| Hotline: 0983.970.780

Những xóm làng im bặt tiếng cười, chỉ nghe tiếng thở dài ngao ngán

Thứ Ba 06/06/2017 , 14:26 (GMT+7)

Tôi đã đi qua những xóm làng xơ xác, im bặt tiếng cười. Trong cơn khủng hoảng giá ở nông thôn bây giờ con gì ăn cỏ được người ta chuộng còn ăn lương thực, thực phẩm thì ghét bởi phải mất tiền mua.

Vì thế mà cá trắm, chép, trôi mè được sủng ái còn rô phi, điêu hồng đâm ra thất sủng. Cũng có một ngoại lệ là cá chim trắng hay trê lai những kẻ tiêu thụ xác chết của đồng loại chết đói, chết dịch, không cần phải mua thức ăn nên vẫn còn được tin dùng.
 

Ao rắc vôi trắng như vành khăn tang

Nhà anh Nguyễn Văn Quang ở thôn Quảng Tân (xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) có 2 mẫu ao nuôi rô phi, trắm, trôi, chép. Hồi còn được giá, rô phi chỉ nuôi 6 tháng nặng chừng 4 - 5 lạng là đại lý đã vồ vập đặt mua với giá 30.000 - 32.000đ/kg giờ phải nuôi 8 - 9 tháng, đạt trên 7 lạng mới có cơ hội bán được 23.500đ/kg, con nào nặng dưới 7 lạng chỉ bán ngang giá với cá mè ta 12.000đ/kg.

10-14-54_dsc_8344
Thu hoạch cá bè

Đến giữ giá như chép, trắm cũng xuống thê thảm, từ 50.000 - 60.000đ/kg còn 40.000đ/kg cho loại nặng từ 2 - 3kg trở lên. Đã thế, phải cầu cạnh mãi trên 10 ngày thương lái mới chịu về. Họ chèn ép đủ kiểu, toàn phán cá dưới 7 lạng để dìm giá, chủ xót ruột bảo trên 7 lạng, cãi nhau còn hơn cả mổ bò. Cái gì bẩn thỉu không ăn được đều ném hết cả vào mặt nhau.

Vợ anh Quang bảo, khi nước trong ao còn nổi thì không mấy lo nghĩ nhưng khi nước cạn trơ đáy, cái sự lỗ lã mới thực sự hiện hình, mất cả trăm triệu. Tối 27, 28/5 thu ao là mấy hôm liền chị không ngủ, không ăn, không uống được, miệng lúc nào cũng đắng ghét như người ốm, tiếc của như muốn hóa dại.

Người bắt cá giúp cũng toàn là người nuôi cá trong vùng, luân phiên theo kiểu dạng cấy đổi công. Những vụ trước, mỗi tối thu cá là chị lại nấu một nồi cháo gà đại để cảm ơn rồi hôm sau lại thịt một con chó to 20kg kèm khoản đãi bia bọt. Giờ miệng ai cũng đắng như nhau, lòng ai cũng héo như nhau, gan ai cũng bầm như nhau, chẳng màng gì đến ăn uống.

Thua lỗ còn nặng hơn rô phi là mấy hộ nuôi rô đồng. Như anh Nguyễn Xuân Thành ở thôn Trung Hà nuôi 1 mẫu rô đồng vừa xuất bán với giá 28.000đ/kg lỗ đúng150 triệu trong khi trước đó chỉ mấy tháng giá vẫn còn neo ở mức 40.000đ/kg.

Vì âm vốn nặng nề quá mà nhiều nhà ở Nam Tân phải “treo ao”. Những chiếc ao phơi đáy, rắc vôi trắng xóa trông như những vành khăn tang phủ kín xóm làng. Anh Vũ Ngọc Hanh - cán bộ nông nghiệp của xã thống kê trong đồng hiện có hơn 100 hộ nuôi cá với tổng diện tích 90ha nhưng nhiều ao giờ không còn con cá nào.

Cảnh ngoài sông còn buồn bã hơn. Nam Tân có 68 hộ nuôi cá lồng với hơn 1.000 lồng, ước khoảng 30% đã bỏ trống như hộ anh Nguyễn Văn Sở 30 lồng chỉ còn 6 - 7 lồng có cá, hộ anh Trần Văn Tín bỏ không 30 lồng. Khổ nhất là gia cảnh của anh Sở, mới đầu tư 30 lồng, năm ngoái dính dịch, mấy chục tấn cá chết nổi trắng, vừa vớt đổ vừa khóc.

Năm nay thì chết về thị trường. Giá cá nheo Mỹ (lăng đen) đang từ 100.000đ xuống chỉ còn phân nửa. Bởi suy nghĩ nhiều quá mà anh phát liền một lúc 6 - 7 loại bệnh, phó mặc tất lồng bè cho bà mẹ vợ chăm. Hôm tôi đến, khu lồng bè rộng bát ngát lạnh lẽo như đã bỏ hoang, chỉ có mấy tiếng chó sủa nhóc nhách là chỉ dấu cho sự sống còn neo đậu chút ít ở nơi đây.

Mẹ vợ anh Quang đi xin cá chết về cho cá trê ăn

Chờ mãi đến tận sẩm tối, cuối cùng tôi cũng thấy bóng một người đàn bà khắc khổ thấp thoáng trên chiếc bè ở đằng sau chất ngất nghểu hai chậu đựng toàn cá chết. Đám cá chết đói hay chết dịch của các nhà vứt đi được bà xin về làm thức ăn cho trê lai. Ngửi thấy mùi thối rữa, lũ cá đói dưới đáy chợt chồm lên, tranh nhau rúc đầu vào những cái xác đã trương phềnh như những quả bóng để rút ruột, moi gan, rỉa thịt.

Không ăn được xác chết như trê lai, đám diêu hồng trong mấy ô lồng cả tháng nay đành chịu nhịn. Con lợn, con gà, con vịt trên bờ còn biết kêu đói nhưng con cá ở sâu dưới nước không thể cất lời cứ âm thầm chịu đựng, gầy mòn rồi chết dần. Tiếc của, vừa rồi bà mới gọi người vớt đám cá gầy còm 5 - 6 lạng/con, da chưa kịp chuyển sang màu hồng đem bán được 10.000đ/kg. Chỉ loại cá to, nặng trên 1kg, da dẻ hồng hào, đẹp đẽ mới được cánh nhà hàng mua về với giá 28.000đ/kg (vài tháng trước giá 40.000 - 50.000đ/kg).

Không có việc gì làm, vợ anh Sở nay xoay sang nghề đi chợ buôn cá. Cách buôn của chị rất thảm nhưng lại hợp thời, chuyên tìm đến 1.000 lồng bè trong xã để mua các loại cá ngớp sắp chết hay vừa mới chết với giá rẻ mạt rồi đem bán ở các chợ trong vùng. Cái kiểu buôn “kền kền” này phần nào cũng giúp cho chị có thể kiếm được ít tiền đủ để mua gạo mắm mà lay lắt sống qua ngày, để chăm ông chồng đang dầm dề bệnh tật.

Các phản thịt lợn trong làng, ngoài xã ế sưng khi ngày nào thôn xóm cũng vang rền tiếng lợn bị chọc tiết vì ăn đụng. Chỉ hơn 100.000đ là cắp về một rổ thịt nặng chịch nên tủ lạnh nhà nào cũng chất đầy thịt, không màng đến các loại thực phẩm khác nữa.

Đêm đó tôi ngủ ở lồng bè trên sông Kinh Thầy, nghe tiếng cá đói đớp sụt sụt bên dưới như rứt da, rứt thịt mà đau. Năm 2013, Hải Dương mới có 38 hộ nuôi bè với 560 lồng nay đã tăng vọt lên 2.944 lồng. Mà không chỉ riêng mình Hải Dương phát triển vô quy hoạch mà còn Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam… đâu đâu cũng có cảnh đổ xô vào nuôi cá bè, thậm chí còn được hà hơi, tiếp sức bởi sự hỗ trợ tiền từ chính quyền…
 

Hạt thóc thời rẻ rúng

Củ cải đường, củ cà rốt của huyện Cẩm Giàng nhiều lúc đổ cả ra đê, rau màu của huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ lắm phen ủ làm phân xanh hay đem cho cá ăn, quả quất của huyện Thanh Hà còn 1.000 - 2.000đ/kg để mặc chín rụng đầy gốc. Ngay cả hạt thóc, hạt ngọc một thời ở quê giờ cũng rẻ mạt đến không ngờ, chỉ 5.000 - 6.000đ/kg.

Ở thôn Phú Thuận (xã Hồng Khê, huyện Bình Giang, Hải Dương) xưa có cụ Vũ Đình Bách nổi tiếng là người giỏi giữ của. Cụ quý chiếc xe đạp Favorit của Tiệp Khắc đến mức hễ đi đâu về là vội lấy giẻ lau chùi đến sáng bóng rồi móc treo lên không cho tiếp đất vì sợ ẩm, sợ hỏng lốp và không quên mắc màn cho nó khỏi bụi, khỏi bẩn. Cụ quý thóc đến mức vời một cánh thợ mộc giỏi về nhà để đóng một chiếc hòm gian rất đẹp bằng gỗ xoan ngâm.

10-14-54_dsc_4840
Hạt lúa thời rẻ rúng

Cái hòm chiều ngang rộng như một gian nhà với 4 cái chân gỗ thon thon, bên trên nắp mở lật lên rồi lật xuống, được đặt trang trọng giữa nhà. Nó vừa là nơi chứa thóc lại vừa làm bàn thờ. Ai đến nhà, cụ Bách cũng niềm nở đến bên cái hòm rồi đích thân vỗ vỗ tay vào, lắng nghe trong đó từng tiếng “bịch bịch” no ấm vọng về.

Cái hòm gian cụ Bách đã mở đầu cho phong trào đóng hòm thóc theo hình mẫu mới của làng thay cho việc cất trữ bằng chum hay thậm chí bằng… áo quan (loại áo làm sẵn, chưa sơn thếp dành đợi cho cha già, mẹ héo). Khi cụ mất đi thì cái hòm cũng biến mất. Giờ cả cái làng 164 hộ tìm đỏ mắt không nhà nào còn hòm gian, có chăng chỉ cất một ít để ăn trong những cái hòm tôn nhưng không còn để trang trọng trong nhà nữa mà toàn gian phụ hay chái bếp.  Bây giờ nhiều thóc không còn là nhà giàu nữa mà là những nhà khó khăn.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.