| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới tạo động lực bứt phá cho nông thôn xứ Thanh

Thứ Năm 30/12/2021 , 16:41 (GMT+7)

Nông thôn xứ Thanh đã thay da đổi thịt nhưng vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống. Nông thôn mới tạo động lực giúp thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê Thanh Hóa.

Khó vạn lần dân liệu cũng xong

Cuộc sống êm đềm của người dân NTM Thiệu Lý. Ảnh: VD.

Cuộc sống êm đềm của người dân NTM Thiệu Lý. Ảnh: VD.

Con đường ngập tràn sắc hoa, bê tông hóa rộng rãi đi giữa ruộng lúa mênh mông dẫn chúng tôi đến khu cư dân làng Lý Chăn, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa. Khu dân cư làng Lý Chăn quần tụ đông đúc; diện tích đất ở, đất canh tác không rộng như ở những vùng nông thôn khác của Thanh Hóa nhưng con đường vào làng thì thênh thang, hai bên được xây tường rào, thanh thoáng, rợp bóng cây xanh. Nông thôn mới (NTM) ở Lý Chăn cũng là biểu tượng nông thôn mới ở Thiệu Lý.

Ông Lê Hồng Chuyển (66 tuổi) ngồi trong ngôi nhà cấp 4 rít một hơi thuốc lào thật dài, nhìn ra khu vườn đầy sắc hoa cây cảnh, những luống cải bắp, luống rau xanh mơn mởn. Ông Chuyển không dấu nổi niềm vui: “Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các gia đình ở đây đều xây dựng những khu vườn xanh như thế. NTM đã tạo động lực để nhân dân phát triển kinh tế. Nông dân ở đây thực sự là chủ thể trong xây dựng NTM; dấu ấn của sự đồng thuận là rất rõ nét”.

Là một người có thời gian làm công tác chính quyền tại địa phương, ông Chuyển hiểu rất rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân Lý Chăn nói riêng và Thiệu Lý nói chung. Theo ông Chuyển, nếu nhân dân không đồng thuận, chính quyền có giỏi giang đến đâu cũng khó lay chuyển ý chí. Nhưng sự đồng thuận ở Thiệu Lý đã tạo nên động lực giúp chính quyền các cấp ở Thiệu Lý nói riêng và Thiệu Hóa nói chung triển khai hiệu quả các bước trong xây dựng NTM.

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt Thiệu Lý gần như lột xác hoàn toàn. Nhưng điều ông Chuyển phấn khởi nhất là câu chuyện văn hóa, tình người ở vùng đất này ngày càng được thắt chặt. Ở làng quê này, tình người vẫn là thứ thiêng liêng, cao cả và được lưu giữ từ ngàn đời nay.

“Lý Chăn là một trong những thôn văn hóa đầu tiên của xã Thiệu Lý và đến nay, dù kinh tế có khá hơn trước rất nhiều nhưng tình làng nghĩa xóm thì không hề thay đổi. Quê hương vững bước đi lên, đó cũng là nơi gửi gắm niềm tin của biết bao người con xa quê hương. Nhiều người đã lựa chọn con đường quay trở về quê sinh sống sau biết bao thăng trầm của cuộc sống ở đất khách quê người” – ông Chuyển phấn khởi.

Theo ông Chuyển, nếu nhân dân không tin tưởng ở các cấp chính quyền; nếu chính quyền hoạt động không đều tay, không tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì sẽ không có một làng Lý Chăm như hôm nay. Điều đó được thể hiện ở chỗ, hàng chục hộ dân ở đây đã sẵn sàng dỡ bỏ tường rào, hiến đất để mở rộng đường. Khi nhân dân đã trên dưới một lòng, bằng ý chí và nguyện vọng, mọi khó khăn trở ngại đều có thể vượt qua.

Làng văn hóa Lý Chăn vẫn lưu giữ được những nét đặc sắc văn hóa truyền thống. Ảnh: VD.

Làng văn hóa Lý Chăn vẫn lưu giữ được những nét đặc sắc văn hóa truyền thống. Ảnh: VD.

Con đường trước nhà ông Lê Đình Nghiêm trước đây chỉ vừa lối đi cho một chiếc xe bò lốp nhưng nay ô tô có thể vào tận ngõ. Ông Nghiêm và nhiều gia đình sau khi bàn bạc đã quyết định dời tường rào bê tông vào 1m để nới rộng đường. Trước ngôi nhà, một cái ao tồn tại bao nhiêu năm nay không có lan can, ông Nghiêm tự bỏ tiền ra xây dựng lại vừa đảm bảo an toàn vừa tạo ra cảnh quan sạch đẹp. Vườn tược gia đình ông cũng được chặt bỏ hết cây tạp, quy hoạch trồng cây ăn quả và rau, củ, quả phục vụ nhu cầu hàng ngày của gia đình.

“Sự đồng thuận tạo nên sức mạnh lớn lao. Ban đầu ngỡ việc hiến đất, xây mới tường rào… là khó. Nhưng khi các gia đình đều muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn, cảnh quan, môi trường xanh sạch đẹp, hiểu đúng mục đích của xây dựng NTM, hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì sẽ không ngần ngại thay đổi nữa” – ông Nghiêm tâm sự.

Kinh tế là chìa khóa thành công

Chúng tôi hỏi ông Lê Hồng Chuyển: “Theo ông, đâu là chìa khóa của sự thành công trong xây dựng NTM ở Thiệu Lý?”, ông Chuyển không ngần ngại trả lời: “Ngoài sự đồng thuận thì đời sống kinh tế ngày càng được nâng lên là chìa khóa thành công”.

Những khu vườn ngập tràn sắc xanh tạo nên những không gian êm đềm của NTM xứ Thanh. Ảnh: VD.

Những khu vườn ngập tràn sắc xanh tạo nên những không gian êm đềm của NTM xứ Thanh. Ảnh: VD.

Theo ông Chuyển, nguồn thu, giá trị từ nông nghiệp hiện nay ở Thiệu Lý không chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của người dân nhưng lại có vai trò hết sức quan trọng. Trồng lúa, hoa màu không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm hàng ngày cho người dân, đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo ra nét đặc sắc, níu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần của làng quê.

Ông Lê Khắc Bảo, Chủ tịch UBND xã Thiệu Lý cho hay, năm 2016, khi về đích NTM, thu nhập bình quân đầu người của xã Thiệu Lý mới chỉ ở mức gần 34 triệu đồng/người/năm. Nhưng đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của người dân Thiệu Lý là 52 triệu đồng người/năm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để Thiệu Lý huy động nguồn lực xây dựng NTM nâng cao.

“Mục tiêu của Thiệu Lý là đến năm 2023 sẽ về đích NTM nâng cao và mục tiêu này sẽ sớm đạt được trên cơ sở đời sống của người dân đang ngày càng được cải thiện cả vật chất lẫn tinh thần. Thu nhập của người dân tăng lên tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn lực và thúc đẩy các tiêu chí tiếp tục được củng cố để hướng tới mục tiêu cao hơn, xa hơn nữa là NTM kiểu mẫu” – ông Bảo cho hay.

Theo ông Bảo, những năm qua, việc phát huy vai trò hợp tác xã trong tổ chức sản xuất đã tạo ra nhiều mối liên kết trong sản xuất – tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm của địa phương. Bên cạnh đó, việc phân định, lựa chọn, đa dạng các ngành nghề cũng góp phần tăng thu nhập của người dân hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, dù dịch dã diễn biến phức tạp nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận trong nhân dân, đến nay Thiệu Hóa đã hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM. NTM Thiệu Hóa sẽ biến những làng quê trở nên đáng sống hơn. Ở đó không chỉ có điều kiện kinh tế ngày càng phát triển mà những nét văn hóa truyền thống vẫn sẽ được lưu giữ.

Cùng quan điểm về phương án nâng cao thu nhập cho người dân, ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung cho rằng, mỗi địa phương cần phát huy thế mạnh của mình để từng bước nâng cao thu nhập. Ông Tùng dẫn chứng, xã Thiệu Trung có làng nghề đúc đồng đã được công nhận. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện hết sức để các hộ gia đình, các công ty đúc đồng phát huy hết khả năng, vừa tạo nên bản sắc của địa phương mình vừa phát triển kinh tế.

“Chúng tôi đang đi đúng lộ trình để đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm nay. Nghề đúc đồng truyền thống làng Trà Đông với 32 hộ gia đình, đơn vị tham gia đang thu hút nguồn lao động lớn và tạo điều kiện để nâng cao thu nhập cho người dân. Các ngành nghề dịch vụ cũng nhờ đó mà hưởng lợi và đang phát triển tốt. Hiện nay chúng tôi đã có 2 sản phẩm trống đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và đang đề nghị để được công nhận 5 sao” – ông Tùng chia sẻ.

NTM Thanh Hóa tạo nên những không gian hiện đại, đan xen nét văn hóa truyền thống. Ảnh: VD.

NTM Thanh Hóa tạo nên những không gian hiện đại, đan xen nét văn hóa truyền thống. Ảnh: VD.

Cùng với Nông Cống, Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa đang được UBND tỉnh Thanh Hóa đệ trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Phải nói rằng, đến thời điểm này, khắp các thôn cùng ngõ hẻm của huyện Thiệu Hóa, cờ hoa rợp đỏ những con đường. Một NTM vừa hiện đại nhưng vừa lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đang hiện lên ngày một rõ nét. Có được thành quả này, ngoài sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền thì sự đồng thuận của người dân là yếu tố then chốt.

Xây dựng NTM thực chất

Đến cuối năm 2021, Thanh Hóa có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (40,7%); 341 xã (73,3%), 884 thôn bản miền núi (26,1%) đạt chuẩn NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã... Vượt qua một năm hết sức khó khăn do đại dịch covid-19 gây ra nhưng thành quả của năm 2021 và suốt chặng đường dài đã qua thể hiện nỗ lực lớn của các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM Thanh Hóa khẳng định, trong xây dựng NTM, Thanh Hóa sẽ không chạy theo thành tích mà hướng tới xây dựng một nông thôn bền vững, ở đó đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên, nông dân là chủ thể thực sự.

  • Tags:
Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Ngựa núi, gà đồi... đậm hương vị Tây Bắc được ưa chuộng dịp Tết

Các sản phẩm mang hương vị Tây Bắc giờ đây có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM nhờ được chứng nhận OCOP.

Bình luận mới nhất