| Hotline: 0983.970.780

Những công trình phục vụ nông nghiệp chạy đua với thời gian

Thứ Tư 06/01/2021 , 06:15 (GMT+7)

Hết nắng nóng lại tới mưa bão, bất kể ngày đêm, nhiều công trình phục vụ nông nghiệp vẫn hoàn thành vượt tiến độ, đưa ĐBSCL vượt qua những mùa khô hạn lịch sử.

Công trường không ngơi nghỉ

Được phát lệnh khởi công xây dựng từ cuối năm 2019, công trường Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé chưa một ngày ngơi nghỉ, chạy đua với thời gian, đưa công trình vào vận hành càng sớm càng tốt. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, công nhân, kỹ sư xây dựng được lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tiếp tục bám công trường thực hiện nhiệm vụ. Bất chấp thời tiết nắng nóng của mùa khô hạn lịch sử hay mưa bão dồn dập, tiếng máy móc, tiếng công nhân vẫn rầm rập, í ới trên công trường. Ban đêm công trường vẫn rực sáng để tăng ca.

Công trường xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé chưa một ngày ngơi nghỉ, chạy đua với thời gian, đưa công trình vào vận hành càng sớm càng tốt. Ảnh: Trung Chánh.

Công trường xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé chưa một ngày ngơi nghỉ, chạy đua với thời gian, đưa công trình vào vận hành càng sớm càng tốt. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và Bộ NN-PTNT là đơn vị quyết định đầu tư. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, thuộc Bộ NN-PTNT. Đây là một dự án xây dựng mới, có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, thuộc nhóm A và là loại công trình nông nghiệp, phát triển nông thôn cấp 1.

“Với việc đưa vào vận hành 5 công trình sớm hơn từ 2-14 tháng so với kế hoạch, nhờ đó chủ động kiểm soát mặn, ngọt trực tiếp cho khoảng 83 ngàn ha, vùng ảnh hưởng trên 300 ngàn ha của các tỉnh trong khu vực. Qua đó, góp phần đặc biệt quan trọng hỗ trợ sản xuất, giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra đối với ĐBSCL trong mùa khô hạn 2019-2020 được đánh là khốc liệt”.

Một ngày cuối năm 2020, ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, phấn khởi thông tin: “Chúng tôi quyết tâm chạy đua với thời gian, đầu tháng 2/20201 sẽ đưa cống Cái Bé vào vận hành, kiểm soát mặn trước khi vào cao điểm mùa khô hạn của năm. Và đến cuối năm 2021 sẽ đưa toàn bộ công trình vào vận hành. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong thời gian 24 tháng, nhưng các nhà thầu cam kết sẽ đưa công trình về đích trước 3 tháng và có thể sớm hơn nữa. Đến nay, chỉ sau một năm thi công, công trình đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc, trong đó có nhiều hạng mục rất quan trọng”.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nằm ở phía tây ĐBSCL (thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang), có tổng diện tích tự nhiên vùng dự án là hơn 909 ngàn ha, thuộc địa bàn 6 tỉnh, thành: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ. Sau giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, một diện tích rộng lớn khoảng trên 393 ngàn ha sẽ được hưởng lợi từ việc vận hành hệ thống này.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đợt hạn mặn năm 2016, toàn tỉnh có 55 ngàn ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai là 39 tỷ đồng. Nhưng các năm tiếp theo sau đó (2017-2020), thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm rất nhiều, chỉ từ 4-7 tỷ đồng, nhờ những bài học kinh nghiệm có được cũng như các công trình thủy lợi sớm đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả.  

Theo ông Giao, khi hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được xây dựng hoàn chỉnh, vận hành và phát huy hiệu quả, một diện tích hưởng lợi rộng lớn sẽ được kiểm soát mặn, triều cường, lũ lụt… tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất. Hiện nay, các địa phương trong vùng hưởng lợi của dự án đã xây dựng các mô hình sinh kế cho người dân, nhằm thích nghi với điều kiện nguồn nước được kiểm soát tốt hơn.

Chỉ sau một năm thi công, công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc, trong đó có nhiều hạng mục rất quan trọng. Ảnh: Trung Chánh.

Chỉ sau một năm thi công, công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc, trong đó có nhiều hạng mục rất quan trọng. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể, tại Hậu Giang, ngành nông nghiệp triển khai “Dự án xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn – Cái Bé, năm 2020-2021”, xây dựng 4 mô hình sinh kế mẫu hiện có theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh các giải pháp cứng là công trình thì các giải pháp mềm cũng được các địa phương quan tâm quyết liệt thực hiện, như tổ chức lại sản xuất dựa trên căn cứ vào nguồn tài nguyên nước, phân chia các vùng mặn, ngọt, lợ. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là tính toán dựa trên cơ cở cân đối nguồn nước để bố trí cơ cấu sản xuất giữa cây trồng vật nuôi, giữa cây trồng cạn với cây trồng nước... tùy theo từng vùng, từng mùa vụ. 

Nhiều công trình vượt tiến độ

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé chỉ là một trong hàng chục công trình trọng điểm được Bộ NN-PTNT quyết định đầu tư tại ĐBSCL, mà Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 là chủ đầu tư. Ông Lê Hồng Linh, chia sẻ: “Với nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT giao là thực hiện chủ đầu tư các dự án thủy lợi ở khu vực ĐBSCL, Ban 10 đã đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, đưa nhiều công trình vào vận hành trước thời hạn”.

Công trình Cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành, vượt thời gian thi công tới 14 tháng, đã sớm phát huy tác dụng. Ảnh: Trung Chánh.

Công trình Cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành, vượt thời gian thi công tới 14 tháng, đã sớm phát huy tác dụng. Ảnh: Trung Chánh.

Để ứng phó với với đợt hạn mặn lịch sử 2019-2020, đã có 5/6 dự án do Ban 10 quản lý được đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào vận hành sớm hơn kế hoạch từ 2 - 14 tháng. Theo đó, yêu cầu đơn vị thi công tập trung hoàn thành phần chính của công trình để kịp thời vận hành phục vụ ứng phó với hạn mặn ngay từ khi bước vào đầu mùa khô.  

Điển hình là công trình Cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành, vượt thời gian thi công tới 14 tháng, đã sớm phát huy tác dụng. Đây là dự án quan trọng giúp giải quyết xung đột giữa hai vùng mặn - ngọt, điều tiết nước, kiểm soát mặn để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ và giữ ngọt cho vùng trồng lúa, rau màu… của các 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng. Nhờ đó, đã giúp cho các tỉnh trong vùng dự án giảm thiểu được thiệt hại.

Công trình Cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành, vượt thời gian thi công tới 14 tháng, đã sớm phát huy tác dụng. Ảnh: Trung Chánh.

Công trình Cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành, vượt thời gian thi công tới 14 tháng, đã sớm phát huy tác dụng. Ảnh: Trung Chánh.

Ngay từ khi đi vào vận hành, Cống âu thuyền Ninh Quới đã sớm phát huy tác dụng, phục vụ rất tốt kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt. Đã kịp thời ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020, phục vụ sản xuất ổn định cho khoảng 80 ngàn ha của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Đây là một trong các công trình tiêu biểu nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ để kịp thời ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020, đồng thời là công trình tiêu biểu trong phát huy hiệu quả đầu tư công.

Kiểm tra việc ứng phó với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL vào cao điểm mùa khô năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, đã đánh giá: “Sóc Trăng là điển hình về khô hạn, xâm nhập mặn của 7 tỉnh ven biển trong vùng. Nhưng nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình nên thiệt hại đã được giảm thiểu, đời sống người dân không bị ảnh hưởng nhiều”.

Các công trình phục vụ nông nghiệp sớm đưa vào vận hành đã huy hiệu quả vốn đầu tưcông, mang lại lợi tích kinh tế - xã hội to lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Các công trình phục vụ nông nghiệp sớm đưa vào vận hành đã huy hiệu quả vốn đầu tưcông, mang lại lợi tích kinh tế - xã hội to lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Tháng 9/2020, Bộ NN-PTNT tổ chức buổi lễ bàn giao 3 công trình kiểm soát mặn, ngọt gồm: cống Bông Bót, Tân Dinh và Vũng Liêm cho hai địa phương Trà Vinh và Vĩnh Long. Các công trình trên thuộc Tiểu dự án 6 hợp phần 3 “IDA kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít” thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL. Cống Bông Bót, Tân Dinh, Vũng Liêm ứng dụng công nghệ vận hành tiên tiến, với van kiểu clape trục dưới đóng mở bằng xi lanh thuỷ lực lớn nhất ở Việt Nam.

Các công trình hoàn thành và sớm đưa vào vận hành đã giúp kiểm soát mặn, ngọt và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho trên 28 ngàn ha diện tích đất tự nhiên của hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.

Ba mục tiêu phòng chống hạn, mặn trong mùa khô 2021

Triển khai phương án phòng chống hạn, mặn mùa khô 2020-2021, Bộ NN-PTNT đề ra 3 mục tiêu chính là: Không để người dân thiếu nước sạch, không để cây ăn quả thiếu nước, không để lúa đông xuân 2020-2021 bị ảnh hưởng. Theo đó, lịch gieo sạ lúa lúa đông xuân ở ĐBSCL sẽ được đẩy lên sớm nhất có thể, tập trung gieo cấy vào các tháng 10 và 11/2020. Tháng 12 là phải kết thúc gieo sạ nhằm né đợt hạn mặn của năm 2021. Những nơi thiếu nước thì chủ động chuyển sang trồng rau màu, cây trồng cạn… Chủ động phương án tích nước trong các mương vườn, kênh rạch để tưới cho vườn cây ăn quả trong mùa khô. Đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt phục vụ người dân, kiên quyết không để xảy ra thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn.

  • Tags:
Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.