| Hotline: 0983.970.780

Giữa 'thành trì' hủ tục [Kỳ 3]: Khó thoát khỏi vòng kim cô

Thứ Tư 09/11/2022 , 06:05 (GMT+7)

Có người tưởng chừng đã đoạn tuyệt với hủ tục nhưng bế tắc trong cuộc sống khiến họ phải quay lại và lệ thuộc vào những trò cúng bái rườm rà tốn kém.

Bệnh tật là do con ma trong người

Sinh sống hai bên đường Hồ Chí Minh, những tưởng đồng bào dân tộc Pako Vân Kiều ở xã A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) sẽ dần thoát khỏi những hủ tục. Thế nhưng…

Empty

Ông Hồ Văn Lụt ở thôn A Rong dưới từng là một người làm ăn giỏi trong vùng nhưng cũng không thoát khỏi những hủ tục khi đã ở tuổi xế chiều. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Nữ chủ cửa hàng tạp hóa Hà Bình cạnh đường Hồ Chí Minh tại thôn A Rong dưới là người dân tộc Kinh, gốc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bà cho biết, cúng bái một cách mù quáng đã trở thành tục lệ ăn sâu vào máu thịt và khó bỏ của đồng bào Pako Vân Kiều.

Bà và những người dân tộc Kinh lên đây làm kinh tế mới luôn tôn trọng tín ngưỡng của đồng bào nhưng chính bà cũng phải thừa nhận, việc cúng bái của đồng bào hết sức rườm rà, tốn kém kéo theo nhiều hệ lụy. Thấy đồng bào quanh năm túng bấn, nhiều lúc nữ chủ cửa hàng tạp hóa Hà Bình thấy thương quá nhưng không có cách nào để khuyên nhủ họ thay đổi.

“Đụng cái gì họ cũng bày biện lễ vật để cúng. Cúng bái không những tốn kém về vật chất mà còn mất nhiều thời gian. Nếu quỹ thời gian đó để làm kinh tế sẽ thay đổi được nhiều điều. Nhiều khi thấy chị em đồng bào đến đây mua hàng tôi cũng động viên là bỏ bớt những lễ cúng bái không cần thiết nhưng họ cãi lý: Người Kinh cúng rằm, mùng một thì họ cũng có những lệ tục riêng, không thể bỏ. Nói thế thì tôi cũng đành chịu, không biết khuyên sao cho phải”, bà chủ cửa hàng tạp hóa Hà Bình chia sẻ.

Chiều tà, dưới trời mưa bụi, bóng một người đàn ông mặc áo xanh lầm lũi đi vô định trên đường Hồ Chí Minh. Bà chủ cửa hàng tạp hóa Hà Bình nói, đó là ông Hồ Văn Lụt ở thôn A Rong dưới. Từ vài năm nay, người đàn ông này cùng 2 người con trai khôi ngô tuấn tú bỗng trở nên “dở tính”. Ít người hiểu và lấy lý do bệnh tật ra để giải thích cho hiện tượng này. Đa phần người dân là đồng bào dân tộc Pako Vân Kiều ở đây đều cho rằng, sở dĩ bố con ông Lụt bị như bây giờ là bởi lúc còn làm ăn tốt, ông Lụt không hề cúng bái tạ ơn Giàng. Ông Lụt bị như vậy là bởi Giàng nổi giận và mỗi người trong gia đình ông đều có một con ma đang quấy rối.

Empty

Ông Lụt đã phải bán hết gia sản, trâu bò vì tin vào những trò cúng bái. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng chính vì quan niệm này, theo già làng Hồ Văn Poong tại thôn Tân Y 3, xã A Vao, trong cuộc đời một con người có rất nhiều lễ cúng. Mỗi lễ cúng như vậy đều phải bàn soạn nhiều lễ vật tốn kém; vật đem cúng phải mời dân làng đến ăn ngày này qua ngày khác, không được bán cũng không nhận một đồng tiền hay lễ vật mừng hoặc sẻ chia nào từ cộng đồng.

Mỗi năm, cả thôn đều phải tập trung tại nhà dài để làm lễ cúng đuổi ma nhằm cầu cho cả làng được bình an, khỏe mạnh.

“Một đứa trẻ ra đời, mẹ nó hết ngày ở cữ cũng phải cúng. Trước đây, trẻ nhỏ hay người lớn, cứ ốm đau là phải cúng. Cúng để đuổi con ma gây bệnh ở trong người ra ngoài, như thế bệnh mới khỏi. Lễ cúng nhỏ thì con heo, con dê, con gà, lớn thì con trâu, con bò. Nếu số mệnh còn sống thì cúng sẽ được, nếu Giàng bắt chết là phải chết”, già làng Poong nói.

Empty

Theo già làng Hồ Văn Poong tại thôn Tân Y 3, xã A Vao, đời người có rất nhiều lễ cúng bái khiến gia chủ tốn kém. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, cũng theo già làng Poong, hiện nay, lễ vật cũng bái cũng đã được đơn giản hóa, tùy vào điều kiện của từng gia đình để biện lễ. Thầy mo sẽ không nhận tiền công nhưng chủ nhà phải mời cả làng đến ăn lễ vật, uống rượu, có khi kéo dài đến 2 - 3 ngày. Một phần lễ vật, chọn phần nào ngon nhất để biếu cho thầy mo.

“Mỗi thôn thường chọn 1 - 3 người có khả năng cúng; mỗi dòng họ cũng như vậy. Thầy mo phải là người giỏi, có uy tín trong làng, trong họ”, vẫn lời già Poong.

"Ngã" vào những hủ tục

Đã có thời điểm, gia đình ông Hồ Văn Lụt ở thôn A Rong dưới, xã A Ngo có trên dưới 20 con trâu, bò. Vườn cây ăn quả, rẫy lúa, rẫy ngô, rẫy chuối của gia đình ông có ở khắp nơi. Cả làng có thể thiếu gạo nhưng riêng gia đình ông thì chưa bao giờ. Thế nhưng, bây giờ thì khác, vợ chồng và 2 đứa con ông đang chạy ăn từng bữa, đang đong từng cân gạo và chật vật với bệnh tật hành hạ.

Empty

Đồng bào tin rằng, vì không cúng bái nên gia đình ông Hồ Văn Lụt mới rơi vào thảm cảnh như hiện nay. Ảnh: Võ Dũng.

Trước đây, ông Lụt là người làm kinh tế giỏi nhất ở cái xã này. Ông giỏi cũng đúng bởi ông là người được ăn học, có thời gian công tác trong ngành công an rồi xin ra quân. Là người có học thức, va chạm nhiều, về vùng đất này ông đã có định hướng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Bao nhiêu đất đai của gia đình ông đều được phủ xanh các loại cây lương thực, ưu tiên cái ăn trước mắt. Khi lương thực đã tạm ổn, ông chuyển sang trồng các loại cây ăn quả.

Thế nhưng, khác với đa phần hộ đồng bào dân tộc Pako Vân Kiều ở đây, gia đình ông gần như không theo phong tục cúng bái. Lý giải cho điều này, ông Lụt cho biết, gia đình ông đa phần là những người thành đạt, thoát ly nông nghiệp và có học thức. Người anh trai cả của ông là giáo viên, gia đình quy định, mọi lễ cúng phải được người anh trai cả đồng ý thì mới được làm. Mặc dù đôi lần ông muốn cúng bái nhưng khi người anh trai không cho thì ông cũng đành chịu. Vì thế, gia đình ông chỉ tham gia một ít lễ cúng theo phong tục của đồng bào.

Empty

Sau nhiều lần cúng bái đuổi ma không thành, vợ chồng ông Lụt bán gần hết trâu bò để đi chữa bệnh. Ảnh: Võ Dũng.

Đến năm 2018, khi người anh cả qua đời cũng là lúc tai ương bắt đầu ập đến gia đình. Ông Lụt phát hiện mình bị bệnh ung thư; hai đứa con trai đang ở trong quân ngũ cũng mắc bệnh trầm cảm bỏ về nhà. Dân làng người Pako Vân Kiều nói, sở dĩ gia đình ông Lụt bệnh tật triền miên là do bị Giàng trừng phạt.

Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành, gia đình ông Lụt lao vào cúng bái. Đã 4 lần vợ chồng ông mổ bò làm lễ cúng Giàng, đuổi ma. Thế nhưng, bệnh tật của ba người đàn ông trong nhà không hề thuyên giảm. Cúng mãi không khỏi bệnh, ông Lụt đã phải bán gần hết trâu bò để chuẩn bị đưa 2 đứa con vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.

“Nhà phải làm thịt 4 con bò để cúng Giàng; phần lòng, đầu cúng xong thì để lại ăn. Phần thịt, một phần cho, một phần bán để lấy tiền đưa con đi viện. Mổ thịt bán thì chỉ được một nửa tiền so với bán cả con. Nhưng ai cũng nói phải cúng thì mình và con mới khỏi bệnh được”, ông Lụt chua xót.

Ông Lụt dẫn khách ra xem chuồng nuôi nhốt bò. Nói là chuồng nuôi nhốt nhưng thực chất là mấy cọc tre dựng lên, mái lợp tạm bợ, xung quanh tứ phía gió tốc, mưa nắng không được che chắn gì. Đã bấy lâu nay, vì bệnh tật, vợ chồng con cái ông không thể chăm sóc đàn bò. Chúng gầy còm, ốm yếu đến tội nghiệp.

Ông Lụt bệnh tật, người vợ lâu nay cũng không thường xuyên lên rẫy được, nhà có mấy con bò, ông bán dần để cúng bái, mua gạo ăn hàng ngày và chuẩn bị đưa con đi viện. Trong căn nhà sàn bề thế trước đây, hai đầu chái giờ là nơi ở của 2 người con trai bệnh tật. Cả hai đều khôi ngô, tuấn tú nhưng đều mắc chung một căn bệnh.

Empty

Gia đình ông Lụt đã trắng tay, phải ăn đong từng bữa gạo. Ảnh: Võ Dũng.

Trưởng thôn A Rong dưới Hồ Văn lam cũng cảm thấy bí bách vì tục cúng bái của đồng bào nhưng chính ông cũng không thể bỏ được. Ông lý giải về tục cúng bái rườm rà, tốn kém như bao nhiêu người khác: “Thầy mo bảo gì thì mình nghe nấy thôi nhưng cứ hơi đau (ốm) một tý là cúng. Trước có người cứ cúng mà không đi viện cho đến lúc chết thì thôi. Nay thì cũng đỡ hơn rồi, người ốm được đưa đi viện còn ở nhà vẫn cúng”.

Còn ông Hồ Tất Tuấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo cũng thừa nhận, tục cúng bái tại địa phương vẫn còn khá nhiều và rất tốn kém.

Đến ngay cả một số cán bộ xã A Ngo, là người đồng bào, khi được hỏi về tục cúng bái ở đây cũng cho rằng đó là điều bình thường và không hệ lụy gì đối với kinh tế các gia đình.

Vì hủ tục, mục tiêu giảm nghèo thực chất sẽ khó đạt

Đakrông là huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Trị với 49,4% hộ nghèo. Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đakrông cho biết, tốc độ giảm nghèo ở địa phương này ở mức khá (5,49%/năm, cao hơn mức giảm nghèo bình quân của toàn tỉnh). Đakrông phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 10% và thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, những hủ tục đã gây nhiều hệ lụy đến đời sống kinh tế thì chỉ tiêu trên, nếu xét thực chất liệu có thành hiện thực?

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.