| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá bống bớp lao đao vì thiệt hại 'kép'

Thứ Tư 06/11/2019 , 10:24 (GMT+7)

Nhiều năm trước, cá bống bớp được ví như “con làm giàu” của một số xã ven biển thuộc huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định).

Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, nhiều người nuôi cá bống bớp không còn mặn mà, bởi giá cả bấp bênh, dịch bệnh, đầu ra không ổn định.

Nghĩa Hưng là huyện ven biển, có nhiều thuận lợi trong việc nuôi trồng các loại thủy sản nói chung và cá bống bớp nói riêng. Có thời điểm, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao, nhiều người dân ở các xã Nam Điền, thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Thắng…, đã chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi cá bống bớp.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng, cá bống bớp là con nuôi chủ lực của huyện này. Năm 2017, toàn huyện có khoảng 400ha, sản lượng đạt 1.000 - 1.200 tấn/năm, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch rất thuận lợi.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, diện tích nuôi trồng cá bống bớp của toàn huyện giảm mạnh, chỉ còn khoảng 200ha, khiến sản lượng giảm theo. Nguyên nhân do thị trường giá bán bấp bênh, dịch bệnh, đặc biệt là “đầu ra” sang Trung Quốc bị siết chặt nên cá bống bớp thương phẩm bị tồn đọng.
Ông Lại Minh Hưng, cán bộ phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng cho biết, từ năm 2017 trở về trước, vào thời điểm chính vụ, giá cá dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, không chính vụ dao động từ 320.000 - 350.000 đồng/kg. Hiện nay, tiêu thụ gặp khó khăn, thị trường cá bống bớp chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá bán chỉ còn khoảng 175.000 - 180.000 đồng/kg.
Là một trong những chủ cơ cở ươm cá giống, thu mua cá bống bớp thương phẩm để đưa đi tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Sơn (thị trấ Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng) chia sẻ, những năm trước, đầu ra xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch rất thuận tiện nên cơ sở xuất sang Trung Quốc từ 2 - 3 tấn cá/ngày. Thời điểm này, nước bạn siết chặt các mặt thủ tục, giấy tờ nên sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, chỉ còn 3 - 5 tạ cá/ngày.
Thị trường tiềm năng sang Trung Quốc bị siết chặt, ngày càng khó khăn nên ông Sơn và một số chủ cơ sở khác đành phải phát triển thị trường tiêu thụ nội địa, nhằm đẩy mạnh giá cá bống bớp thương phẩm lên cao để người dân đỡ khó khăn, thiệt hại kinh tế.
Anh Nguyễn Như Ngọc (xã Nam Điền) chia sẻ, trước đây gia đình anh nuôi 6 ao cá bống bớp. Song thị trường tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp nên hiện tại anh chỉ nuôi 3 ao, 3 ao để không. "Thị trường biến động nên có vụ nuôi, tôi lãi ít hoặc huề vốn; có vụ nuôi thậm chí lỗ nặng", anh Ngọc nói. (Trong ảnh là anh Ngọc đang dọn tảo, vệ sinh lại ao).
Do bị thiệt hại “kép” nên thời điểm hiện tại, nhiều người dân ở các xã Nam Điền, thị trấn Rạng Đông…, không còn mặn mà với loại cá bống bớp, họ đang chuyển đổi dần sang nuôi cá mú. (Trong ảnh là các hộ dân đang thu hoạch cá mú).
Người nuôi cá bống bớp giảm, diện tích nuôi giảm nên khu ương cá giống của ông Sơn đành “treo” lại, bỏ không nhiều tháng nay.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.