| Hotline: 0983.970.780

Nông trại không bỏ đi, cũng không bán đi thứ gì

Thứ Sáu 03/02/2023 , 08:12 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Khe Sanh Valley farm như thiên đường nghỉ dưỡng. Trong nông trại này, gần như không bỏ đi thứ gì, không bán ra ngoài thứ gì và cũng không mua từ ngoài vào thứ gì.

Nông trại "lấy nó tự nuôi nó"

Người đàn ông ăn mặc giản dị trong trang phục lao động chân tay xuất hiện trước mắt chúng tôi. Ông đang hí hoáy sửa chiếc máy cày bằng tay vẫn hay sử dụng ở các vùng miền núi. Thật bất ngờ, đó là ông chủ của Khe Sanh valley farm, một nông trại nổi tiếng ở miền tây Quảng Trị.

Khe Sanh valley farm đang trong thời gian tạm dừng đón khách để chỉnh trang lại cảnh quan, sửa chữa các máy móc phục vụ nông nghiệp.

Empty

Lão nông Hồ Văn Hinh trong nông trại không bỏ đi thứ gì. Ảnh: Võ Dũng.

Từng là một doanh nhân nhưng từ nhiều năm trước, ông Hồ Văn Hinh về “ở ẩn”. Tại khối 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), ngoài 3,5ha đất nông nghiệp sẵn có, ông Hinh mua thêm và xây dựng nông trại rộng 7ha.

Diện tích đất đỏ bazan này, trước đây gia đình ông trồng đủ các loại cây như cà phê, cây ăn quả, sắn, mía… Những loại cây trồng này đem về nguồn thu khá lớn nhưng cũng có nhiều năm thất bát do giá cả lên xuống thất thường.

Xây dựng Khe Sanh Valley farm, ông trồng thêm mít, cam, bưởi, hồng xiêm, dừa, chuối ở tầng trên và dứa, đinh lăng, sắn ở tầng dưới… Mỗi loài cây sống ở mỗi tầng khác nhau và tạo ra hệ thảm thực vật phong phú cho farm. Những loài cây ưa sáng vươn lên trên, cây ưa bóng râm mọc phía dưới. Nhìn qua thì có vẻ chúng đang cạnh tranh nhau nhưng kỳ thực lại đang sống với nhau rất hòa hợp.

Nhưng trận lũ kinh hoàng năm 2020 khiến toàn bộ cây mới trồng gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Cả nhà ông lại hì hục dọn dẹp, cải tạo, đưa máy móc vào tạo lại địa hình để tiếp tục trồng cây. Khác với lần trước, ông Hinh ngăn dòng suối trong nông trại tạo thành 5 ao nuôi cá. Nguồn nước suối từ trên cao chảy xuống được điều tiết một phần vào ao, một phần phân luồng chảy để phục vụ tưới cho cây trồng.

Empty

Một khu rừng đa tầng tán đang dần được hình thành ở Khe Sanh valley farm. Ảnh: Võ Dũng.

Lượng dinh dưỡng cung cấp cho các loại cây trồng tại Khe Sanh valley farm được lấy từ phân lợn ủ hoai bằng các chế phẩm vi sinh và phụ phẩm nông nghiệp. Mỗi loài cây ở Khe Sanh valleyfarm ngoài giá trị đem về nguồn thu là các mặt hàng nông sản còn giúp ông chủ nông trại này cải tạo đất.

Ví như cây hướng dương, hết thời kỳ cho hoa đẹp phụ vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách sẽ thu hoạch hạt, được khách đến tận vườn mua; thân cây, lá sẽ được băm nhỏ tạo độ tơi xốp cho đất. Các loài cỏ dại, cá và lợn không ăn sẽ được chủ nhân phát ủ thành phân để bón cho cây trồng… Cứ như thế, không một thứ gì ở trong nông trại này phải vứt bỏ.

