| Hotline: 0983.970.780

Những giai thoại về hai ngôi mộ bị giam trong xiềng xích

Thứ Năm 05/05/2016 , 13:30 (GMT+7)

Tương truyền, trên đường trốn chạy sự truy sát của nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn được một gia đình cưu mang. Trước khi rời đi, ông gửi lại chiếc rương đựng đồ dùng cá nhân, hẹn sẽ quay lại lấy và trả công hậu hĩnh cho gia chủ. Đâu ai ngờ, những món đồ ấy chẳng mang lại bổng lộc gì, mà còn mang họa cho cả dòng tộc.

Ấy là truyền thuyết về khu mộ vợ chồng ông Lê Phước Tang nổi tiếng ở Tiền Giang.

Từ những giai thoại

Khu mộ ông Tang hiện ở ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Mặc dù rất nổi tiếng nhưng lại khá hoang tàn, đang trong thời kỳ xuống cấp nghiêm trọng.

Khu mộ nằm trong khuôn viên rộng chừng 200m2, có tường xây bao quanh với bốn trụ góc hình bông sen. Trùm lên gần hết khu mộ là 2 cây thị cổ thụ.

Trải qua hơn 200 năm, với bao biến cố lớn, 2 ngôi mộ đã có vài chỗ sứt mẻ. Hai bức bình phong hậu và bình phong tiền vẫn còn ẩn hiện dấu tích những hình điêu khắc tinh xảo, nhưng đã bị thời gian bào mòn. Trên bề mặt mộ, có những đường gân hình lá sen úp với cuống trên đỉnh, tỏa xuống ôm trọn ngôi mộ. Đây chính là những đường gân mà theo truyền thuyết, là sợi dây trói.

Chuyện kể rằng, khoảng những năm cuối thế kỷ 18, ông Tang dẫn đầu đoàn gia quyến, người thân từ miền ngoài vào vùng ven sông Tiền khai khẩn, và trở thành chủ điền lớn nhất vùng thời ấy với 125 mẫu ruộng thẳng cánh cò bay. Ông là người có công lập nên làng Hòa Thuận (xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) ngày nay. Khi ông mất, người dân tỏ lòng thương tiếc, đã lấy tên ông đặt cho con rạch chảy qua làng là rạch Ông Tang.

Theo các giai thoại còn lưu truyền đến ngày nay, gia đình ông Tang từng là người cưu mang, nuôi giấu chúa Nguyễn và đoàn tùy tùng khỏi sự truy sát của nhà Tây Sơn. Cảm kích trước tầm lòng của ông Tang, trước khi lên đường qua Xiêm cầu viện, chúa Nguyễn Ánh gửi ông Tang chiếc rương đựng đồ cá nhân nhờ cất giữ, hẹn ngày quay lại lấy và sẽ ban thưởng hậu cho ông.

14-15-28_nh-1
Khu mộ ông Tang

Năm tháng qua đi, ông Tang ngày một già yếu mà chưa thấy người gửi đồ quay lại lấy. Sợ không sống được đến ngày gặp mặt nên ông Tang nói cho các con biết về rương đồ và dặn phải giữ kỹ, chờ chủ nhân nó quay về lấy.

Sau khi người cha qua đời, 2 con trai ông Tang là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa tò mò mở rương hành lý ra xem. Thấy những bộ đồ vương quyền đẹp mắt, bèn mang ra khâm liệm cho cha trước khi chôn. Rồi lấy những bộ đồ của chúa Nguyễn ra dùng, thậm chí mặc ra ruộng. Mặc dù nhiều người khuyên can, nói đó là tội khi quân, nhưng nghĩ chúa Nguyễn sẽ không bao giờ thắng được quân Tây Sơn nên 2 anh em Tánh, Khỏa chỉ cười trừ, không nghe.

Năm Đinh Mùi (1788), quân của chúa Nguyễn trở lại đánh thắng quân Tây Sơn bên bờ kênh Ba Rài (thuộc thị trấn Cai Lậy ngày nay). Năm 1802, Nguyễn Ánh chính thức xưng vương, lấy hiệu Gia Long.

Nhớ ơn ông Tang, nhà vua sai người tìm gia đình ông để ban thưởng. Thế nhưng nghe chuyện hai anh em Tánh, Thỏa, vua Gia Long nổi trận lôi đình ban lệnh tru di tam tộc, tịch thu toàn bộ tài sản của dòng họ Lê Phước.

Riêng vợ chồng ông Tang, dù đã qua đời, nhưng vẫn bị khép vào tội “dưỡng bất giáo”, nghĩa là sinh con ra nhưng không giáo dưỡng đến nơi đến trốn, để chúng làm chuyện “đại nghịch bất đạo” và tội “khi quân” nên bị trừng phạt bằng hình thức đánh roi lên mộ và xích sau đó xiềng mộ lại với hàm ý dòng họ Lê Phước sẽ muôn đời bị giam trong xiềng xích, tù ngục. Đồng thời, cho trồng 1 cây thị bên cạnh khu mộ với hàm ý "miệt thị" dòng họ Lê Phước.

Đến những luận giải

Để hiểu hơn về những giai thoại xung quanh ngôi mộ này, chúng tôi tìm gặp ông Trương Ngọc Tường, người không chỉ là dân địa phương mà còn có thâm niên hơn 30 năm nghiên cứu, sưu tầm cổ vật vùng Nam bộ.

Theo ông Tường, chuyện hai con trai ông Tang mặc áo vua đi thăm ruộng chỉ là giai thoại. Căn cứ vào những chữ khắc trên bia mộ ông Tang, tên hai người con đứng ra lập mộ cha là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa. Trên bia mộ còn có ghi dòng chữ "Lão tiên sinh". Điều đó cho thấy, ông Tang mất khi tuổi đã cao.

14-15-28_nh-6-
14-15-28_nh-5
Hai ngôi mộ với những dường gân hình lá sen, theo truyền thuyết, là sợi dây xích

Phần sứt mẻ trên bia mộ lại trùng vào chỗ khắc năm sinh, nên không biết chính xác ông Tang gặp chúa Nguyễn vào khoảng thời gian nào. Tuy nhiên, căn cứ theo thời gian ông qua đời là tháng 10 năm Kỷ Hợi (1779). Lúc đó, Nguyễn Ánh chưa lên ngôi vua. Có nghĩa là chưa có triều phục. Như vậy, truyền thuyết hai anh em Tánh, Khỏa mặc áo vua đi làm đồng và khâm liệm cho cha là không có cơ sở.

Giả thuyết này càng được khẳng định khi năm 1985, do nghĩ mộ ông Tang có vàng bạc, châu báu nên kẻ trộm đã bí mật đào mộ ông Tang để tìm. Nhưng chúng chỉ tìm thấy ống ngoáy trầu, lược sừng. Vụ đào mộ sau đó bị cơ quan chức năng phát hiện, ông Tường được phân công kiểm tra ngôi mộ ông Tang và xác nhận, trong ngôi mộ cổ không hề có áo mão vua hay báu vật gì.

“Nhưng như vậy vì sao dòng họ Lê Phước lại bị tịch thu gia sản?”, tôi hỏi. “Theo hiểu biết của tôi thì dòng họ Lê Phước bị trừng phạt vì năm 1785, lúc quân Tây Sơn làm chủ được nhiều làng dọc theo sông Ba Rài sau chiến thắng trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Khi đó, nghĩ chúa Nguyễn không còn cơ hội quay về nữa nên 2 người con trai ông Tang đã theo phò tá nhà Tây Sơn. Chuyện mộ ông bà Tang bị xiềng là có, nhưng là vì nguyên do này chứ không phải vì đã lấy áo vua mặc” ông Tường nêu quan điểm.

Nói về chuyện vua Gia Long cho trồng cây thị bên mộ ông Tang với hàm ý miệt thị, ông Tường khẳng định, cây thị này được con cháu ông Tang trồng cùng những loại cây khác xung quanh tường rào để bảo vệ khu mộ chứ không phải do vua Gia Long trồng để "miệt thị" như dân gian truyền tụng.

Theo những người cao tuổi, năm Mậu Ngọ (1978), vùng này xảy ra một trận lụt lớn và kéo dài cả tháng trời, khiến hầu hết những cây lâu năm đều bị thối rễ, bung gốc mà chết. Nhưng riêng 2 cây thị ở khu mộ ông bà Tang chẳng hề hấn gì. Không những thế, dù vươn lên ở đồng không mông quạnh nhưng hai cây thị trải qua biết bao mùa mưa bão, chưa bị sét đánh bao giờ. Những năm tháng chiến tranh, không ít lần bom đạn cày xới vùng này nhưng cây thị vẫn cứ sừng sững. “Đó là những điều mà không ai giải thích được”, ông Tường nói.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.