Những tờ biên bản vi phạm “vô chủ”. Ảnh: Hưng Giang. |
Chính quyền xã, trạm thủy lợi liên tiếp lập biên bản đình chỉ nhưng tất cả các hộ dân đều không ký nhận. Thậm chí ngay cả khi chính quyền xã khẳng định, công trình đã bị tạm dừng thi công, hoạt động phun cát, san nền vẫn âm thầm diễn ra.
Rủ nhau vi phạm
Kim Sơn là kênh thủy lợi huyết mạnh, dài 63km thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải. Kênh chạy dài qua một loạt các huyện của hai tỉnh là Hưng Yên và Hải Dương. Những năm qua, một loạt các điểm nóng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi xuất hiện dọc con kênh này.
Và trên “bản đồ” vi phạm, Đồng Than là một điểm nóng như vậy. Tại địa phương này, từ tháng 9/2019 tới nay, liên tiếp 3 hộ dân tự ý đào móng xây nhà bị phát hiện, lập biên bản. Đó là các hộ ông Vũ Đại Dương, Lê Văn Huynh, Nguyễn Thị Phượng, địa điểm vi phạm tại thôn Tráng Vũ. Riêng trường hợp bà Phượng là công dân xã Vĩnh Khúc sát bên sang mua đất dựng nhà.
3 công trình này cách nhau vài chục mét, dọc theo bờ kênh Kim Sơn. Hộ ông Dương đóng cọc bê tông, làm nhà dài 12m, rộng 6m, cách mép nước 3m. Công trình nhà ông Huynh cũng là loại nhà kiên cố, dài 23m, rộng 4m, chỉ cách mép nước 2m. Nghiêm trọng nhất, công trình vi phạm của gia đình bà Phượng dài 23m, rộng 4,2m, đua ra cách mép nước chừng 1m.
Công trình vi phạm của ông Lê Văn Huynh đua ra sát mép kênh Kim Sơn. Ảnh: Hưng Giang. |
Ông Nguyễn Văn Hinh, Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình thủy lợi Điện Biên cho biết, kênh Kim Sơn chạy qua xã Đồng Than dài khoảng 4km. Ngay sau khi phát hiện sự việc, từ ngày 9 tới ngày 13/9 vừa qua, đơn vị đã phối hợp UBND xã Đồng Than lập biên bản vi phạm, yêu cầu tạm dừng thi công. Biên bản nêu rõ, trong thời hạn 3 ngày, các hộ dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, những gì ghi trong biên bản đã không diễn ra. Liên tiếp những ngày sau đó, tổng cộng có 9 biên bản được lập đối với hành vi vi phạm của 3 hộ dân kể trên. Điều đáng nói, cả 9 biên bản, các hộ đều không chấp hành ký nhận sai phạm. Và cũng bất chấp pháp luật, các hộ này vẫn tiếp tục thi công như chốn không người.
Theo ông Hinh, trước sự việc này, Trạm đã có văn bản gửi Cty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong đó đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm kể trên. Song song với đó, tiếp tục vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Sẽ tiến hành cưỡng chế
Trao đổi với PV Báo NNVN, ông Trần Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Đồng Than cho biết, địa phương cũng đang rốt ráo xử lý tồn tại kể trên. Theo ông Tôn, diện tích 3 hộ vi phạm nằm trên phần đất lưu không. Diện tích này, các hộ dân đã ở từ rất lâu, tự mua bán với nhau bằng giấy viết tay chứ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài 3 hộ trên, rất nhiều hộ dân đã xây nhà ở từ lâu, nay không thể xử lý.
Hành vi lén lút phun cát, lấp nền vẫn diễn ra tại công trình của bà Nguyễn Thị Phượng. Ảnh: Hưng Giang. |
Theo ông Tôn, ngay sau khi phát hiện vi phạm, xã đã phối hợp với Trạm, đồng thời báo lên UBND huyện Yên Mỹ. Nhưng tới nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ông Tôn khẳng định, sau khi lập biên bản, xã luôn cắt cử lực lượng công an viên theo dõi, không để việc xây dựng tiếp diễn. Nhưng thực tế thì sao?
“Khi chúng tôi tới lập biên bản, các hộ không có hành vi chống đối nhưng có nhiều lời lẽ không hay. Đặc biệt là không hộ nào ký nhận hành vi vi phạm”, Chủ tịch UBND xã Đồng than thở dài. |
PV Báo NNVN đã cùng ông Nguyễn Văn Hinh đi khảo sát thực địa các điểm vi phạm. Tại công trình nhà ông Lê Văn Huynh đã tạm dừng thi công. Tại hộ bà Phượng, ngay khi chúng tôi kiểm tra, hoạt động phun cát san nền vừa diễn ra. Đường ông phun cát vẫn nằm chềnh ềnh, vắt ngang đường. Trên nền móng, một khối lượng lớn cát đen còn vũng nước lên láng.
Nghiêm trọng hơn, hộ ông Vũ Đại Dương đã gần như xây xong nhà và lợp mái tôn. Ngôi nhà được xây kiên cố, đã chia các phòng ngủ, công trình phụ. Những mảng vữa trên tường còn chưa khô hẳn, nồng mùi xi măng. Trước cửa nhà, nhiều nguyên vật liệu đã được tập kết để tiếp tục xây dựng.
Với trường hợp ông Dương, UBND xã Đồng Than đã nhiều lần xuống tuyên truyền, vận động tự tháo dỡ nhưng không thành. Thậm chí, xã này đã ra quyết định xử phạt hành chính gia đình ông Dương với số tiền 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Dương không chấp hành nộp phạt. “Rất nhiều lần chúng tôi xuống làm việc nhưng chủ nhà bỏ đi làm ăn xa. Sau đó thuê thợ ở lại xây dựng nên rất khó tuyên truyền, xử lý”.
Công trình vi phạm của gia đình ông Vũ Đại Dương. Ảnh: Hưng Giang. |
Ông Tôn cho biết, với trường hợp bà Phượng sẽ liên hệ với chính quyền xã Vĩnh Khúc phối hợp tuyên truyền xử lý. Khi được thông tin, bà Phượng vẫn lén lút xây dựng, ông Tôn khẳng định sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Câu hỏi đặt ra, dù giám sát “chặt chẽ”, không hiểu sao gia đình ông Dương lại có thể dựng nhà tới bước gần như hoàn thiện như vậy. Một căn nhà vi phạm rộng gần 100m2 không lẽ được xây dựng với tốc độ “thần đèn” chỉ trong vài đêm!?
Nói về phương án tới đây, ông Tôn khẳng định, xã đã lên kế hoạch tiến hành cưỡng chế, phá dỡ 3 công trình vi phạm này. Chính quyền sẽ xử lý mạnh tay, không có chuyện bao che hay nể nang hành vi vi phạm vì bất cứ điều gì.
Rà soát tổng thể vi phạm
Ông Trần Đình Thành, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Yên Mỹ cho biết, kênh Kim Sơn có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Có 8 xã của huyện Yên Mỹ chạy dọc theo bờ kênh Kim Sơn.
Tại xã Đồng Than, kênh Kim Sơn cũng cắt qua 4 thôn, dân cư ở san sát hai bên. Do đặc thù vị trí địa lý, lịch sử, ông Thành cho rằng, việc xử lý các hộ dân vi phạm trước đây là không thể. Riêng với những hộ có hành vi đào móng, san nền xây dựng mới sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Nói về 3 công trình vi phạm kể trên, ông Thành đánh giá, mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp tới dòng chảy, nhưng sẽ gây khó khăn, cản trở rất nhiều tới công tác nạo vét lòng kênh. Thậm chí, nếu sau này, Nhà nước đầu tư xây kè thì không có đường vận chuyển vật liệu xây dựng tới bờ sông. Nếu muốn làm phải phá bỏ các nhà dân để mở đường - việc này vô cùng khó khi thành chuyện đã rồi.
Về phương án xử lý, ông Thành khẳng định, việc này thuộc thẩm quyền của UBND xã Đồng Than. Quan điểm của huyện là đề nghị xã giám sát, yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc tái diễn thi công. Tiến tới là tổ chức cưỡng chế, giải tỏa mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.
Từ sự việc này, ông Thành cũng cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra rà soát lại toàn bộ hành lang bảo vệ công trình thủy lợi dọc theo kênh Kim Sơn. Qua đó phát hiện sớm các công trình, hành vi vi phạm để xử lý ngay từ khi mới manh nha.
Kênh Kim Sơn bắt nguồn từ cống Xuân Quan (Hưng Yên), đảm bảo tưới tiêu cho 215 nghìn ha đất nông nghiệp. Cụ thể, kênh Kim Sơn có nhiệm vụ tiêu nước cho các vùng từ huyện Ân Thi tới phía nam huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên). Đồng thời, cung cấp nước tưới cho 5 huyện của tỉnh Hải Dương. |