Dean Karnazes có khả năng chạy liên tục mà không cần nghỉ ngơi trong ba ngày liền (Ảnh: Getty Images) |
Từ những người chạy trong câu lạc bộ hay vận động viên Olympic, tất cả đều có giới hạn của riêng mình. Về mặt khoa học, giới hạn này được xác định là ngưỡng chịu đựng của cơ thể và khi bạn vượt quá nó, tập luyện trở thành cực hình.
Ai cũng sẽ phải trải qua cảm giác cơ thể nóng bừng, tim đập liên hồi, thở hổn hển, cơ bắp rã rời và cuối cùng là cơ thể ngừng hoạt động. Tuy nhiên, có một người đàn ông đã đánh bại mọi lý thuyết khoa học: Vận động viên Dean Karnazes từ California, người đàn ông dường như có khả năng chạy vô hạn, theo Guardian.
Karnazes đã hoàn thành vô số bài kiểm tra thử thách sức chịu đựng có thể coi là khắc nghiệt nhất hành tinh, từ chạy việt dã ở Nam Cực dưới cái lạnh -25 độ C đến chạy marathon 251 km trên sa mạc Sahara. Dù vậy, ông chưa bao giờ gặp phải tình trạng đốt cháy cơ hay chuột rút, kể cả khi chạy trên 160 km, đồng nghĩa giới hạn của Karnazes đơn giản chỉ nằm trong suy nghĩ của ông.
“Ở một mức độ nào đó, tôi cảm thấy mình chạy mà không biết mệt”, Karnazes nói. “Dù tôi gắng sức đến đâu đi chăng nữa, cơ bắp của tôi vẫn không bao giờ căng cứng”.
Khi chạy, cơ thể con người phân hủy đường để lấy năng lượng, tạo ra acid lactic như một sản phẩm phụ và như một “nguồn nhiên liệu” bổ sung có thể chuyển hóa trở lại thành năng lượng. Nhưng khi vượt quá ngưỡng cho phép, cơ thể không thể chuyển hóa acid lactic nhanh bằng lượng nó được sản xuất ra, dẫn đến tình trạng tích tụ acid trong cơ bắp. Đây là lúc cơ thể nói với trí não nên ngừng lại, nhưng Karnazes không bao giờ nhận được những tín hiệu như thế.
“Thực sự, tôi chỉ cảm thấy buồn ngủ. Tôi từng chạy ba đêm liền mà không ngủ và đến đêm thứ ba, thần kinh có chút căng thẳng. Tôi thậm chí từng vừa chạy vừa ngủ”, Karnazes kể.
Ý chí mạnh mẽ luôn là điểm chung của những người chạy đường dài, song Karnazes nhận ra ông có khác biệt về mặt sinh học so với các vận động viên khác khi chuẩn bị để tham gia thử thách chạy 50 cuộc thi marathon trong 50 ngày liên tục tại Mỹ hồi năm 2006.
“Tôi được đưa tới một trung tâm kiểm tra ở Colorado”, Karnazes nhớ lại. “Đầu tiên, họ tiến hành bài kiểm tra độ hiếu khí của tôi và kết quả cho thấy tôi có đặc điểm giống với những vận động viên thành tích cao nhưng không quá đặc biệt. Tiếp theo, họ làm bài kiểm tra ngưỡng acid lactic. Họ nói nó chỉ mất tối đa khoảng 15 phút. Cuối cùng, sau một giờ, họ dừng bài kiểm tra. Họ bảo rằng chưa từng nhìn thấy điều gì tương tự trước đây”.
Theo giáo sư Laurent Messonnier từ Đại học Savoie, độ hiếu khí là thước đo hiệu suất hoạt động của tim mạch trong khi ngưỡng acid lactic dùng để đo khả năng cơ thể loại bỏ acid lactic trong máu và chuyển hóa trở lại thành năng lượng.
“Nếu bạn huấn luyện một vận động viên trong thời gian dài, hệ thống tim mạch của anh ta sẽ phát triển đến một mốc nhất định và từ đó trở đi, sẽ rất khó để phát triển hơn nữa bởi nó chịu sự chi phối của tim và các mạch máu”, Messonnier giải thích. “Nếu bạn tiếp tục huấn luyện người này, bạn sẽ không thể cải thiện độ hiếu khí nhưng thành tích vẫn sẽ được cải thiện bởi ngưỡng acid lactic không bị giới hạn bởi hệ thống tim mạch mà nó được quyết định bởi chất lượng cơ bắp”.
Dean Karnazes tập chạy ở Florida (Ảnh: Patitucci Photo) |
Cơ thể loại acid lactic trong máu thông qua một loạt phản ứng hóa học được điều khiển bởi các ty lạp thể trong tế bào cơ. Những phản ứng này chuyển hóa đường một lần nữa và chúng được tăng cường bởi một số enzyme cụ thể. Quá trình tập luyện lâu dài sẽ cải thiện enzyme và ty lạp thể trong cơ thể, từ đó cải thiện khả năng làm sạch acid lactic. Nhưng cũng có những giới hạn đối với khả năng cải thiện ngưỡng acid lactic chỉ bằng tập luyện.
Karnazes phải lòng môn chạy bộ từ khi còn rất trẻ. Thời trung học, ông bắt đầu cho thấy khả năng chịu đựng vượt xa bạn bè đồng trang lứa. Tại một sự kiện gây quỹ từ thiện, trong khi các bạn hoàn thành 15 vòng chạy thì Karnazes hoàn thành tới 105 vòng. Nhưng ông đã có một quãng thời gian dài ngừng chạy và đam mê chỉ trỗi dậy trở lại khi Karnazes bước sang tuổi 30.
Sau 15 năm không luyện tập, hầu hết mọi người khó có thể chạy quá xa vì điều kiện thể chất giới hạn. Tuy nhiên, Karnazes lại chạy được tới gần 50 km mà không nghỉ. Cơ bắp của Karnazes không có dấu hiệu mệt mỏi.
Karnazes cho rằng khả năng phi thường của ông bắt nguồn từ trong gene song đây không phải yếu tố duy nhất. Karnazes tin khả năng lọc acid lactic của ông còn bắt nguồn từ tình trạng mỡ cơ thể thấp, tỷ lệ toát mồ hôi thấp, chế độ ăn uống giàu kiềm và môi trường ít tiếp xúc với chất độc hại.
“Gene có thể mang đến cho bạn lợi thế tự nhiên nhưng bạn sử dụng lợi thế ấy theo cách khách nhau dựa trên môi trường và lối sống”, Karnazes nhấn mạnh.