| Hotline: 0983.970.780

Những giải pháp cơ bản trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Thứ Sáu 09/06/2023 , 14:17 (GMT+7)

Để xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm ở Đông Nam bộ, Cục Thú y đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và cần thiết.

Các địa phương phải xác định vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Ảnh: Sơn Trang.

Các địa phương phải xác định vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Nguyễn Kim Dũng, Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y Vùng 6 (Cục Thú y), để xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm trong giai đoạn 2022 - 2030 ở Đông Nam bộ, Cục Thú y đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Trước hết, các địa phương phải xác định vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và hướng tới yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Trên cơ sở đó, xác định rõ các vùng cần xây dựng để đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và OIE.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn dịch bệnh, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho các cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh động vật, với mục tiêu để những vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh nắm vững các quy định an toàn dịch bệnh của OIE.

Hướng dẫn chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tập huấn, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Chủ động tổ chức lấy mẫu, giám sát, xét nghiệm chứng minh không có các loại mầm bệnh lưu hành, chứng minh hiệu quả vacxin phòng bệnh, chứng minh đảm bảo an toàn thực phẩm tại các vùng an toàn dịch bệnh, bảo đảm yêu cầu truy xuất thông tin, kết quả giám sát chứng minh vùng an toàn dịch bệnh.

Tổ chức kiểm soát động vật, giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y trong vùng an toàn dịch bệnh, kịp thời phát hiện động vật được vận chuyển từ bên ngoài vào vùng an toàn dịch bệnh để giết mổ, tiêu thụ. Tổ chức thu thập, quản lý thông tin, dữ liệu bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật và chứng minh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Khẩn trương thực hiện Quyết định 414 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp để bảo đảm tổ chức xây dựng thành công, quản lý và duy trì có hiệu quả vùng an toàn dịch bệnh. Xây dựng hồ sơ năng lực quốc gia, hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ để xuất khẩu.

Một nhiệm vụ cũng không thể thiếu được là thực hiện tổ chức giám sát, kiểm tra, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá và bàn các giải pháp tổ chức thực hiện, bảo đảm sát thực tiễn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của OIE và các nước nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Để thực hiện thành công lộ trình xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm, bên cạnh nỗ lực của chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương, thì vai trò của các doanh nghiệp chăn nuôi cũng rất quan trọng.

Đường nước trong một trang trại chăn nuôi gà quy mô công nghiệp. Ảnh: Sơn Trang.

Đường nước trong một trang trại chăn nuôi gà quy mô công nghiệp. Ảnh: Sơn Trang.

Do đó, khi đưa ra lộ trình xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, Cục Thú y cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăn nuôi (gọi chung là doanh nghiệp chăn nuôi) đã xây dựng thành công cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tổ chức đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ hàng năm; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp duy trì, xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.

Các doanh nghiệp chăn nuôi có nhu cầu cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương lập kế hoạch/đề án xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Doanh nghiệp tuyển chọn, bố trí nguồn nhân lực đã được đào tạo, tập huấn và nắm rõ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn nhân lực này được bố trí phù hợp cho từng công đoạn của chuỗi sản xuất an toàn.

Doanh nghiệp cần thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác kỹ thuật của đơn vị nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả các nội dung của kế hoạch/đề án. Tham gia tổ chức thực hiện phòng, chống và giám sát dịch bệnh tại vùng đệm xung quanh chuỗi an toàn dịch bệnh.

Doanh nghiệp xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam. Chuẩn bị hồ sơ và tham gia mời cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu đến đánh giá, công nhận chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE và theo yêu cầu của nước nhập khẩu…

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.