mà đến nay, sau 11 năm, mẹ con tôi vẫn không thấy sổ đỏ đâu. Mới đây tôi mới biết, ông Hiển đã mang toàn bộ số sổ đỏ của chúng tôi đi cầm ngân hàng vay tiền. Sau khi không có khả năng trả nợ, ông Hiển còn bán dự án cho các doanh nghiệp khác, để họ kéo người đến mua bán ì xèo. Tôi cho rằng ông Hiển đã lừa chúng tôi”, bà Yến nói.

17-16-14_nh_5
Lo sợ nền của mình bị bán cho người khác, nhiều người xây bờ bao, viết chữ, ghi số điện thoại...

Còn ông Phạm Quang Kim, ở P.9, TP Vũng Tàu cho biết, ông ký hợp đồng góp vốn vào Cty mua 2 nền và thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng, tổng cộng 641 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua vẫn không hề nhận được sổ đỏ dù đã biết vị trí đất, số thửa và thực địa tại dự án.

“Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu gặp lãnh đạo Cty Ô Cấp để giải quyết nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhiều hộ dân mong muốn được lấy lại đất đã ký kết trong hợp đồng”, ông Kim bức xúc. 

Tương tự, năm 2012, ông Hà Ngọc Dự, ở P. Thắng Nhất, TP Vũng Tàu, cũng mua một nền của dự án, đã góp 90% giá trị hợp đồng, công ty cam kết sau 24 tháng sẽ bàn giao nền và sổ đỏ, nhưng đến nay, giấy CNQSDĐ không thấy mặt mũi đâu, từ đó đến nay, nhiều lần ông và gia đình đến gặp đại diện Cty để hỏi nhưng chỉ được người đại diện khất và hứa.

“Gần đây, chúng tôi thấy rất nhiều người môi giới nhà đất lấy danh nghĩa công ty này công ty kia, dẫn khách đổ xô đến giới thiệu và bán chồng lấn lên các nền mà người dân đã mua của Cty Ô Cấp từ trước, khiến tình hình an ninh trật tự ở quanh đây rất phức tạp”, ông Dự lo lắng nói.

...nhưng nhiều chỗ viết lên là bị xoá

Theo tài liệu chúng tôi có được, dự án có khoảng 1.200 nền đất, với 950 khách hàng là cổ đông góp vốn. Mỗi cổ đông đã góp từ 50% đến 90%, một số đã đóng 100% số tiền theo giá trị hợp đồng. Và từ năm 2008, thời điểm người dân bắt đầu nộp tiền góp vốn mua nền đất, Cty Ô Cấp sau khi có tiền, làm xong giấy CNQSD đất, đã mang thế chấp sổ đỏ cho 5 ngân hàng để vay tiền đầu tư.  

“Việc ông Hoàng Huy Hiển, TGĐ Cty Ô Cấp nhận tiền làm sổ đỏ cho hàng trăm người dân mua đất nền dự án rồi mang sổ đi cầm cố ngân hàng, gây nợ xấu, lại bán cho doanh nghiệp khác, là sai trái. Vụ việc liên quan đến hợp đồng góp vốn giữa người dân và Cty Ô Cấp là tranh chấp dân sự. Riêng hành vi của ông Hiển, hiện cơ quan điều tra công an tỉnh cũng đã vào cuộc điều tra, xác minh xem có dấu hiệu hình sự hay không”, ông Trần Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Long Điền.

Đến năm 2016, số nợ ngân hàng đã lên đến hơn 130 tỷ, trở thành nợ xấu, không còn khả năng trả lãi và Cty Ô Cấp đang trên bờ vực phá sản. Lúc này, Cty Thu Hà (trụ sở ở P. Phước Hưng, TP Bà Rịa) đã bỏ tiền mua lại số sổ đỏ mà ông Hiển, TGĐ Cty Ô Cấp đã cầm trong ngân hàng.

Ông Hiển không chỉ sang lại phần nợ ngân hàng, mà còn sang lại toàn bộ dự án Khu dân cư Số 1 Tây Nam cho Cty Thu Hà, không cần biết dự án đã có hàng trăm người dân đóng tiền mua nền theo hình thức góp vốn. Nội dung hợp đồng sang nhượng dự án này ghi rõ, Cty Thu Hà có toàn quyền sự dụng dự án số 1 Tây Nam. Tuy nhiên, hợp đồng này sau đó đã không hoàn thành do ông Hiển cho rằng, bên Thu Hà đã vi phạm về thời gian. Mặc dù vậy, Cty Thu Hà cũng đã mua lại số sổ đỏ mà ông Hiển cầm cố trong 4 ngân hàng, tổng số tiền gần 40 tỷ. Hiện Cty Ô Cấp còn nợ ngân hàng Eximbank số tiền cả gốc và lãi gần 60 tỷ.

