Giữa năm ngoái, vợ chồng anh Trần Quốc Trong (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), mạnh dạn đầu tư nuôi hàu ở cửa sông Gianh.
Hai vợ chồng mua lại một con tàu cũ và dọn đến hẳn ra ở trên tàu để tiện cho việc khởi nghiệp. Ngoài việc tiếp tục mưu sinh bằng nghề chài lưới trên sông, vợ chồng anh Trong còn tiện chăm sóc, bảo vệ gần 1,3ha diện tích bè nuôi hàu treo dây.
Nhiều năm trước, đặc biệt hàu ở cửa Gianh đã nổi tiếng trong vùng. Khi thủy triều rút, những con hàu bám trên những mỏm đá ven bờ được người dân khẻ, tách vỏ rồi lấy con hàu trắng muốt đầy sữa đem bán. Do người khai thác hàu ngày càng nhiều nên lượng hàu cũng ít dần đi. “Sao không nuôi hàu để chủ động cung ứng cho thị trường”, anh Trong suy nghĩ và quyết định đầu tư nuôi.
Sau nhiều lần ngược xuôi Nam - Bắc để đi xem, học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi, anh Trong bắt đầu tập tành nghề nuôi hàu sữa.
“Hàu sữa nuôi khoảng 3 tháng và nếu thuận lợi thì thu nhập cũng khá ổn định. Nhưng có vụ gần như mất trắng do thời tiết hoặc nước lũ về chưa kịp thu hoạch. Nhiều gia đình quanh vùng cũng nuôi nhưng được vài vụ rồi bỏ”, anh Trong bộc bạch.
Nhờ người bạn đã làm thuê cho nhiều chủ nuôi hàu góp kinh nghiệm, góp sức, anh Trong chuyển hướng nuôi hàu treo dây. Với kinh nghiệm nhiều năm sông nước, và cũng đã quen với nghề nuôi hàu sữa, nhưng anh Trong cùng vợ lặn lội ra các mô hình ở Ninh Bình, Quảng Ninh học hỏi cách nuôi.
Đến giữa năm 2023, vợ chồng anh Trong nuôi thử hàu treo dây trên cửa sông Gianh. Đến gần cuối năm, con hàu được nuôi dưới các bè phát triển tốt, tỷ lệ sống gần như 100%. Vợ chồng anh hùn vốn với 6 hộ gia đình khác, mở rộng quy mô lần lượt lên 8 bè trên mặt nước ven cửa Gianh, với diện tích gần 1,3ha.
Trên mặt sông, bè nuôi hàu được kết từ nhiều thân cây tre, lồ ô to, rỗng ruột xen kẽ các thùng xốp lớn được bọc nilon để nổi lên mặt nước. Bốn bề được cố định nhiều cọc cắm xuống đáy sông để giữ ổn định. Bè nuôi được thiết kế để có thể kéo đến điểm trú ẩn khi có mưa lũ lớn tràn về. Con giống là hàu đại dương, được ươm ở các trại giống ở vùng cửa biển tỉnh Quảng Ninh. Con giống sau đó được cấy vào vỏ hàu, buộc vào dây gắn ở dưới các bè nổi.
Khi thả giống, trung bình mỗi bè có khoảng 1 vạn dây. Thức ăn của hàu là phù du từ dòng nước, nuôi trong 7-8 tháng là có thể thu hoạch và có thể nuôi lâu hơn để tăng kích thước nhưng không quá 36 tháng (vòng đời của con hàu đại dương). Mỗi bè nuôi hàu sau khi hoàn tất, tính cả con giống có chi phí khoảng 350 triệu đồng.
Theo anh Trong, hàu sữa, thường rơi rụng do gặp nước bạc (nước lũ), giống hàu đại dương nuôi treo dây trên vùng cửa Gianh đã sống tốt trong mùa nước lũ năm trước. Chỉ gặp thời tiết sương muối, hàu treo dây có hiện tượng chết do ngạt khí nhưng không đáng kể. Anh Trong tính toán, mỗi dây hàu trưởng thành khoảng 30 - 40 con trọng lượng từ 10 - 15kg là có thể xuất bán. Mỗi bè hiện tại, ước đạt 100 tấn và đã được các thương lái đặt mua trước.
Hàu nuôi đủ ngày, đủ tháng các thương lái sẽ về thu mua tận bè và đóng thùng xuất khẩu nhưng giá rẻ hơn, khoảng 15 - 20 nghìn đồng/kg. “Còn nếu bán lẻ cho thương lái phục vụ thị trường nội địa thì khoảng 30 - 35 nghìn đồng/kg. Hiện tại, những bè nuôi đầu tiên đã hơn 6 tháng, con hàu phát triển đều và chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới”, anh Trong chia sẽ thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn cho biết, nuôi hàu treo dây ở vùng cửa Gianh là mô hình mới và kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
“Chính quyền địa phương và các phòng chức năng đã chủ động hướng dẫn người dân các quy định về việc sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản, bảo đảm môi trường sinh thái, an toàn giao thông đường thủy nội địa… Đồng thời, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư cho người nuôi trồng”, ông Khánh cho hay.