Chủ tọa diễn đàn giải đáp các thắc mắc của bà con nông dân |
Diễn đàn thu hút gần 130 đại biểu đến từ 7 tỉnh ĐBSCL, trong đó có 60 nông dân tại tỉnh Cà Mau đến dự. Nội dung được Ban tổ chức đưa ra là trao đổi về tiềm năng, hiện trạng phát triển tôm lúa tại khu vực ĐBSCL. Tìm ra những hướng đi phù hợp, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng, năng suất theo chuỗi liên kết Tổ hợp tác, Hợp tác xã, đề xuất các cơ chế chính sách… hướng đến mục tiêu đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Năm 2000, diện tích tôm - lúa có 71.000ha, đến năm 2015 đã tăng lên trên 175.000ha, chiếm 30,5% tổng diện tích nuôi tôm sú tại khu vực. Sản lượng đạt trên 75.000 tấn, trong đó nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với 77.866ha, Cà Mau 42.800ha, Bạc Liêu 29.400ha, Sóc Trăng 10.200ha.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tranh, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Cà Mau có thế mạnh về kinh tế thủy sản, có ngư trường biển rộng lớn, với 4.600 phương tiện khai thác biển. Địa phương có hơn 300.000ha diện tích NTTS. Tổng sản lượng chiếm trên 321 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,1 triệu USD. Khó khăn của Cà Mau là tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, hệ thống thủy lợi của nhiều địa phương hiện chưa đạt yêu cầu, dịch bệnh còn xảy ra thường xuyên. Thương hiệu sản phẩm hiện chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, sản phẩm của nông dân làm ra chưa bán được giá cao".
Thạc sĩ Nguyễn Công Thành, PGĐ Trung tâm Tập huấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL cho biết: “Lo ngại lớn nhất hiện nay là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn cao, thời tiết diễn biến thất thường, gây nhiều bất lợi cho nông dân”.
Thạc sĩ Nguyễn Công Thành, PGĐ Trung tâm Tập huấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL giải đáp mầm bệnh trên tôm nuôi |
Theo ông Thành, hầu hết người dân vùng lúa tôm ở ĐBSCL chưa quan tâm đúng mức về mối tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi (tôm, cua, cá…) và cây lúa trong hệ sinh thái đồng ruộng. Phần lớn người dân chỉ chú trọng phát triển nuôi tôm, thờ ơ với trồng lúa.
Diễn đàn đã thu hút nhiều nông dân quan tâm, trình bày quan điểm và đặt ra nhiều vấn đề quan trọng như, tình hình tôm chết, dịch bệnh xảy ra trên vuông nuôi nhưng không rõ nguyên nhân; làm thế nào để nâng cao năng suất, sản lượng lúa - tôm; việc xen canh, kết hợp giữa nhiều loài thủy sản như tôm sú, tôm càng xanh, cua, cá trên cùng một diện tích ruộng lúa có ảnh hưởng gì hay không; Các biện pháp cần thiết, hiệu quả trong việc tháo mặn, rửa phèn; Cần tạo điều kiện cho nông dân tham quan, học tập các mô hình hiệu quả tại nhiều địa phương trong khu vực để nhân rộng…
Ý kiến giải đáp của các chuyên gia đã tận tình hướng dẫn cho nông dân nhiều giải pháp hữu ích, hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân áp dụng tại địa phương. Đồng thời, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, người dân không nên thả giống với mật độ dày, con giống không rõ nguồn gốc. Chính điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Dậu, 62 tuổi, ngụ xã Trí lực, huyện Thới Bình cho biết, từ khi chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm - lúa xen canh thì đời sống của người dân địa phương phát triển rất rõ nét.
“Bà con nông dân làm tập trung nhiều giống lúa cho năng suất 4 - 4,5 tấn/ha. Thậm chí, có giống lúa đạt 6 - 7 tấn/ha. Nếu nuôi tôm không kết hợp trồng lúa thì đến tháng 8, 9 là thời điểm giông bão thường xuyên xảy ra. Nếu không có cây lúa dựa bám trong vuông tôm thì sóng nước làm các chất cặn bã trào lên, ảnh hưởng đến tôm nuôi”, ông Dậu nói.
Để mô hình lúa - tôm mang lại hiệu quả, ngành nông nghiệp thường xuyên tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp và nông dân. Qua đó, sẽ phát huy được vai trò tổ chức sản xuất, nhất là việc liên kết, trao đổi học hỏi, hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật...
Mô hình nuôi tôm - lúa kết hợp mang lại hiệu quả cao |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lưu ý: “Cần tăng cường nghiên cứu xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi một cách đồng bộ. Tăng kinh phí để xây dựng các mô hình an toàn thực phẩm, mô hình tôm - lúa… không để người dân sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm. Tổ chức sản xuất theo hướng THT, HTX, liên kết theo chuỗi. Đồng thời tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học. Nghiên cứu, sản xuất con giống kháng bệnh, sạch bệnh để tạo nền tảng mang lại hiệu quả cao”. |