| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá quất đặc sản lãi tiền tỷ

Thứ Năm 04/08/2022 , 06:00 (GMT+7)

LÀO CAI Cá quất vốn sinh sống trong tự nhiên, nay được bà con vùng cao thuần hóa nuôi trong ao thành công, nhờ đó mà đời sống bà con cũng phất lên trông thấy.

Nuôi cá quất mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Ảnh: QD.

Nuôi cá quất mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Ảnh: QD.

Ông Phạm Văn Hàn là một trong những người đầu tiên ở Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) nuôi cá quất. Tháng 4/2019, ông đầu tư trên 1,5 tỷ đồng mua giống và cải tạo trên 3.000m2 ruộng trũng thành 4 ao thả cá.

Cá quất vốn sinh sống chủ yếu ngoài tự nhiên, ở sông suối nên để nuôi thành công loại cá này rất khó. Nhưng ông Phạm Văn Hàn chọn đi theo hướng lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, vừa nuôi cá quất vừa nuôi 3.000 con chạch chấu, 2.000 trắm cỏ, rô phi và chép lai, 5.000 lăng đuôi đỏ... để có sản phẩm đánh bắt xen kẽ giữa các vụ thu hoạch.

Để nuôi được cá quất, ông Phạm Văn Hàn xây dựng, đầu tư ao nuôi rất bài bản, khoa học, bờ ao được kè cứng bằng bê tông, mặt ao luôn thoáng đãng. Các phương tiện cơ giới có thể lưu thông dễ dàng tới các ao cá khi đến vụ đánh bắt.

Từ kinh nghiệm có được khi làm việc tại Trung tâm Thủy sản tỉnh Lào Cai, ông Phạm Văn Hàn nắm rõ về kỹ thuật, tập tính của loài cá quất. Do đó, chỉ sau 3 năm thả nuôi, đàn cá lớn nhanh, đạt 1,6 - 1,8 kg/con, với giá bán từ 500 - 700.000 đồng/kg, dự tính lứa đầu sau khi bán hết có thể thu về gần 2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi được trên 1 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Hàn cho biết, khó khăn để mở rộng nuôi cá quất đó là việc mua con giống rất khó khăn. Song cũng chính vì thế con cá quất bán được giá. Có thời điểm giá bán còn gấp 2-3 lần cá hồi. Trong khi đó, thức ăn cho cá quất chủ yếu là cá con, tôm, côn trùng, giun, cua… So với thức ăn của cá nước lạnh rẻ hơn, và dễ mua nhất là ở những vùng nông thôn.

Không chỉ vậy, cuối năm 2020, ông Phạm Văn Hàn đã thành lập Hợp tác xã Thủy sản An Phong và bắt tay vào xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi thủy sản theo chuỗi giá trị.

Ngay từ ngày đầu thành lập, Hợp tác xã Thủy sản An Phong đã lựa chọn đi theo hướng đi riêng biệt, đó là tạo ra những sản phẩm cá sạch, ngon và tuyệt đối an toàn, nuôi cá sạch theo mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng cao…

Với sự hỗ trợ của xã và huyện, ông Phạm Văn Hàn hiện đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá quất và phát triển vùng nuôi, ông chia sẻ: "Từ thực tế tôi đã tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi cá hằng ngày và căn cứ điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương… Tôi đã tư vấn và chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi và phòng dịch bệnh cho con cá cho bà con để cùng phát triển nghề nuôi cá".

Xã Quang Kim có diện tích mặt nước với gần 65ha. Hằng năm cung ứng ra thị trường 3,5 vạn con giống các loại, giá trị tkinh tế đạt trên 784 triệu đồng/ha. Hiện địa phương đã thành lập được tổ hợp tác với 7 hộ nuôi.

Ông Chu Văn Hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết, đầu ra của sản phẩm cá quất ổn định, thậm chí không đủ cung cấp cho thị trường. Xã đang tập trung để khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi cá quất của hợp tác xã An Phong. Từ đó, nâng cao thu nhập cho nhân dân nhằm đảm bao thực hiện tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế mới nhưng hiệu quả cao, xã Quang Kim và huyện Bát Xát ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật, thủ tục pháp lý xây dựng cá quất trở thành sản phẩm có nguồn gốc, sớm được công nhận và cấp sao OCOP.

Ông Lê Huy Giang, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bát Xát cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện hiện có 229ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản, sản lượng thu hoạch trong 3 tháng đầu năm đạt 391 tấn. Đây là thành quả từ chủ trương chuyển dịch đúng hướng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thủy sản của huyện thời gian qua.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp Bát Xát cũng tăng cường tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và phòng bệnh cho cá. Khuyến khích chuyển đổi từ nuôi thả các giống cá truyền thống sang giống cá mới cho năng suất cao, tăng cường chế biến thức ăn tại chỗ để giảm chi phí... nhằm phát triển thủy sản bền vững giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.