| Hotline: 0983.970.780

Những nơi tại Bình Thuận không được chăn nuôi và nuôi chim yến

Thứ Bảy 03/06/2023 , 08:47 (GMT+7)

Nhằm ngăn chặn chăn nuôi gia súc, gia cầm tự phát gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, tỉnh Bình Thuận quy định khu vực không chăn nuôi, vùng nuôi chim yến.

Trong thời gian qua, chăn nuôi ở Bình Thuận chủ yếu nhỏ lẻ. Ảnh: KS.

Trong thời gian qua, chăn nuôi ở Bình Thuận chủ yếu nhỏ lẻ. Ảnh: KS.

Khu vực nào không được chăn nuôi

Trong thời gian qua, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Từ đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nhất là các hộ dân sống xung quanh các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đối với tình hình gây nuôi chim yến, trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.425 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến tại hầu hết cac huyện, thành phố.

Tuy nhiên, đa số các hộ nuôi chim yến là phát triển tự phát, có nhiều nhà yến xây dựng xen kẽ trong khu dân cư, đã làm phát sinh tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, song chưa được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.

Trước những bất cập, tồn tại trên, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết “Quy định vùng nuôi chim yến, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác.

Có chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi là rất cần thiết.

Cở sở nuôi dẫn dụ chim yến ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Cở sở nuôi dẫn dụ chim yến ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Do đó, vừa qua UBND tỉnh Bình Thuận đã có tờ trình cho Hội đồng nhân dân tỉnh. Sau đó, ngày 9/5, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết 04 về Quy định vùng nuôi chim yến. Khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác. Chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối với khu vực không được phép chăn nuôi tại phục lục ban hành kèm theo Nghị quyết này gồm toàn bộ các phường thuộc TP Phan Thiết.

Các phường thuộc thị xã La Gi như Phước Hội, Tân Thiện, Tân An và Bình Tân. Toàn bộ khu vực quy hoạch đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt tại thị trấn Liên Hương và thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong).

Thị trấn Ma Lâm, thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc); thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam); thị trấn Lương Sơn và thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình); thị trấn Tân Minh, Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân); thị trấn Võ Xu, Đức Tài (huyện Đức Linh) và thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh).

Tại huyện đảo Phú Quý gồm toàn bộ khu trung tâm huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tỉnh Bình Thuận quy định cụ thể những vùng không chăn nuôi. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận quy định cụ thể những vùng không chăn nuôi. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, các xã còn lại của các huyện, thị, thành phố bao gồm các khu vực xây dựng công trình công cộng, điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã theo quy định. Các khu vực được quy hoạch phát triển nhà ở có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng không được phép chăn nuôi.

Đối với quy định vùng nuôi chim yến từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành là vùng nằm ngoài khu vực quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Tuy nhiên tổ chức, cá nhân có nhà yến đã xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành nằm trong khu vực quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này, nhưng tuân thủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ- CP của Chính phủ được phép tiếp tục duy trì hoạt động.

Nghị quyết cũng quy định rõ về việc hỗ trợ di dời, chấm dứt chăn nuôi. Ảnh: KS.

Nghị quyết cũng quy định rõ về việc hỗ trợ di dời, chấm dứt chăn nuôi. Ảnh: KS.

Chính sách hỗ trợ di dời, chấm dứt chăn nuôi

Nghị quyết này cũng đã quy định chính sách hỗ trợ khi chấm dứt hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi (không bao gồm cơ sở nuôi chim yến) được thực hiện theo nguyên tắc: Mỗi cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết chỉ được hỗ trợ một lần.

Việc hỗ trợ được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc sau khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, không áp dụng đối với trường hợp các cơ sở chăn nuôi liên kết, chăn nuôi gia công hoặc cho thuê trại…

Về mức hỗ trợ đối với cơ sở chăn nuôi mà chuồng trại tường xây gạch, nền bê tông hoặc láng xi măng, mái lợp tôn hoặc ngói sau khi thực hiện di dời được hỗ trợ 200.000 đồng/m2 sàn chuồng trại tại thời điểm thực hiện di dời, song không quá 200 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi.

Còn cơ sở chăn nuôi có chuồng trại làm bằng khung gỗ, nền đất, mái lợp tôn hoặc che lát vật liệu tạm sau khi thực hiện di dời được hỗ trợ 100.000 đồng /m2 sàn chuồng trại tại thời điểm thực hiện di dời, tuy nhiên không quá 100 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi.

Đối với các cơ sở chăn nuôi khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi (không di dời) trước ngày 1/1/2025 được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng.

Cụ thể, cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 1 đến dưới 5 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ số tiền 2,34 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi. Cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 5 đến dưới 10 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ số tiền 3,51 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi. Cơ sở chăn nuôi có quy mô trên 10 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ số tiền 4,68 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi.

Kinh phí thực hiện chính sách từ nguồn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành.

Được biết, ngay sau khi Nghị quyết do HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản giao Sở NN-PTNT nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Xem thêm
Bà con vùng cao bảo vệ 'tài sản di động' trước mùa rét

LÀO CAI Bà con vùng cao chủ động tích trữ lương thực, giữ ấm cho đàn trâu, bò để bảo vệ 'tài sản di động' của mình trước các đợt rét đậm, rét hại.

Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng Hợp Trí giúp đạt chuẩn xuất khẩu

Là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng sầu riêng cũng là một trong những loại cây dễ mẫn cảm nhất với sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh bất lợi khác.

Sẽ tập trung đầu tư hạ tầng cho các viện nghiên cứu

NINH THUẬN Làm việc với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ tập trung đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu.