| Hotline: 0983.970.780

Nơi vắng ánh trăng rằm

Thứ Tư 18/09/2013 , 10:31 (GMT+7)

Ở nhiều vùng quê nghèo, giấc mơ về một trung thu có quà, có bánh lại là điều xa vời.

Ở thành phố, không khí trung thu đã nhộn nhịp từ lâu. Đồ chơi, bánh trái cho con trẻ bày bán khắp nơi để đón trăng rằm tháng tám. Vậy nhưng, ở nhiều vùng quê nghèo, giấc mơ về một trung thu có quà, có bánh lại là điều xa vời.

Con trẻ thủy diện mơ trung thu

Giữa đầm Sam (huyện Phú Vang, TT- Huế) mênh mông sóng nước, cuộc sống của hàng trăm đứa trẻ thủy diện (mặt nước) vẫn theo con nước như đời bố mẹ của chúng. Ở đây, tết trung thu với ánh trăng rằm ấm áp dường như vẫn còn quá xa vời…

Ngày rằm trung thu cận kề, rảo chiếc xe máy từ thành phố Huế về khu đập Gốc trên đầm Sam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang), không khí ở đây dường như vẫn còn im ắng lắm bởi không có tiếng trống múa lân dồn dập, không sắc màu sặc sỡ của những chiếc đèn lồng, đầu lân treo đầy nơi phố thị. Màu của một góc làng chài của cư dân thủy diện là màu bàng bạc của những chiếc thuyền, nhà chồ bạc phếch mưa nắng trong mùi tanh nồng của những phiên chợ cá buổi chiều.

Dập dềnh theo con nước là những đứa trẻ mưu sinh, chật vật với chiếc mui thuyền theo bố mẹ thả lừ (bẫy cá tôm), buông lưới kiếm gạo cơm. Bưng rổ hàu từ ngoài phá bước vào, người còn nhễ nhãi mồ hôi, em Trần Văn Bi (11 tuổi) chợt vui hơn trước ống kính của người viết, bởi theo như lời em nói, cứ mỗi lần có khách về đây tham quan, chụp ảnh là các em lại có quà vặt. Bi năm nay mới chỉ học lớp 5 nhưng một buổi đi học, một buổi phải theo bà ngoại ra giữa đầm phá mưu sinh. Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ đi thêm bước nữa, để lại Bi cho bà ngoại từ khi còn ẵm ngửa. Lớn lên chút, cái chân đã biết trèo lên mạn thuyền, cái tay bắt đầu biết kéo lưới cũng là lúc Bi bước vào cuộc mưu sinh.


Trần Văn Bi một buổi đi học, một buổi phải phụ giúp bà ngoại

Cái khái niệm “tết trung thu” vẫn còn xa lạ lắm với Bi, bởi như nhiều đứa trẻ cư dân vạn đò khác, mỗi năm, chỉ khi nào có đoàn tham qua, khách phương Tây của các tổ chức từ thiện về, các em mới được phát quà, vui chơi thỏa thích. Ngồi trò chuyện, hỏi bà Hồ Thị Giàu (78 tuổi), bà ngoại Bi, hôm nay đã có quà gì cho cháu tết trung thu chưa? Bà Giàu bảo có nấu một bữa chè đậu xanh ăn hồi sáng rồi.

Nghe nhắc đến “tết trung thu”, Bi nhanh nhảu: “Trung thu mà cũng là tết nữa hả bà?”. Câu hỏi của Bi khiến bà Giàu có chút chạnh lòng, một giọt nước mắt như vắt cạn trong đôi mắt già nua, rồi như muốn xua tan cái không khí nghèo khó còn đeo đẳng, bà xách tay lưới ra cùng Bi ngồi gỡ cá, mặt cúi gằm… Bi ngồi gỡ cá nhưng chốc chốc lại nghe ngóng tiếng trống trung thu từ đâu đó trên phố xá xa hoa vọng về. Một chút hy vọng vẫn ánh lên trong đôi mắt trong veo của đứa trẻ nghèo!

Bám lớp từ những ngày cư dân thủy diện mới lên định cư, “điểm trường” ở khu đập Gốc trên đầm Sam là lớp ghép của gần 60 học sinh ở các làng chài thuộc xã Phú Xuân, Phú An và Phú Mỹ, thầy Trần Văn Hóa kể vanh vách về hoàn cảnh của những đứa trẻ vạn đò ở đây. Do đa phần các em là con em của cư dân thủy diện, được Nhà nước hỗ trợ tái định cư lên bờ sau trận bão năm 1999, cuộc sống khó khăn, thu nhập chính của họ vẫn gắn với tay chèo, vuông lưới nên những đứa trẻ ở đây đều không có điều kiện đến trường.

Vận động mãi, thầy Hòa đưa được 25 em vào học lớp ghép tại “điểm trường” đập Gốc. Thầy cũng đứng ra dạy tình nguyện chứ không thu tiền của các em. Học xong lớp ghép, em nào có điều kiện thì được bố mẹ cho học ở trường tiểu học, trung học gần trung tâm xã, còn không thì phải đi làm thuê hay theo đuôi con cá rong ruổi trên đầm Sam.


Trần Văn Sơn với giấc mơ về trung thu

Nói về những khó khăn của học sinh vùng thủy diện, thầy Hòa trăn trở: “Mọi năm đến ngày tết thiếu nhi, tết trung thu, thấy thương mấy em nên tui cũng lặn lội đi xin các nhà tài trợ, đoàn thanh niên ở các trường, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Chỉ cần có một buổi văn nghệ, diễn kịch thêm chút quà bánh phát trong đêm trung thu là các em vui lắm rồi. Chứ ở đây, gia cảnh em nào cũng khó khăn, cha mẹ đều làm nghề ngư, thu nhập bấp bênh cả. Nhiều em học rất giỏi nhưng cuối cùng vẫn phải đứt gánh giữa chừng cũng vì cái điều kiện sinh kế mà ra".

Vào nhà em Trần Văn Sơn (9 tuổi) cũng là lúc Sơn mới đi học ở “điểm trường” về, vẻ mặt buồn thiu, ngồi bó gối góc giường không thèm nói chuyện. Hỏi anh Trần Ngọ (35 tuổi), bố Sơn mới biết, đi học trên đường về, thấy mấy đứa trẻ trên xã, rủ nhau lên phố mua đầu lân về nhảy đêm trung thu, không có tiền nộp, Sơn buồn nên lủi thủi ra về.

Với những đứa trẻ là con em của cư dân thủy diện như Sơn, không cần quà bánh nhiều trong ngày trung thu, ước mơ của em là có được chiếc đầu lân nhỏ, cùng lũ bạn trong xóm nhảy múa lân trong ngày hội trăng rằm là hạnh phúc lắm! Cái màu sặc sỡ cùng tiếng trống trong ngày hồi là thứ âm thanh huyên náo gần như duy nhất của một ngày nơi xóm vạn đò thủy diện. Sơn bộc bạch: “Mọi năm theo cháu nhớ đến ngày này các anh chị ở các trường về tổ chức ca nhạc, diễn kịch rất vui mắt. Bọn cháu lại được phát quà bánh, mang đèn đi chơi với bạn ở xóm trên nữa nên rất thích”.


Trẻ em làng thủy diện thiếu một sân chơi ngày trung thu

Anh Ngọ chỉ mới 35 tuổi nhưng đã có 5 người con, hai đứa đã bỏ học, ba đứa vẫn bám trụ ở “điểm trường” của thầy Hòa. Cuộc sống khó khăn, sau trận bão lịch sử năm 1999, anh Ngọc dắt díu vợ con từ xã Phú An đến “định cư” ở đập Gốc. Căn nhà bờ - lô vá trước hụt sau, vẫn chưa đủ tiền tô trét dù đã qua bao mùa mưa bão. Anh Ngọc tâm sự: “Làm cha làm mẹ ai cũng muốn lo lắng cho con đầy đủ cả, chứ đến lễ, tết không có chút quá mình nhìn con cũng xót lòng. Nhưng vừa rồi, cháu Sơn đứng trên thềm nhà, bất cẩn ngã xuống trúng viên bờ - lô nên bị vỡ thận, phải chạy chữa hết mấy chục triệu đồng, giờ sức khỏe của cháu rất yếu".

Rời xóm vạn chài, để lại sau lưng tiếng mái chèo khua nước, đuổi cá trên đầm phá mênh mông. Về lại với phố thị ồn ào, huyên náo nhưng lòng chợt thấy trống vắng vô cùng…

“Cư dân thủy diện ở đập Gốc chừng 25 hộ của xã Phú Mỹ và một bộ phận của xã Phú An. Đời sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn, trẻ em sau lớp ghép thì ít có điều kiện được đến trường. Trong những năm qua, mặc dù địa phương đã mở nhiều lớp đào tạo nghề, tìm công ăn việc làm nhưng vẫn không hiệu quả", ông Thái Trĩ, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.