Mỗi năm cho thu hoạch 30 - 40 lần
Ổi lê Đài Loan bình thường chính vụ từ tháng 5 đến tháng 7 nhưng vì đất ấy đã có cây vải sớm Phúc Hòa cũng có thời vụ như thế, phải tập trung vào chăm sóc nên người này đã nghĩ ra cách đốn để cây ổi ra trái vụ. Huyện Tân Yên (Bắc Giang) hiện đang có 357ha ổi, mỗi ha cho thu nhập 800 - 900 triệu đồng/năm, thuộc vào cao nhất trong tất cả các cây trồng, kể cả sâm Nam núi Dành.
Tuy không phải là người tiên phong trong việc đưa cây ổi lê Đài Loan về đất này nhưng ông Trần Đình Long - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Tiêu thụ ổi lê Tân Yên lại là chủ nhân của phát kiến cho ổi ra trái vụ. Cũng như nhiều nông dân xã Phúc Hòa khác, từ những năm 1990 ông đã chuyển đổi đồi bạch đàn rộng 8.000m2 của mình thành đồi vải chín sớm, còn dưới ruộng vẫn cấy lúa, trồng màu phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, năm được năm mất.
Cây vải sớm giúp cho vợ chồng ông nuôi con, làm nhà, mua sắm đồ đạc, có của ăn của để. Khi địa phương khuyến khích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây khác, anh đã thử trồng nhãn, trồng cam nhưng đều không thành công cho đến khi gặp cây ổi lê Đài Loan vào năm 2015. 2 sào ổi sau 2 năm lớn nhanh, sai quả, giá bán 30.000 đồng/kg, cao gấp đôi vải sớm. Hơn thế, ổi lê ít mất mùa, ra hoa, đậu quả quanh năm, chăm sóc dễ, thu hoạch nhàn nên ông đã mua dần những thửa ruộng dân chán, dân bỏ xung quanh đó với giá 15 triệu/sào để mở rộng diện tích, tổng được 2,5 mẫu.
Khi trồng nhiều ổi lê dưới ruộng gia đình ông vấp phải vụ vải trên đồi nên lúc nào cũng bận rộn. Hơn thế, thời tiết hàng năm từ tháng 5 - 7 mưa nhiều, quả ổi nhạt lại bán không được giá. Nhìn những cành ổi để tự nhiên ngóc dài, thưa quả anh mới nghĩ ra cách đốn cành sâu để cây chậm ra hoa. Cây ổi lúc đó trông chẳng khác gì cái nơm, chỉ toàn cành trụi lủi, nhiều người tưởng là ông hủy vườn nhưng thực tế là chủ động cho chúng nghỉ từ tháng 4 - 6 để sau đó ra lộc, ra hoa. Từ thí điểm 2 sào ban đầu, thành công rồi ông làm đồng loạt 2,5 mẫu. Dần dần cả xóm, cả xã đều học tập theo kỹ thuật này, ước tính tổng diện tích cỡ 60ha.
Năm 2015 ông Long thành lập Hợp tác xã Sản xuất Tiêu thụ ổi lê Tân Yên với mong muốn gây dựng thương hiệu cho loại cây đặc sản quê hương mình. Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt mà chất lượng ổi lê Tân Yên rất ngọt, ngon và giòn nhưng bởi “sinh sau, đẻ muộn” so với ổi Thanh Hà (Hải Dương) cả chục năm nên chúng chẳng được thị trường biết đến. Bố con ông Long là người đầu tiên ở Bắc Giang mang ổi về chợ đêm ở Ninh Bình để chào bán. Nhiều sạp tại chợ mỗi tối bán 5 - 7 tấn ổi Thanh Hà với giá 6.000 đồng/kg.
Bởi thế khi bố con ông chào giá 12.000 đồng/kg, bằng giá bán tại vườn, chấp nhận mất tiền xăng dầu vận chuyển từ Bắc Giang sang mà ai cũng chê đắt. Đến khi họ được ăn thử rồi nhập bán, thấy khách hàng ưa chuộng, gọi là ổi siêu ngọt Bắc Giang thì bố con ông mới nâng giá lên 14.000 đồng/kg để bù lại chi phí. Bố con ông còn chở ổi xuống Quảng Ninh, gửi thuyền ra tận đảo Cô Tô cũng được khách hàng rất thích. Từ đó danh tiếng của quả ổi lê Tân Yên bắt đầu vang xa.
Dù đã chủ động cắt cành, cho ngủ mấy tháng nhưng không một thứ cây gì cho thu tới 30 - 40 lần mỗi năm như ổi lê Đài Loan, trong 7 - 8 tháng của mùa vụ cứ trung bình mỗi tuần cắt quả 1 lần. Từ năm thứ 4 sau trồng trở đi, mỗi sào ổi cho trung bình 2,5 - 2,8 tấn quả/năm, với giá bán trung bình 13.000 - 15.000 đồng/kg, cho thu tới 30 - 40 triệu đồng. Với 2,5 mẫu (tức gần 1ha), năm ngoái nhà ông Long thu được 900 triệu đồng, trong đó 2/3 là lãi. Chi phí sản xuất nặng nhất là phân hữu cơ, NPK Đức, kali trắng Pháp, xốp bọc quả, thuốc BVTV sinh học.
Chuyện ở chòm Sơ Tán
Tuy trồng dễ, chẳng mấy khi mất mùa, quả ra sai còn phải vặt bớt đi nhưng ổi lê vẫn đòi hỏi chăm sóc đúng kỹ thuật. Khi cây nuôi quả thì cho “ăn” gốc đều đặn mỗi tháng 1 lần với lượng vừa phải, còn ngọn mỗi tháng phun phòng rầy rệp 1 lần. Nhờ đó HTX Sản xuất Tiêu thụ ổi lê Tân Yên có trên 10ha ổi đạt chứng nhận VietGAP. Xã Phúc Hòa đang mở tuyến đường vào khu du lịch miệt vườn mà ở đó vải và ổi là những cây chủ lực.
“Chòm dân cư Sơ Tán hay Xa Tán của chúng tôi có hơn 40 hộ, trước đây vì đói khát nên lang bạt rồi tụ về. Nay cả xã không chỗ nào lại được chòm này về thu nhập từ nông nghiệp. Người ở các nơi xây nhà gác, nhà tầng, biệt thự chủ yếu từ xuất khẩu lao động, còn dân ở đây từ cây ổi lê Đài Loan. Trung bình mỗi nhà có 1 - 2 mẫu ổi cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm, trong đó lãi cỡ 2/3, chưa kể thu nhập từ vải trên đồi nữa. Chòm có trên 10 cái ô tô, những nhà chưa có không phải không mua được mà không có nhu cầu.
Khi có ổi lê Tân Yên rồi thì khó có loại quả gì địch được. Nó luôn ở trong mâm cỗ của các hội nghị ở tỉnh Bắc Giang. Xưa người ta cần ăn no nhưng nay thức ăn phải đẹp, ngon và an toàn. Xe tải nhà tôi không ít lần chở cả tấn ổi xuống cho các hội nghị trên tỉnh hay dưới huyện. Vào những tháng mùa đông hanh hao, ổi bổ ra dính cả dao vì ngọt đậm. Ruột ổi lúc đó có màu hanh vàng, rắn chắc, giòn, ngon, ăn cả cân mà không biết chán”, ông Trần Đình Long - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Tiêu thụ ổi lê Tân Yên chia sẻ.
Chuyện vãn một hồi thì anh Lê Đăng Thịnh - chủ vườn ổi rộng hơn 1ha cũng ở xã Phúc Hòa nhưng có quê gốc ở Thanh Hà (Hải Dương) đến góp vui: “Các ông trong họ nhà tôi lên đây giỗ tổ, ăn ổi Tân Yên rồi về chán luôn ổi ở quê. Hay có anh cũng đất ổi ở Hà Nội lên đây ăn xong cứ luôn mồm khen quá ngon, quá ngọt, quá giòn. Ổi của chúng tôi bán xong thì ổi trồng ở nơi khác mới bán được là do thế”.
Ngủ một tối ở nhà ông Long, sáng ra tôi cùng cả nhà ra đồi thu hoạch ổi. Dù trời mưa rầm rĩ cả tuần nhưng những quả ổi vẫn giòn và ngọt khác biệt, tất nhiên không thể bằng lúc đầu đông. Cạnh đó là vườn ổi của vợ chồng anh Hoàng Văn Toản - chị Nguyễn Thị Hồng trồng từ năm 2016 với 1.000 gốc trên tổng diện tích 1,2 mẫu. Chị Hồng bụng chửa vượt mặt nhưng vẫn còn xách xô len lỏi trong mưa phùn đi hái những quả ổi vừa đủ độ chín với đặc điểm “đít lồi” và vỏ hơi trắng.
Chị Hồng bảo: “Vải chín nắng hay mưa cũng phải bẻ, còn ổi chín để dăm ba hôm cũng được, càng to càng ngọt, chỉ có điều bị mềm nên vặt đúng tầm khi chín cỡ 7/10 là giòn và ngon nhất. Vải trên đồi khi thu còn phải trèo leo, bó buộc, cắt râu rất vất vả nên diện tích lớn thì buộc phải thuê chứ ổi vợ chồng em toàn tự thu, mỗi ngày có thể hái cả tấn.
Bây giờ là cuối vụ, đứa em chồng dưới Bắc Ninh tiêu thụ giúp mỗi ngày vài tạ. Trước đó nó được tặng ổi rồi tặng lại cho hàng xóm, họ bảo rằng đã ăn ổi lê Tân Yên thì không thể ăn được ổi nơi khác dù giá bán đắt gấp đôi (20.000 đồng/kg). Khi chính vụ, mỗi ngày thu 1 - 2 tấn thì có thêm mối là đứa em cậu nữa. Nói chung là không đủ hàng mà cung cấp. Nhiều chỗ bán ổi rẻ nhưng khách không mua cứ đòi ổi lê Tân Yên mới chịu.
Vườn vải trên đồi rộng 6.000m2 thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng nhưng vườn ổi dưới ruộng rộng chỉ 4.000m2 thu 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi được hơn 200 triệu đồng. Mới đây vợ chồng em còn mở xưởng sản xuất xốp bọc quả trị giá hơn 2 tỉ ở trung tâm xã để cung cấp tại chỗ cho bà con, đỡ phải mua xa mà giá đắt”.
“Nhiều khách đến nhìn thấy nhiều nhà ở đây cứ tưởng là nhà đại gia hay nhà lãnh đạo, hóa ra lại toàn là nông dân trồng ổi”, ông Trần Đình Long - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Tiêu thụ ổi lê Tân Yên nói vui.