| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận: Nhiều phương án sản xuất vụ mùa

Thứ Sáu 21/09/2018 , 10:30 (GMT+7)

Mặc dù trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có mưa, nguồn nước tại hồ Đơn Dương và một số hồ chứa tăng lên cơ bản đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi, tuy nhiên nước sản xuất vụ mùa vẫn hết sức khó khăn.

10-30-28_dscn1731
Nhiều hồ chứa của Ninh Thuận vẫn cạn kiệt

Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết: Từ đầu năm đến nay tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh rất ít, chỉ đạt 37 - 53% so với cùng kỳ mọi năm, do mưa ít nên lượng nước trong các hồ chứa của tỉnh giảm rất nhanh. Rất may mấy ngày qua đã xuất hiện mưa dông lượng nước trong 21 hồ chứa do Cty quản lý được bổ sung, hiện đạt 70,5 triệu m3/tổng dung tích thiết kế là 194,49 triệu m3, tương đương 36%, tăng 20 triệu m3 so với những ngày đầu tháng 9.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong số 21 hồ chứa thì chỉ còn vài hồ là có khả năng cung cấp nước cho sản xuất vụ mùa, trong đó có 14 hồ chứa vẫn trơ đáy. Đặc biệt lượng nước tại hồ Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cấp nước cho nhà máy thủy điện Đa Nhim sau đó cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho phần lớn diện tích trồng trọt của Ninh Thuận đã được bổ sung nguồn nước từ chỗ còn 13 triệu m3 thì đến ngày 18/9 đã đạt 43 triệu m3/dung tích thiết kế là 165 triệu m3.

Lượng nước tại các hồ đập hiện rất thấp, trong khi đó Ninh Thuận phải tích trữ nước phục vụ sản xuất vụ ĐX 2018 - 2019, do đó bài toán nguồn nước sản xuất vụ mùa đặt ra cho các ngành chức năng vô cùng nan giải.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết: Từ nay đến hết năm nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ một số ngành kinh tế trọng điểm của Ninh Thuận vào khoảng 7 triệu m3, nước cho chăn nuôi trên 2 triệu m3, nước cấp cho cây trồng lâu năm dự kiến 8 triệu m3.

Trên cơ sở cân đối nguồn nước UBND tỉnh đã đưa ra chỉ đạo với nhiều phương án sản xuất vụ mùa. Trường hợp lượng mưa của tỉnh đạt dưới 30mm và hồ Đơn Dương đạt dung tích trên 30 triệu m3 thì tỉnh chỉ đưa vào sản xuất vụ mùa tại các lưu vực tưới của hệ thống Sông Pha và vùng đầu kênh của hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm với tổng diện tích 11.843ha, trong đó lúa 4.735ha, thời gian kết thúc trước 10/10, còn lại là cây màu.

Cũng theo ông Thựu, trong điều kiện tổng lượng mưa tháng 9 dưới 30mm nhưng hồ Đơn Dương đạt dung tích 50 triệu m3 thì bổ sung thêm diện tích sản xuất lúa vụ mùa với diện tích 5.600ha tại các lưu vực tưới của hệ thống Sông Pha và Nha Trinh - Lâm Cấm. Trường hợp có mưa đều trên diện rộng, tổng lượng mưa trong tháng 9 đạt trên 100m, lượng nước hồ Đơn Dương đạt trên 80 triệu m3 và các hồ chứa của tỉnh Ninh Thuận đạt trên 50% dung tích thiết kế thì sẽ căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo gieo trồng cho phù hợp với tổng diện tích 26.563ha.

Tuy nhiên đối với những diện tích gieo trồng ở cuối kênh, không đảm bảo nguồn nước tưới hay chưa có ý kiến của UBND tỉnh, chưa thống nhất của ngành nông nghiệp, những diện tích gieo trồng sau 10/10 thì phải cày ải chuẩn bị xuống giống vụ ĐX tới.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng trưởng Tổng cục Thủy lợi, trong chuyến kiểm tra tình hình khô hạn tại Ninh Thuận mới đây đã nhận định đây là điều bất thường và nghiêm trọng. Ông Tỉnh đánh giá cao ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã chủ động trong phòng chống hạn, có nhiều phương án sản xuất vụ mùa đồng thời đề nghị chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp Ninh Thuận trên cơ sở rà soát lượng nước tại các hồ chứa, xây dựng ngay phương án điều tiết nước hợp lý.

"Việc sử dụng nước phải hết sức tiết kiệm theo thứ tự ưu tiên, nước cho sinh hoạt của người dân, nước cho đàn gia súc và nước cho các cây trồng có giá trị kinh tế sau đó mới tính đến nước sản xuất vụ mùa 2018. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra đối với tỉnh Ninh Thuận là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng xây dựng nền nông nghiệp sa mạc", ông Tỉnh chỉ đạo.

Ông Phan Quang Thựu: Vụ hè thu năm nay tổng diện tích cây trồng hàng năm của Ninh Thuận đạt 32.113ha, giảm 3.700ha so với năm trước nguyên nhân là do một số hồ chứa của tỉnh hết nước, trong đó diện tích lúa đạt 14.488ha. Dự kiến đến ngày 22/9 toàn bộ diện tích lúa hè thu sẽ thu hoạch xong với năng suất bình quân đạt 63 – 65 tạ/ha tương đương các năm trước.

 

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.