| Hotline: 0983.970.780

Điện Biên Phủ - Âm vang thế kỷ

Những "chị gánh anh thồ" huyền thoại

Thứ Hai 21/04/2014 , 09:39 (GMT+7)

Với hàng trăm nghìn lượt TNXP, dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã góp một phần không nhỏ vào chiến thắng chấn động địa cầu ngày 7/5/1954.

Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ 2 (ngày 13/6/1957), Bác Hồ đã có lời khen ngợi quân dân Thanh Hóa: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

60 năm trôi qua, phần lớn những “chị gánh anh thồ” đã trở về với cát bụi, số còn lại cũng đã ở cái tuổi cổ lai hy nhưng ký ức một thời hào hùng của quân dân Thanh Hóa và dân tộc Việt Nam thì vẫn nguyên vẹn.

Những “siêu anh thồ”

Lời hiệu triệu toàn dân tham gia vận tải lương phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ thôi thúc chàng trai trẻ Trần Khôi (SN 1927, nay ở số 10 đường Ngô Văn Sở, P.Ngọc Trạo, TP.Thanh Hóa) lên đường. Sau khi vượt qua các vòng sơ tuyển, ngày 7/2/1954, ông Khôi xuất phát từ Phố Bôn, xã Đông Tiến (huyện Đông Sơn) lên xã Xuân Lập (Thọ Xuân) nhận lương thực để thồ.

Đồ nghề vỏn vẹn một chiếc xe đạp (thời này có hai loại xe là Saint te chien (Pháp) và Praha của Tiệp Khắc) cùng vài bộ quần áo. Tại đây, ông cùng hàng trăm nam thanh nữ tú khác đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển mỗi người 50 kg gạo (1 bao) từ kho lương Xuân Lập lên kho ở suối Rút (Hòa Bình). 

Chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Tỵ (TP.Thanh Hóa) đạt kỉ lục thồ 320kg/chuyến. Đồng chí Đới Sỹ Trầu (huyện Quảng Xương) liên tục gánh 60 kg hàng, dẫn đầu về gánh bộ.

Tập kết gạo xong, Binh trạm thành lập Ban chỉ huy (BCH) đại đội C101 với 8 tiểu đội (100 người) và 6 đồng chí trong BCH. Giao đồng chí Nguyễn Hổ làm đội trưởng; Trần Văn Bê, đội phó và ông Khôi làm chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ. Nhiệm vụ của đại đội là vận chuyển lương thực tuyến từ Thanh Hóa lên suối Rút (hậu tuyến).

Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ, ông Khôi nhớ lại: “Ngày ấy gian khổ không lời nào tả hết. Đường rừng hiểm trở, dốc cao, vực sâu, đá tai mèo lô nhô, sên vắt, thú rừng… bủa vây, trong khi đó chúng tôi phải thồ thêm cả mấy yến gạo, đi mò trong bóng đêm để tránh bị địch phát hiện nên người nào người nấy thương tích đầy mình”.

Ông Khôi kể, trong quá trình tải lương, phát sinh nhiều khó khăn nên đồng đội đã nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo rất hay. Đầu tiên phải kể đến “nhóm tam tam”. Nhóm gồm có 3 xe thồ đi cùng với nhau nhằm giúp đỡ khi có sự cố dọc đường. Mỗi khi xe lên dốc, 2 xe còn lại tấp vào lề đường, một người dùng dây thừng buộc vào cổ xe đi trước kéo, một người đẩy từ phía sau, người còn lại điều khiển xe bằng tay ngai, cọc thồ.

Vất vả nhất là khi xuống dốc, ngoài người cầm gác ba ga kéo, một người giữ ghi - đông giảm tốc độ thì người ở giữa phải vừa điều khiển xe vừa lấy dép cao su làm phanh. Nếu gặp phải trời mưa, đường trơn trượt, dẫm phải đá tai mèo thì chân tứa máu, băng bó xong mọi người tiếp tục hành quân.

09-51-59_2
Hai chị em bà Miên (bên phải) và bà Khuê (bên trái) 

Đến giai đoạn nước rút, cuộc tổng tấn công sắp nổ ra, yêu cầu cấp thiết là phải có thêm nhiều lương thực, vũ khí hơn nữa nên C101 phát động phong trào “tăng năng suất”.

Để thực hiện phong trào này, ngoài việc biểu dương, khen thưởng những anh em thồ gạo nhiều, đại đội yêu cầu mỗi đảng viên tiên phong thồ từ 50 kg lên 100-150 kg nhằm làm gương cho quần chúng noi theo. Chỉ tiêu 1 cục (1 bao) từ đó được phá vỡ, người yếu nhất cũng thồ được 2 cục, thậm chí có người thồ đến hơn 3 cục. Điển hình như anh Nguyễn Văn Đăng thồ đến 175 kg.

Bài toán tăng năng suất được giải thì khó khăn mới tiếp tục nảy sinh, đó là tình trạng thủng săm, vỡ lốp. Nhiều người phải xé chăn chiên, áo may ô thậm chí cả quần lót để “băng bó” săm, đối với lốp thì cắt tanh lốp trong, sau đó lồng lốp thứ hai vào nhằm hạn chế đá tai mèo, sức nặng của lương thực làm hỏng xe.

 Việc đóng hàng sao cho chắc chắn cũng là một vấn đề nan giải. Và giải pháp chính là buộc dây thành võng từ đầu xe đến gác ba ga để xếp gạo theo kiểu chồng củi.

Ông Khôi tự hào nhắc lại ký ức một thời khói lửa: “Dù bom đạn nổ sát bên tai; nhiều đêm ngủ giữa rừng, một mảnh ni lông trải trên đất lấy chỗ nằm, một nửa phủ lên người che sương cho đỡ lạnh; muỗi rừng cắn làm anh em sốt rét, da dẻ vàng vọt; thiếu cơm ăn, nước uống… nhưng không một ai kêu ca, bỏ cuộc. Trong đêm những câu hò điệu ví vang lên động viên nhau “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh” để hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp vận”.

Quyết không bỏ một hạt gạo

Không thua kém đàn ông trai tráng, đoàn nữ dân công gánh bộ cũng hừng hực khí thế, vượt hơn 500 km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo đi qua các điểm Càng Nàng, Hồi Xuân, Phú Lệ lên suối Rút (Hòa Bình), qua Cò Nòi, Thuận Châu, đèo Pha Đin rồi đến Tuần Giáo, vào trận địa...

Bà Lê Thị Miên (93 tuổi), hiện trú tại phố Tân Bình 1, P.Ngọc Trạo, TP. Thanh Hóa, cho hay, ngày ấy, bà vừa gánh hàng vừa làm nhiệm vụ tiền trạm, đấu nối nhận, giao hàng. Trên đường đi, chị em nào quá mệt hay bị thương thì bà san hàng, gánh thay cho họ. Mỗi người gánh 15 kg, được bỏ vào 2 cái bồ, cứ thế, đoàn người đông như kiến nối đuôi nhau, lần theo ánh đèn dầu mà đi, như dài vô tận.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã cung cấp 4.361 tấn gạo (chiếm 30% số gạo cả nước phục vụ cho chiến dịch), vượt mức Trung ương giao 9 tấn; 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250 nghìn quả trứng, 150 tấn đậu các loại, 450 tấn cá khô, 20 nghìn lọ mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại với tổng số dân công tham gia hơn 1 triệu lượt người.

“Không ít lần trên đường đi tôi thấy gạo vứt dọc đường, lúc ấy chỉ biết động viên chị em nhất quyết không để phí hạt gạo nào, bởi tiền tuyến không có gạo ăn trong khi ở đây gạo lại vứt phơi mưa phơi nắng là có tội”, bà Miên nhớ lại.

Bà Miên cho biết, mở đầu đợt chuyển lương phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.352 tấn gạo (giao tại Hồi Xuân), 100 tấn thực phẩm (giao tại Sơn La). Đợt 2, đầu tháng 3/1954 Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại Km số 22 đường 41, Thanh Hóa hoàn thành trước thời hạn 3 ngày.

Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn kết thúc, do yêu cầu khẩn cấp của chiến trường, Trung ương giao Thanh Hóa huy động đợt 3 với chỉ tiêu 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm. Lúc này thóc dự trữ của tỉnh không còn, mùa cũng chưa đến kỳ thu hoạch, nhân dân đã dốc bồ, đổ thúng cung cấp cho tiền tuyến những hạt thóc cuối cùng, nhiều gia đình phải ăn ngô non, khoai sắn thay cơm dành gạo cho tiền tuyến.

Thực hiện quyết tâm của Trung ương, để có đủ lương thực cho bộ đội ăn no đánh thắng, Thanh Hóa chủ trương huy động nhân dân ra đồng cắt tỉa từng gié lúa, bông lúa đã chín; kết quả được 5.000 tấn thóc cung cấp kịp thời cho mặt trận. Vụ hè năm 1954, trên giao 28.000 tấn thóc thuế, Thanh Hóa đã huy động tới 34.927 tấn, vượt chỉ tiêu được giao.

Tiếp lời bà Miên, bà Lê Thị Khuê (87 tuổi), tiểu đoàn phó phụ trách đại đội dân công gánh bộ (152 người) phục vụ lực lượng mở đường 41 (từ suối Rút đi Sơn La), nay trú tại đường Quang Trung 2, TP. Thanh Hóa, nói: “Vất vả nhất với đội nữ dân công gánh bộ là những ngày “đèn đỏ”. Thời bấy giờ, giấy vệ sinh không có, nước nôi phải dựa vào các con suối dọc đường nên chị em nào cũng phải dự phòng đầy đủ “phụ tùng” trước lúc lên đường. Trường hợp gặp “sự cố” giữa đường thì phải nhờ người khác gánh hộ để tránh đi nơi khác xử lý”.

Đã 60 năm trôi qua, giờ đây những “chị gánh anh thồ” ngày nào người còn, người mất nhưng đóng góp thiết thực của họ sẽ mãi mãi được hậu thế khắc cốt ghi tâm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm