| Hotline: 0983.970.780

Nhiều ngư dân khốn đốn vì 'tàu vỏ thép 67'

Thứ Tư 06/04/2022 , 07:25 (GMT+7)

Vay vốn ngân hàng đóng tàu theo Nghị định 67 nhưng khai thác không hiệu quả, nhiều ngư dân chấp nhận để tàu nằm bờ rồi dần lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 ở Quảng Ngãi hoạt động không hiệu quả nên chủ tàu đành chất nhận cho nằm bờ. Ảnh: K.X.

Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 ở Quảng Ngãi hoạt động không hiệu quả nên chủ tàu đành chất nhận cho nằm bờ. Ảnh: K.X.

Khó có khả năng trả nợ

Tháng 12/2016, con tàu vỏ thép mang số hiệu QNa 93455TS, công suất 814CV trị giá 16,3 tỷ đồng đóng theo Nghị định 67 của ông Đỗ Văn Tiến (58 tuổi, trú xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) chính thức hoàn thành và hạ thủy. Ông Tiến kỳ vọng con tàu này sẽ vững vàng vươn khơi, hiệu quả khai thác tăng lên và mang lại nguồn lãi lớn cho gia đình.

Thế nhưng, những gì xảy ra sau đó lại hoàn toàn ngược lại. Liên tiếp những chuyến ra khơi của con tàu đều trở về trong tình cảnh thua lỗ, những bạn thuyền trước đây từng nhiều năm gắn bó lần lượt bỏ ông Tiến ra đi. Khó khăn ngày một chồng chất nên sau 2 năm, chủ tàu đành chấp nhận cho tàu nằm bờ. Qua 1 thời gian dài không hoạt động, con tàu dần xuống cấp, các thiết bị hoen gỉ. Đến tháng 11/2021, tàu được thanh lý với mức giá 1,5 tỷ đồng (chưa đến 10% giá trị ban đầu).

“Với giá thanh lý như thế thì hiện nay gia đình tôi vẫn đang nợ ngân hàng 14 tỷ đồng. Trước đây mình là người làm chủ, mỗi năm không chỉ giúp cho bạn thuyền có việc làm, thu nhập mà gia đình còn có lãi 1 khoản không nhỏ. Vậy mà bây giờ mình phải đi làm thuê, làm mướn cho người ta, kiếm từng đồng sống qua ngày. Số tiền nợ hàng tỷ đồng bây giờ không biết làm cách nào để trả”, ông Tiến buồn bã nói.

Bi đát hơn là trường hợp của ông Phạm Trí Thức (67 tuổi, trú thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Với 30 năm gắn bó với nghề biển, tài sản mà ông Thức gầy dựng được là 3 con tàu vỏ gỗ với tổng công suất 1.000CV hoạt động rất hiệu quả, mỗi năm mang lại cho gia đình tiền tỷ.

Nghị định 67 ra đời, được sự động viên, khích lệ, ông Thức vay vốn gần 15,8 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi để đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, phát triển kinh tế. Năm 2017, con tàu mang số hiệu QNg 91999TS của ông Thức hạ thủy, vươn khơi.

Năm đầu tiên, con tàu này hành nghề đánh bắt trên vùng biển xa gặp khó khăn. Thuyền viên trên tàu chưa quen hành nghề trên tàu vỏ thép nên hiệu quả khai thác hải sản không cao. Đầu 2018, ông Thức nợ quá hạn nên bị Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi khởi kiện lần đầu. Hai bên sau đó đạt được thỏa thận hòa giải, ngân hàng rút đơn.

Cuối năm đó, tàu ông Thức gặp lốc xoáy bất ngờ mất 158 tấm lưới, thiệt hại 2 tỷ đồng. Không còn tiền, không thể vay vốn nên ông đánh miễn cưỡng cho tàu nằm bờ để rồi không còn thu nhập, khoản nợ của ông ngày càng chồng chất. Tình thế này đã khiến ông bị ngân hàng khởi kiện lần 2 vào năm 2019.

Ông Phạm Trí Thức (trú thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đứng trước nguy cơ bị 'siết nhà' vì không có khả năng trả nợ sau khi đóng tàu vỏ thép. Ảnh: K.X.

Ông Phạm Trí Thức (trú thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đứng trước nguy cơ bị "siết nhà" vì không có khả năng trả nợ sau khi đóng tàu vỏ thép. Ảnh: K.X.

Gia đình ông Thức đã gửi đơn xin cứu xét và kiến nghị đến rất nhiều cơ quan ban ngành nhưng vẫn không thể thoát được cảnh nợ nần. Năm 2021, tàu vỏ thép QNg91999TS bị ngân hàng bán đấu giá với số tiền gần 2 tỷ đồng vì chủ tàu không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng theo hợp đồng.

Mới đây, gia đình ông nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục thi hành án dân sự Thành phố Quảng Ngãi, sẽ kê biên ngôi nhà hơn 120m2 đang ở. Theo Nghị định 67, con tàu là tài sản thế chấp, nhưng Nghị định này không cấm việc ngư dân và ngân hàng thỏa thuận có tài sản đảm bảo khác. Để vay vốn ngân hàng, ông Thức đã cầm cố sổ đỏ ngôi nhà đang ở. Khi mất khả năng chi trả, gia đình ông đứng trước nguy cơ bị mất luôn cả nhà.

Nguyên nhân và vướng mắc

Những trường hợp như ông Tiến, ông Thức chỉ là số ít trong nhiều ngư dân đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, tỉnh này có 9 tàu đóng theo Nghị định 67 đang nằm bờ trong đó tàu vỏ thép chiếm tới 8 chiếc, hiện Ngân hàng đang làm thủ tục thanh lý. Ông Long cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc không mong muốn này.

Theo đó, thực tế khai thác cho thấy, cùng 1 nghề đánh bắt nhưng tàu vỏ thép xoay xở nặng nề, phí tổn cao hơn, cần nhiều lao động hơn tàu vỏ gỗ. Nếu như các tàu vỏ gỗ làm cùng nghề chỉ cần 7 – 8 lao động thì tàu vỏ thép cần từ 12 – 15 lao động. Trong khi đó, sản lượng đánh bắt cũng tương đương nhau. Bạn thuyền trên tàu vỏ thép thu nhập thấp nên bỏ đi tìm tàu khác có thu nhập cao hơn. Không tìm ra bạn thuyền, tàu đành chấp nhận nằm bờ.

Những con tàu vỏ thép sau nhiều năm không vươn khơi bị xuống cấp, thời điểm thanh lý có giá trị rất thấp. Ảnh: L.K.

Những con tàu vỏ thép sau nhiều năm không vươn khơi bị xuống cấp, thời điểm thanh lý có giá trị rất thấp. Ảnh: L.K.

Ngoài ra, các tàu vỏ thép thiết kế cho các nghề không phù hợp với truyền thống khai thác của ngư dân Quảng Nam, ngư dân không có kinh nghiệm nên hoạt động khai thác không hiệu quả, chẳng hạn như nghề lưới rê. “Bên cạnh đó, ngư dân cũng chưa tiếp cận, bắt kịp được các tiến bộ khoa học kỹ thuật lúc tàu vỏ thép ra đời. Lẽ ra để vận hành các tàu này thì cần được đào tạo bài bản nhưng ngư dân chủ quan, không trang bị kiến thức cho nghề cá hiện đại, dẫn đến việc tàu hiện đại nhưng vận hành nghiệp dư”, ông Long nói.

Cũng như Quảng Nam, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 62 tàu vay vốn đóng theo Nghị định 67, trong đó có 11 tàu vỏ thép. Trong số các tàu vỏ thép này thì có đến 80% tàu hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc nằm bờ. Trong khi đó, các khoản vay của các chủ tàu ở ngân hàng đã quá hạn nên lãi quá hạn phát sinh khá lớn, ngư dân không có nguồn tài chính để trả được lãi quá hạn.

Khi các khách hàng trên phát sinh nợ quá hạn, ngân hàng đã nhiều lần làm việc với chủ tàu tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn; đánh giá tình hình hiệu quả kinh doanh; các nguồn tài chính để trả nợ…Tuy nhiên, chủ tàu không đến làm việc với ngân hàng theo thư mời, không hợp tác với ngân hàng về các đề xuất xử lý tài sản.

Từ thực tế này, ông Võ Phiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế xử lý rủi ro đặc thù riêng cho vay theo Nghị định 67 để áp dụng chung cho toàn hệ thống Ngân hàng và hỗ trợ ngân sách xử lý rủi ro cho các Ngân hàng thương mại đã dùng nguồn vốn tự huy động để cho vay theo Nghị định.

“Đề nghị Bộ NN-PTNT có văn bản ý kiến với doanh nghiệp Bảo hiểm tiếp tục thực hiện bán bảo hiểm đối với những tàu cá vay vốn theo Nghị định 67, tránh hiện tượng từ chối bán bảo hiểm do yếu tố chủ quan hoặc chỉ bán bảo hiểm tượng trưng với giá trị thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực của con tàu và so với số dư nợ vay tại Ngân hàng, điều này không những gây thiệt hại cho ngư dân và cả thiệt hại cho Ngân hàng nếu không may xảy ra rủi ro”, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.