| Hotline: 0983.970.780

Nông dân xứ Thanh mê mẩn lúa Sumo

Thứ Năm 21/05/2020 , 08:35 (GMT+7)

Đúng như slogan của nhà sản xuất “siêu lúa Sumo, hạt mẩy bông to, cơi bồ chứa lúa”, Sumo cho năng suất đạt 74-76 tạ/ha, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Lúa Sumo phù hợp với chân ruộng vàn, vàn cao. Ảnh: Võ Dũng.

Lúa Sumo phù hợp với chân ruộng vàn, vàn cao. Ảnh: Võ Dũng.

Vụ xuân 2020, ông Hoàng Văn Việt, thôn Minh Thượng, xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) trồng 8 sào lúa Sumo (4.000m2) trên cánh đồng vàn Mổng Đức. Sau 130 ngày cấy, đến nay lúa đã đến kỳ thu hoạch, năng suất đạt 3,8 tạ/sào.

Theo ông Việt, đầu tư chăm sóc lúa Sumo không khác gì những giống lúa thuần khác nhưng đổi lại, năng suất không kém gì lúa lai, ngang bằng hoặc vượt giống lúa lai Nhị ưu 838. Sumo có hạt tròn nhưng cơm ngon, mềm, đậm vị.

Lúa Sumo do tác giả Ngô Thị Vân và cộng sự chọn tạo. Sau nhiều năm khảo nghiệm trên nhiều chân ruộng, nhiều vùng khí hậu khác nhau, ngày 13/4/2020, Sumo được Cục Trồng trọt cho phép lưu hành tại Quyết định số 73/QĐ-TT-CLT. Tổ chức đăng ký lưu hành là Công ty TNHH Nông nghiệp Hữu cơ TH có trụ sở tại TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Trên các thửa ruộng của gia đình mình ông Việt thuê cấy bằng máy, mỗi sào bón 15 kg phân của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, chia làm 2 lần bón. Trong khi những thửa ruộng trên cùng cánh đồng bị bạc lá, đạo ôn, khô vằn tấn công thì Sumo gần như sạch bệnh, chỉ bị một ít sâu đục thân cuối vụ.

“Sumo đẻ nhánh rất khỏe, thời gian sinh trưởng khoảng 125-130 ngày, trỗ nhanh, trỗ thoát, số bông hữu hiệu cao, phù hợp trồng trên đất vàn, vàn cao. Cây lúa tuy tốt nhưng cứng, có khả năng chống đổ tốt. Mỗi m2 tôi cấy 28 khóm, mỗi khóm 2-3 tẻ. Bình quân mỗi sào cần 1,2- 1,5 kg giống.

Đặc điểm của Sumo là trỗ nhanh, trỗ thoát, đều, bông to. Bình quân mỗi bông lúa trên 200 hạt nhưng chỉ có 9-12 hạt lép, năng suất đạt 3,8 tạ/sào, cao hơn rất nhiều giống lúa thuần khác”, ông Việt nhận xét.

Theo tính toán của ông Việt, nếu giá lúa ở thời điểm này là 6,2 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, mỗi sào lúa Sumo cho lãi trên dưới 1 triệu đồng.

Vì những ưu điểm của Sumo, nhiều hộ dân sau khi chứng kiến quá trình chăm sóc và kết quả sản xuất của gia đình ông Việt đã nhờ ông liên hệ để những vụ mùa tiếp theo trồng giống lúa này.

Trực tiếp đi xem mô hình tại xã Thiệu Công, ông Vũ Duy Bạng, một nông dân ở xã Thiệu Thiệu Quang nhận xét: “Với bộ lá đẹp, xanh đến lúc thu hoạch, bông dài, hạt xếp sít nhau, mẩy như thế này chứng tỏ đây là giống lúa cho năng suất cao. Sumo rất thích hợp để sản xuất lúa hàng hóa.

Tôi mê Sumo vì năng suất vừa cao vừa ít sâu bệnh; sản xuất có lãi, dễ canh tác. Tôi cũng đã đặt một ít giống thử làm cho vụ hè thu năm nay và vụ xuân năm sau”.

Không chỉ cho năng suất cao ở vùng trung du, đồng bằng, Sumo còn được trồng và cho năng suất cao tại các huyện miền núi Thanh Hóa. Tại bản Đoàn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, vụ đầu tiên bà con dân bản trồng 7 ha lúa Sumo. Kết quả khiến bà con dân bản hết sức bất ngờ.

Sumo hạt mẩy, bông to, tiềm năng năng suất cao. Ảnh: Võ Dũng.

Sumo hạt mẩy, bông to, tiềm năng năng suất cao. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hà Văn A, trưởng bản Đoàn cũng trồng 5 sào lúa Sumo. Theo ông A, lúa Sumo dễ trồng, chăm bón đơn giản, lại cho năng suất cao, rất phù hợp với đặc điểm canh tác của đồng bào miền núi.

“Cả vụ gia đình tôi chỉ phải phun đúng một lần thuốc trừ sâu đục thân. Các chân đất cao, vàn, ruộng bậc thang ở miền núi rất thích hợp với giống lúa này.

Vụ đầu gia đình tôi trồng lúa Sumo cho năng suất trên 3,5 tạ/sào. Đó là năng suất mơ ước của nông dân miền núi. Sau khi đi xem mô hình, dân bản rất mê giống lúa này và nhiều hộ đã đăng ký để trồng thử cho vụ sau”, ông A phấn khởi.

Nhiều nông dân sau khi xem mô hình đã đăng ký giống cho những vụ mùa tiếp theo. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều nông dân sau khi xem mô hình đã đăng ký giống cho những vụ mùa tiếp theo. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Hữu cơ TH, đơn vị sản xuất, cung ứng giống lúa Sumo tại Thanh Hóa cho biết, đây là vụ thứ 5 lúa Sumo được nông dân Thanh Hóa sử dụng. Kết quả cho thấy, Sumo có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, năng suất cao, sản xuất lúa hàng hóa có lãi cao.

Được biết, Sumo là giống lúa thuần, “con lai” giữa VX6 và BG1 của Bắc Giang. Nguồn gen lai tạo ra giống lúa này được chọn lựa rất kỹ để sinh ra “đứa con” có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; chịu thâm canh. Tuỳ độ phì nhiêu của từng thửa ruộng mà nông dân điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.

Để hạn chế bệnh bạc lá trong vụ mùa bà con nông dân không bón đạm khi đón đòng. Ruộng lúa cần giữ đủ nước, tỉa dặm kịp thời, bón thúc sớm cho lúa đẻ sớm, đẻ tập trung, có nhiều bông hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh. Lúa Sumo có thời gian ngủ nghỉ, vì vậy nếu sử dụng giống liền vụ để gieo cấy phải xử lý phá ngủ hạt giống.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.