| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa TBR97: Chiến binh thầm lặng

Thứ Hai 25/03/2024 , 06:04 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Không khoe bông nhưng trên chân đất ruộng pha cát bạc màu, giống lúa thuần TBR97 vẫn cho năng suất 500kg/sào (500m2), nông dân ai nấy đều mê tít.

Trên đất xấu, năng suất vẫn cao như đất tốt

Cánh đồng thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) là đồng đất cát pha, cây lúa “chật vật” lắm mới sinh trưởng, phát triển ổn định trên chân đất này. Ấy vậy mà vụ đông xuân 2023 - 2024, cánh đồng Vạn Thiện được giống lúa TBR97 do Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên cung ứng đã phá đi “cái dớp” đất xấu khi năng suất lúa vụ này đạt đến 500kg/sào (500m2).

Ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, HTX Nông nghiệp 1 Mỹ Hiệp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ đã phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên tổ chức mô hình trình diễn giống lúa mới TBR97 tại cánh đồng thôn Vạn Thiện (xã Mỹ Hiệp) với diện tích 1ha.

Nông dân thăm mô hình trình diễn giống lúa mới TBR97 tại cánh đồng thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân thăm mô hình trình diễn giống lúa mới TBR97 tại cánh đồng thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Thành, thời tiết trong vụ đông xuân 2023 - 2024 diễn biến khá phức tạp, nhiệt độ trung bình cao, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Thời tiết bất thuận cũng đã khiến nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là bọ trĩ, sâu cuốn lá, rầy, bệnh đạo ôn.

Đến giai đoạn cuối vụ, thời tiết trở nóng ẩm, nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt, sâu đục thân phát sinh gây hại. Thế nhưng nhờ giống TBR97 có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cộng với nỗ lực của cán bộ kỹ thuật HTX Nông nghiệp 1 Mỹ Hiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ và Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên nên diện tích lúa trong mô hình phát triển tốt, cho năng suất cao.

“Vụ đông xuân 2023 - 2024 thời tiết gặp nhiều bất lợi, nhưng nhờ nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa TBR9 tuân thủ hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, thực hiện tốt chế độ chăm sóc, bón phân, làm đất nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Đặc biệt nông dân tuân thủ mật độ gieo sạ thưa (6kg giống/sào) nên quản lý tốt sâu bệnh hại, nhất là hạn chế được mức độ gây hại của bệnh khô vằn, rầy nâu. Thêm vào đó, khả năng chống chịu sâu bệnh của giống lúa thuần TBR97 rất tốt nên rầy nâu chỉ phát sinh gây hại rải rác với mật độ rất thấp trong giai đoạn cuối vụ. Các đối tượng sâu bệnh khác như bệnh đạo ôn, bệnh thối thân thối bẹ không thấy phát sinh gây hại”, ông Thành chia sẻ.

Chủ ruộng mô hình trình diễn giống lúa mới TBR97 gặt thống kê. Ảnh: V.Đ.T.

Chủ ruộng mô hình trình diễn giống lúa mới TBR97 gặt thống kê. Ảnh: V.Đ.T.

Trên đường ra cánh đồng Vạn Thiện tham quan mô hình sản xuất giống lúa TBR97, nhìn những thửa ruộng trong vùng bị cơn mưa bất chợt vừa xô lúa ngã rạp cả đám, ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ rất phấn khởi khi thấy diện tích lúa TBR97 trong mô hình vẫn đứng vững.

“Giống lúa này cho năng suất, chất lượng cao, là lựa chọn ưu tiên của nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khí hậu, thời tiết thay đổi như hiện nay thì việc giống lúa này cứng cây, chống đổ ngã tốt cũng là yếu tố quyết định để nông dân lựa chọn”, ông Thành nói.

Năng suất cao bất ngờ

Nông dân Nguyễn Đồng, người trực tiếp tham gia sản xuất lúa TBR97 trên cánh đồng Vạn Thiện cho hay: “Vụ đông xuân 2023 - 2024 là vụ đầu tiên tôi sản xuất giống lúa TBR97 với diện tích 2 sào. So với những giống lúa thuần tôi từng làm trước đây trên cùng chân đất, giống TBR97 phát triển cây con rất khỏe, đẻ nhánh đồng loạt, lại là giống lúa ngắn ngày nên rất phù hợp với đồng đất ở đây.

Cánh đồng Vạn Thiện là chân đất cao, nếu sạ giống lúa dài ngày, đến cuối vụ sẽ bị thiếu nước tưới. Cả vùng này ăn nước hồ Chí Hòa 2, hồ này rất nhỏ, chỉ tưới được hơn 40ha lúa. Đặc biệt, vụ đông xuân cây lúa ở đây thường bị bệnh đạo ôn, nhưng giống TBR97 chống chịu rất tốt với bệnh này nên cây lúa không bị bệnh đạo ôn gây hại”.

Lúa TBR97 không khoe bông, nhưng không bị lép cậy nên cho năng suất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Lúa TBR97 không khoe bông, nhưng không bị lép cậy nên cho năng suất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân Đoàn Văn Phúc, người sản xuất 1,5 sào lúa TBR97 trong mô hình trình diễn của Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên cũng đánh giá giống lúa này ít bị sâu bệnh, riêng bệnh đạo ôn cổ bông tuyệt nhiên không xảy ra. Đồng đất Vạn Thiện là đất cằn, đất cát, nhưng nhìn thấy cây lúa TBR97 phát triển sởn sơ, hứa hẹn cho năng suất cao, nông dân trong vùng không tham gia mô hình ai nhìn thấy cũng mê. “Nhìn thấy mã lúa của tôi ngời ngời ai cũng tấm tắc khen”, ông Phúc nói.

Khi chủ ruộng mô hình gặt thống kê để tính năng suất, nhìn những gié lúa giấu hết vào trong lá, những nông dân tham quan mô hình không thể đoán ra năng suất của lúa TBR97. Vậy nên khi chủ ruộng đưa số lúa gặt trong 1m2 lên bàn cân, nông dân tham quan ai cũng ngạc nhiên vì tính ra năng suất đạt đến 500kg/sào. Ông Nguyễn Đồng, chủ ruộng gặt thống kê giải thích: “Do giống TBR97 giấu bông và không có lép cậy nên cho năng suất ngoài dự đoán”.

“TBR97 là một trong những giống mới mà ngành chức năng đưa vào sản xuất lần đầu tiên tại huyện Phù Mỹ trong vụ đông xuân vừa qua. Chúng tôi thấy giống này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện canh tác của người dân địa phương. TBR97 cũng là giống có tính thích nghi cao, chưa có biểu hiện nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là giống ngắn ngày nên phù hợp cả vụ đông xuân và hè thu. Đây là giống lúa chúng tôi thấy có triển vọng, có thể bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương trong những năm tới”, Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ đánh giá.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.