Sau khi “chuộc” số sổ đỏ từ ngân hàng, Cty Thu Hà liên doanh với một số doanh nghiệp và cá nhân khác, rao bán đất nền dự án số 1 Tây Nam với tư cách là chủ nhân mới của dự án, những lô đất người dân góp vốn mua trước đó nhiều năm cũng được Cty Thu Hà rao bán tràn lan trên mạng và qua sàn giao dịch tại Sài Gòn, Bình Dương (điển hình là Cty Hiệp Thành Land, Bình Dương) dẫn đến tình trạng một nền đất bán cho nhiều người. Hàng tuần, các sàn giao dịch bất động sản đưa rất nhiều khách hàng đến xem đất, mua nền có cả bảo kê.

Sau khi không còn khả năng trả nợ ngân hàng số tiền hơn trăm tỷ đồng, ông Hoàng Huy Hiển đã sang nhượng cả dự án Khu dân cư Số 1 Tây Nam cho nhóm Thu Hà - Minh Phương

Trình bày với chúng tôi, ông Đỗ Văn Tiến, ở P.9, TP Vũng Tàu cho biết: “Năm 2012, tôi ký hợp đồng mua 1 nền của Cty Ô Cấp theo hình thức góp vốn. Diện tích 90m2 với giá hơn 176 triệu đồng. Tình cờ mới đây, tôi biết nền đất của tôi đã bị ông Đỗ Văn Sỹ, giám đốc Cty CP Địa ốc Hiệp Thành, ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ký bán cho ông Triệu Duy Trinh, ở Q.10, TP.HCM”.

Liên hệ với ông Trinh để xác minh vụ việc, ông cho biết: “Đúng là vợ chồng tôi có mua một nền ở dự án số Tây Nam cách đây 2 tháng, bên bán là Cty Hiệp Thành ở Bình Dương, nền 90m2, giá 648 triệu đồng. Nhưng sau đó có người gọi tôi, nói nền đó đã có chủ. Tôi làm việc lại với Cty Hiệp Thành thì họ hủy hợp đồng mua bán, trả lại toàn bộ tiền mua cho tôi”. Ông Trinh còn cho biết thêm: “Cty Hiệp Thành quảng bá dự án số 1 Tây Nam này dữ lắm, họ nói đây là dự án của họ, họ đến từng nhà đưa đón chúng tôi ra tận nơi tham quan dự án. Đợt đi cùng xe với tôi, có bác lớn tuổi ở chợ Bàn Cờ, Q.3 và 2 chị em ở Q.5, mua một lúc mấy nền”.

Có mặt tại dự án số 1 Tây Nam, chúng tôi thấy đất còn trống trải mênh mông, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, dù thời gian hoàn thành dự án là năm 2019. Nhiều nền đất người dân đã mua, được xây bờ rào cao hơn 1m, vây xung quanh miếng đất, bên trong dựng “cột mốc”, ghi dòng chữ, đất đã có chủ, kèm số điện thoại chủ nhân.

Tuy nhiên, rất nhiều chữ và số điện thoại của chủ đất sau khi viết lên bằng sơn, đã bị ai đó cạo đi, hoặc quét xi măng nước lên.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, ở P. Thắng Tam, TP Vũng Tàu cho biết: “Sau khi nhóm Thu Hà - Minh Phương mua lại số sổ đỏ của bà con mà ông Hiển cầm trong ngân hàng, họ ngang nhiên tuyên bố, dự án này giờ là của họ. Sau đó, họ chẳng cần biết nền nào đã có người mua rồi, nền nào chưa, họ rao bán tuốt. Vì thế mới có chuyện 1 nền bán cho 2 người.

Tôi lo có người mua nền của mình mà không biết, rồi xảy ra tranh chấp, rắc rối, nên xây tường bao xung quanh, viết số điện thoại ra ngoài bờ bao bằng sơn hẳn hoi, vậy mà cứ viết lên lại có người đến xóa. Có lần, tôi đang viết thì có 2 thanh niên lại nói, đây là đất của công ty họ, đừng có viết mất công, viết rồi họ cũng xóa à. Tôi không dám nói gì, vì thấy họ bặm trợn quá nên sợ”.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm