| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

Thứ Năm 11/06/2020 , 17:29 (GMT+7)

Trên cơ sở phát triển của địa phương, tỉnh Ninh Thuận xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở một số diện tích để thực hiện các dự án thủy lợi, năng lượng.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNTHà Công Tuấn đi kiểm tra công tác trồng rừng tại Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNTHà Công Tuấn đi kiểm tra công tác trồng rừng tại Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

10 dự án "dính" rừng

Ngày 11/6, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận cùng các cơ quan chức năng về tình hình phát triển rừng tại địa phương.

Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay, diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn ở vào khoảng trên 204 nghìn ha, trong đó diện tích đất có rừng là trên 155 nghìn ha (gồm 146,4 nghìn ha rừng tự nhiên và gần 9 nghìn ha rừng trồng). Diện tích đất chưa có rừng khoảng trên 48 nghìn ha. Cũng theo UBND tỉnh Ninh Thuận, độ che phủ rừng của địa phương vào năm 2019 đạt 45,59%.

Hiện nay, 10 dự án đang cần cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Trong đó bao gồm một số dự án lớn như: Hồ chứa nước Sông Than; Đường dây 20kV Nha Trang - Tháp Chàm; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy; Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark; Khu du lịch Vườn san hô; Đường dây 500kV, 220kV đấu nối thuộc dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 550MW.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho hay, công tác quản lý rừng, phòng chống cháy rừng luôn được đốc thúc, triển khai.

Hiện nay, tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao và tình hình khô hạn nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Do vậy, địa phương kiến nghị Bộ NN-PTNT, Chính phủ có sự hỗ trợ để phát triển các dự án lớn.

Theo ông Vĩnh, Ninh Thuận là rốn khô hạn nên vấn đề thủy lợi vô cùng cấp bách. Địa phương mong muốn Bộ NN-PTNT quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh thực hiện các dự án, công trình thủy lợi, đặc biệt các công trình có liên quan đến diện tích rừng.

“Rất mong Bộ và các đơn vị xem xét để có những giải pháp chuyển đổi rừng ở địa phương phù hợp, đáp ứng sự phát triển”, ông Lưu Xuân Vĩnh đề nghị.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết, tình hình phát triển rừng, các đơn vị chủ rừng đã chủ động về cây giống và đang chờ có mưa sẽ triển khai. Dự kiến trồng rừng thay thế năm 2020 khoảng 300ha. Giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 65 nghìn ha.

Trên cơ sở thực tế địa phương, ông Đặng Kim Cương kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ xem xét, cho chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án trọng điểm ứng phó hạn hán, biến đổi khí hậu và các dự án phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, kiến nghị Bộ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP để địa phương phát triển chính sách bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Cũng theo ông Cương, đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức hoạt động trong ngành lâm nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, do vậy, mong Chính phủ có cơ chế tài chính, chính sách phù hợp hơn cho đội ngũ này.

Xem xét kỹ

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho hay, Ninh Thuận là vùng đất đang gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, Bộ đã sát cánh cùng địa phương và ưu tiên phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng các công trình thủy lợi. Sắp tới 2 công trình thủy lợi Tân Mỹ và Sông Than sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy vậy, 2 công trình này cũng khó có thể giải quyết triệt để vấn đề khô hạn.

“Năm nay, công tác bảo vệ rừng của Ninh Thuận có nhiều tiến bộ hơn. Chúng tôi mong tỉnh quan tâm khu vực rừng giáp ranh với huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), đây là khu vực thường xảy ra lấn chiếm. Hơn nữa, cần phải quan tâm công tác phòng chống cháy rừng và đẩy mạnh việc trồng rừng thay thế”, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, về vấn đề chuyển mục đích sử dụng rừng sang các công trình cấp thiết, về nguyên tắc phải quản lý chặt và tìm phương án khác. Khi các phương án khác không khả thi thì mới tính đến phương án chuyển mục đích. Ông Tuấn đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận hoàn thiện các hồ sơ để Bộ có phương án, xem xét, xử lý.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn và đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại núi Quán Thẻ, Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn và đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại núi Quán Thẻ, Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Trong các dự án trọng điểm mà tỉnh Ninh Thuận nêu ra, diện tích liên quan rừng tự nhiên không nhiều nên cần gấp rút làm hồ sơ để Bộ NN-PTNT và Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Quốc hội, sớm giải quyết.

Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn cũng nhấn mạnh: “Rừng rất quan trọng nên cần phải tìm các giải pháp khác. Đến khi không thể thực hiện các giải pháp khác thì mới tính đến phương án chuyển đổi”.

Năm 2019, dân số tỉnh Ninh Thuận khoảng trên 590 nghìn người với 34 dân tộc. Trong đó dân tộc Kinh chiếm tỉ lệ 78,5%, dân tộc Chăm 12,7%, Raglai 8%... Số người ở nông thôn là trên 387 nghìn người. Đối với cộng đồng dân cư sống gần rừng sản xuất, họ chưa chủ động được nguồn nước tưới và hàng năm chỉ sản xuất được một vụ nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.