Các ao nuôi cá chỉ ăn cỏ tự nhiên từ trên đồi, lá chuối và các phụ phẩm nông nghiệp. Nhưng nếu chỉ nuôi cá để bán thì lời lãi chẳng bao nhiêu, ông Hinh nghĩ đến việc cho câu cá dịch vụ. Có những ngày, khách câu quá đông khiến ông phải dừng phục vụ.

“Nếu nuôi cá để bán, 1,2ha mặt nước này cùng lắm mỗi năm chỉ lãi được 60 triệu đồng. Nhưng tôi sắm 100 bộ cần câu, bình quân mỗi ngày cũng được 100 lượt khách, tính ra đã thu về tiền triệu, chưa kể các dịch vụ đi kèm như bán nước, ăn uống. Nếu mình không nghĩ như thế thì giá trị của đất nuôi trồng thủy sản cũng không đáng là bao”, ông Hinh chia sẻ.

Empty

Những nông sản tại Khe Sanh valley farm được sử dụng trong nông trại, gần như không bán trực tiếp ra bên ngoài. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hinh dừng lại dưới những gốc mít, nơi có nhiều quả mít xanh nặng đến cả chục kg và nói: “Mít và sắn này tôi dùng để nuôi lợn rừng, chẳng phải nấu hay ủ men gì cả. Những củ sắn nặng đến 5 - 6kg này nếu đem bán cho nhà máy sắn thì không được bao nhiêu nhưng khi cho lợn ăn, cái mình thu lại là sản phẩm thịt lợn rất ngon, khách hàng ưa chuộng và có thời điểm lên đến trên 200 nghìn đồng/kg hơi”.

Không bán ra ngoài thứ gì

Điều đặc biệt là Khe Sanh valley farm không bỏ đi thứ gì nhưng cũng gần như không bán ra ngoài bất kỳ một thứ gì. Đó là một sự lựa chọn.

“Nông trại này cũng không phải mua bất kỳ một thứ gì từ ngoài vào, kể cả nhu yếu phẩm và phân bón cho cây trồng. Vừa rồi, dứa chín nhiều quá phải bán đi một ít nhưng đa phần đều được bán tại chỗ. Thấy cảnh quan đẹp, rất nhiều khách đến đây, đưa theo cả gia đình, câu cá, tham quan trải nghiệm. Họ có nhu cầu, chúng tôi phục vụ cả ăn uống. Nhiều người thấy hoa quả đẹp lại ngon, thử xong cũng tự hái rồi tính tiền luôn. Vì thế chúng tôi chỉ lo sản xuất mà không mất công đi chợ bán”, ông Hinh chia sẻ.

Ông Hinh lựa chọn những cây trồng ít sâu bệnh và chỉ phun bằng các loại thuốc tự chế có trong nông trại, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Empty

Biến những hồ nuôi cá thành dịch vụ câu cá giải trí không những tạo nên cảnh quan đáng sống mà còn đem lại nguồn thu lớn cho Khe Sanh valley farm. Ảnh: Võ Dũng.

“Trước đây trồng nhiều loại cây trồng, sâu rất nhiều nên phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Tôi thấy độc hại quá, nay thì không dám dùng nữa mà chỉ sử dụng thuốc thảo dược tự bào chế. Làm nông nghiệp như thế này tuy bỏ ra nhiều công sức hơn nhưng đổi lại có được sự thanh thản và cảm giác sức khỏe tốt hơn rất nhiều”, vẫn lời ông Hinh.

Không được đào tạo bài bản về sản xuất nông nghiệp nhưng qua sách báo và tự làm, đúc rút kinh nghiệm, ông Hinh nhận thấy, phân đạm hóa học chỉ giống như thuốc bổ tạm thời giúp cây trồng nhanh chóng phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của phân hóa học là làm cho đất ngày càng chai cứng, chỉ có giá trị nhất thời mà khiến nhiều vi sinh vật có lợi trong đất biến mất. Thực tế, sử dụng phân hữu cơ ngay chính trong nông trại tự ủ đã giúp các tầng đất tơi xốp hơn, cây phát triển bền vững hơn.

“Trước đây trồng cà phê, tôi cũng đã mua máy về tự bóc vỏ cà phê tận dụng làm phân bón. Nhưng hồi đó, trồng cà phê sử dụng nhiều loại thuốc hóa học khiến tôi mấy lần phải đi cấp cứu vì ngộ độc nên giờ nghĩ đến là đã thấy rùng mình”, ông Hinh nhớ lại.

Gia đình ông Hinh có 6 lao động chính, hiện đang tập trung sản xuất trong nông trại. Những ngày có khách, gia đình ông phải thuê thêm đầu bếp, người phục vụ. Đến thời vụ thu hoạch các loài cây trái trong vườn để bảo quản hoặc trồng các loài hoa tạo cảnh quan, gia đình ông Hinh thuê thêm trên 10 lao động. Đa phần các lao động trong Khe Sanh valley farm đều là người đồng bào các dân tộc Pako Vân Kiều ở địa phương.

Chúng tôi phân vân, vì sao những sản phẩm như chuối, mít… lại lãng phí đem cho lợn ăn, ông Hinh trầm ngâm một lúc rồi nói, đó cũng là trăn trở của gia đình.

Empty

Khe Sanh valley farm lựa chọn lối đi riêng, biến những mặt hàng nông sản ở đây thành những sản phẩm chế biến để phục vụ khách trải nghiệm. Ảnh: Võ Dũng.

“Làm nông nghiệp, nếu vay ngân hàng đổ tiền vào cùng lúc thì rất dễ thất bại, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài mới mong thành công được. Tôi còn nhiều dự định nữa như chế biến mít, chuối thành sản phẩm sấy khô và chỉ phục vụ khách đến đây tham quan. Ngoài ra, chúng tôi sẽ trồng thêm cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thêm nguồn thu. Nhưng đó là câu chuyện của ngày mai, ngày kia, còn bây giờ thì cứ đi bước nào chắc bước đó cái đã rồi hẵng tính”, ông Hinh giải thích.

Con gái ông Hinh là Hồ Thị Phượng sau khi tốt nghiệp ngành du lịch đã về mở quán cà phê kinh doanh, tham gia Hợp tác xã cà phê Khe Sanh. Thời điểm ấy, Phượng gom từng đồng tiền công mỗi tháng để tập trung mua cây giống về trồng trong nông trại. Sau khi nông trại bắt đầu có nguồn thu, công việc mỗi lúc một nhiều, Phượng bỏ việc về phụ giúp ông Hinh làm nông nghiệp. Phượng muốn biến những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất này để các sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm du lịch, nông trại sẽ là điểm đến của du khách trải nghiệm.

“Vài mùa gần đây, khi hoa trong nông trại nở rực, nhiều đoàn khách là các em nhỏ các trường học trên địa bàn đã đến đây trải nghiệm. Em muốn xây dựng Khe Sanh valley farm trở thành một điểm đến trong chuỗi du lịch trải nghiệm Tây Quảng Trị - Bắc Hướng Hóa. Khe Sanh valley farm sẽ trở thành một khu rừng đa tầng tán với hệ thực vật phong phú, cảnh quan hoang sơ để con người đến đây tìm được cảm giác thư thái”, Phượng tâm sự.

“Nếu cứ độc canh, nông dân thời đại này rất dễ “lấm lưng” bởi vì chẳng có loại cây trồng nào giá cả ổn định trong thời gian dài. Mình đa canh, cái này thua còn có cái khác bù vào. Và điều quan trọng là nếu rẻ quá, không thể bán thì mình vẫn có thể sử dụng vào mục đích khác ngay trong chính nông trại này. Tạo ra một nông trại đúng với ý tưởng của mình quả là không dễ nhưng chúng tôi đang tiến dần về đích”, ông Hồ Văn Hinh nói.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất