| Hotline: 0983.970.780

Giữa 'thành trì' hủ tục [Kỳ cuối]: Gian nan đường thoát đói, nghèo

Thứ Năm 10/11/2022 , 06:05 (GMT+7)

Đakrông (Quảng Trị) đặt mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2030. Mục tiêu ấy liệu có hoàn thành khi 'thành trì' hủ tục đang trở thành vấn nạn?

Hết hỗ trợ, mô hình cũng kết thúc

Đầu tháng 10/2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị nghiệm thu mô hình trồng 1ha chuối lùn bản địa tại xã A Ngo (huyện Đakrông, Quảng Trị). Cũng như nhiều mô hình đã từng triển khai tại A Ngo và một số xã trên địa bàn, cây chuối lùn bản địa được đánh giá thành công, năng suất, sản lượng và chất lượng đều đạt kỳ vọng. Thế nhưng, lãnh đạo xã A Ngo không khỏi lo lắng.

Empty

Những mô hình khuyến nông hiệu quả như chuối lùn bản địa liệu có được nhân rộng để đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào? Ảnh: TTKN Quảng Trị.

Bài liên quan

Với chừng ấy diện tích, sản phẩm chỉ có thể bán lẻ trong vùng. Nhưng ở vùng đất nghèo nàn này, giá cả cho hầu hết các mặt hàng nông sản đều thấp, hiệu quả kinh tế liệu có đạt và duy trì được lâu dài? Trong khi đó, việc mở rộng diện tích để biến thành vùng sản xuất hàng hóa ở vùng đất này không dễ thực hiện.

Ba năm trước, ông Hồ Tất Huấn, cán bộ huyện Đakrông được tăng cường về A Ngo làm chủ tịch UBND xã. Có thời gian dài công tác tại địa phương nhưng chính ông Huấn cũng chưa tìm ra được con đường để đưa kinh tế vùng đất này đi lên.

“Một số mô hình kinh tế trước đây triển khai chưa được bài bản. Chúng tôi cũng đã nhiều lần họp bàn để tìm cây con phù hợp với vùng đất này. Thực tế, sau các mô hình được hỗ trợ, việc duy trì và phát triển sản xuất của đồng bào đúng là rất hạn chế”, ông Huấn chia sẻ.

Ông Huấn cũng kỳ vọng, mô hình chuối lùn bản địa đang triển khai tại A Ngo và một số xã lân cận sẽ đem về hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Tuy nhiên, đây là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, diện tích đất canh tác ít ỏi nên để trồng cây gì thành vùng hàng hóa cũng gian nan.

“Giao thông từ vùng đất này kết nối với bên ngoài rất khó khăn. Mặc dù đã rất nỗ lực kêu gọi nhưng hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào đầu tư. A Ngo vẫn phải dựa vào nông nghiệp, dựa vào những cây trồng bản địa có lợi thế như chuối lùn bản địa, nếp than và đang định hướng trồng cây dược liệu”, vẫn lời ông Huấn.

Empty

Mô hình lúa nếp than dù rất triển vọng nhưng đã không phát huy được hiệu quả kinh tế. Ảnh: UBND xã A Ngo.

Cũng theo ông Huấn, một bộ phận là người đồng bào Pako Vân Kiều ở địa phương vẫn còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, nhiều mô hình dù thực hiện đạt kết quả tốt nhưng khi hết hỗ trợ thì lại khó phát triển, nhân rộng.

Trưởng thôn A Rong dưới Hồ Văn Lam cho rằng, chính việc hỗ trợ cây trồng vật nuôi cũng chưa đem lại hiệu quả cao bởi người đồng bào không có kiến thức, kỹ năng để xử lý dịch bệnh.

“Có người nhận bò về, bò chết. Nhận gà về, gà chết mà không biết lý do, không làm sao để phát triển kinh tế. Đa phần người dân vẫn quen với cách trồng trọt, chăn nuôi truyền thống, không hiểu kỹ thuật chăm sóc. Vì vậy, nhiều hộ nghèo vẫn hoàn nghèo”, trưởng thôn Hồ Văn Lam chia sẻ.

Đây là tình trạng chung của nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay của huyện Đakrông.

Theo số liệu từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đakrông, địa phương này có 78,6% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện lên tới trên 49% (hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm trên 97%).

20221004_100852

Đến bao giờ, cuộc sống đồng bào Pako Vân Kiều ở Đakrông mới bớt cơ cực? Ảnh: Võ Dũng.

Toàn huyện có 13 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí còn thấp, nguồn lực eo hẹp. Lực lượng lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, phương thức sản xuất lạc hậu, mang nặng tập quán cũ. Việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất còn rất hạn chế.

Gian nan phá bỏ ‘thành trì’ hủ tục

Kinh tế hết sức khó khăn nhưng việc xóa bỏ các hủ tục trong đồng bào các dân tộc thiểu số Pako Vân Kiều đang gặp rất nhiều trở ngại. Đói nghèo sẽ vẫn còn đeo đẳng mãi những phận người ở vùng đất này.

Ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đakrông cho hay, những năm qua công tác tuyên truyền, vận động chủ yếu hướng bà con xóa bỏ các luật tục lạc hậu, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thực hiện nếp sống văn minh; bài trừ mê tín, dị đoan, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí.

Empty

Đồng bào Pako Vân Kiều đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng vẫn chưa thay đổi được tư duy để vươn lên phát triển kinh tế. Ảnh: UBND xã A Ngo.

Trước đây, chuyện kết hôn diễn ra tùy theo ý thức chủ quan của mỗi gia đình, miễn nhà trai nộp đủ lễ “Bỏ của” là nhà gái đồng ý cho rước dâu về. Các cặp vợ chồng không báo cáo cũng không đến UBND xã để đăng ký kết hôn. Vì vậy, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xuyên xảy ra. Từ khi người dân được tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, việc cưới xin đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và giảm chuyện thách cưới quá nhiều hay tổ chức ăn uống linh đình. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm rõ rệt.

Người dân đã được tiếp cận những nét văn hóa mới, tiến bộ; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tự giác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... Nhận thức của phần lớn người dân đã được nâng lên, ý thức được mặt trái của các hủ tục, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ. Đến nay, cơ bản đồng bào các dân tộc thiểu số đã biết chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất; thực hiện nếp sống văn hóa, ăn, ở hợp vệ sinh, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tỷ lệ tảo hôn, hôn nhận cận huyết giảm; một số hủ tục từng bước được loại bỏ dần...

Một trong những thay đổi rõ nét nhất là việc người dân không còn mời thầy mo về cúng mà ốm đau đã đến cơ sở y tế để điều trị. Phụ nữ có thai biết đi khám sàng lọc, khi sinh đều đến trạm y tế để được các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh giúp đỡ. Việc tang ma đã thực hiện theo nếp sống mới, thời gian tổ chức tang lễ được thực hiện đúng quy định, thi hài người quá cố không được quàn quá 48 tiếng trong nhà.

Nhiều lễ hội văn hóa, nghề truyền thống, phong tục tốt đẹp, tiến bộ được khôi phục, giữ gìn. Nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, phù hợp với nếp sống mới, được bà con lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đến nay, có 89% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Empty

Phát triển kinh tế vùng đồng bào, duy trì những phong tục tốt đẹp nhưng cũng phải xóa bỏ những hủ tục ảnh hưởng đến đời sống kinh tế. Ảnh: UBND huyện Đakrông.

Tuy nhiên, một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống đồng bào, thậm chí một số nơi còn rất nặng nề.

“Thực tế hiện nay trong đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), còn tồn tại một số hủ tục cần phải loại bỏ, như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tục thách cưới, mê tín dị đoan, cúng bái khi trong nhà có người ốm. Đám tang còn giết mổ nhiều gia súc, uống nhiều rượu, để người chết trong nhà nhiều ngày... Nguyên nhân tồn tại những hủ tục trên là phong tục, tập quán của đồng bào đã hình thành từ lâu đời; tư tưởng một số người dân không muốn thay đổi phong tục, tập quán, nhất là các nghi lễ trong việc hiếu, hỷ... tồn tại, ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Những hủ tục này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Liệu cho biết thêm.

Cũng theo ông liệu, những hủ tục, phong tục mang yếu tố mê tín, dị đoan, gây tốn kém về kinh tế đối với các gia đình, làm mất vệ sinh môi trường, làm suy giảm nòi giống, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của người dân, gây mất đoàn kết trong cộng đồng. Những tập tục lạc hậu đã làm cản trở sự phát triển của mỗi cộng đồng và các địa phương. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều tập tục trở nên lạc hậu, lỗi thời, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội cần phải loại bỏ.

Tính đến cuối tháng 10/2022, huyện Đakrông mới chỉ có xã Triệu Nguyên về đích nông thôn mới (năm 2021). Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, dù được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị chú trọng đầu tư nguồn vốn nhằm xóa “huyện trắng” nông thôn mới nhưng chỉ sau 1 năm, nhiều tiêu chí tại Triệu Nguyên cũng đã “hụt hơi”.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.